Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Visa hợp tác cùng SmartPay thúc đẩy các giải pháp thanh toán số cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử toàn cầu, ngày 17-5-2023 đã công bố hợp tác chiến lược với SmartPay, công ty tài chính công nghệ ở Việt Nam, nhằm cung cấp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, Visa và SmartPay sẽ chung tay hỗ trợ doanh nghiệp với các công cụ tối ưu và cần thiết để có thể cạnh tranh trong bối cảnh thanh toán số đang phát triển không ngừng.

Tham dự lễ ký kết hợp tác có bà Jeni Mundy, Giám đốc Toàn cầu, Bộ phận Phát triển Kinh doanh – Chấp nhận thanh toán (MSA) của Visa, và ông Marek Forysiak, Chủ tịch SmartPay. Sự kiện ký kết hợp tác này cũng là một hoạt động quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của bà Mundy, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á khi Visa cam kết mở rộng việc ứng dụng thanh toán số và tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển mạng lưới khách hàng nhằm tạo thêm nhiều triển vọng hợp tác trong tương lai.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Visa và SmartPay tại Hà Nội.

Bà Jeni Mundy chia sẻ: “Khi kết nối cùng đối tác của Visa tại Việt Nam, tôi thực sự ấn tượng bởi những cam kết và nỗ lực phát triển chấp nhận thanh toán điện tử, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng và khách hàng sự tiện lợi thông qua đa dạng các giải pháp và phương thức thanh toán số.”

Ông Marek Forysiak, Chủ tịch SmartPay, chia sẻ: “Việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiết bị POS đang trở thành một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc bắt kịp với tiến trình chuyển đổi số. Nhu cầu sử dụng thiết bị POS đến quý 2 năm 2022 là 1,2 triệu thiết bị và mục tiêu của SmartPay trong 3 năm tới là cung cấp thêm 325.000 thiết bị POS – chiếm gần 30% tổng thị phần. Hợp tác chiến lược với Visa thể hiện nỗ lực của chúng tôi trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trở nên dễ tiếp cận hơn ở Việt Nam, bằng cách mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng được trang bị máy POS phục vụ cho thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là những giao dịch qua thẻ Visa. Chiến lược này sẽ trang bị cho nhà bán hàng giải pháp thanh toán hữu hiệu giúp họ tăng sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số.”

Mặc dù tiền mặt là hình thức thanh toán phổ biến ở Việt Nam, người tiêu dùng đang dần có xu hướng chuyển sang các lựa chọn thanh toán số. Theo nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 (Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022), việc sử dụng tiền mặt đã giảm so với năm 2021, khi có 89% người được khảo sát cho biết họ sử dụng ví điện tử và 85% sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. (Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng được CLEAR thực hiện vào tháng 9 và 10-2022, khảo sát 6.550 người ở Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Cambodia. Nghiên cứu đã phỏng vấn trực tuyến 1.000 người tiêu dùng Việt Nam làm việc bán thời gian, toàn thời gian và doanh chủ, với sự tổng hợp nhân khẩu học cân bằng giữa độ tuổi, giới tính và mức thu nhập).

Cũng theo nghiên cứu này của Visa, có tới 79% người tiêu dùng chia sẻ họ không hài lòng với các phương thức thanh toán có sẵn tại đơn vị bán hàng. Đặc biệt hơn, 74% người được khảo sát nhấn mạnh về nhu cầu cấp thiết đối với nhà bán lẻ trong việc bắt kịp và áp dụng với các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Những số liệu thống kê này chỉ ra một cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để mở rộng tệp khách hàng một cách hiệu quả và nâng cao đáng kể hiệu suất bán hàng.

Theo Visa, những gì đang diễn ra ở Việt Nam là một phần của xu hướng toàn cầu hướng tới số hóa trong thanh toán. Nghiên cứu Phục hồi Kinh doanh của Visa (Visa’s Global Back to Business study) được công bố năm ngoái cho thấy 73% doanh nghiệp quy mô nhỏ cho biết việc chấp nhận các hình thức thanh toán số mới là nền tảng cho sự tăng trưởng. Ngoài ra, 59% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ đã hoặc dự định chỉ triển khai thanh toán số trong vòng 2 năm tới, đồng thời 41% người tiêu dùng cũng có mong muốn được sử dụng thanh toán số. (Nghiên cứu Visa Back to Business do Wakefield Research thực hiện vào tháng 12-2021 và khảo sát 2.250 chủ doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 100 nhân viên ở Brazil, Canada, Đức, Hong Kong, Ireland, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất  (United Arab Emirates) và Hoa Kỳ. Bộ phận người tiêu dùng đã khảo sát 1.000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ và 500 người trưởng thành ở Brazil, Canada, Đức, Hong Kong, Ireland, Nga, Singapore và UAE).

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ: “Giờ đây, các doanh nghiệp nhỏ có thể xây dựng và phát triển trên nền tảng kỹ thuật số để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Thanh toán không chỉ là để hoàn tất giao dịch mua bán, mà còn tạo ra trải nghiệm thuận tiện và an toàn, xây dựng thương hiệu của công ty trên các nền tảng và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.”

Visa cho biết: Hiện tại, Visa đang triển khai hàng loạt sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bắt kịp xu hướng thanh toán số và phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số. Đặc biệt, Visa đã vượt qua nửa chặng đường của mục tiêu số hóa 50 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhỏ đã có thể củng cố năng lực kỹ thuật số, từ triển khai ứng dụng giao dịch không tiếp xúc đến thương mại điện tử, sự chuyển đổi giúp họ thích ứng và phục hồi dễ dàng hơn.

Trong khi đó, SmartPay đang cung cấp các giải pháp thanh toán không tiền mặt như SmartQR, SmartPOS, giải pháp quản lý kinh doanh như SmartShop, tích hợp phần mềm quản lý bán hàng OPOS trên thiết bị SmartPOS. SmartPay cũng giúp tiếp vốn cho các nhà bán hàng với hình thức vay kinh doanh hay thúc đẩy doanh số bằng sản phẩm Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later), hoàn thiện hơn nữa quy trình vận hành cho nhà bán hàng với sản phẩm SmartBox – Loa báo (Soundbox) thanh toán thông minh, thông báo xác nhận giao dịch tức thì. Tính tới cuối năm 2022, SmartPay có hơn 700.000 nhà bán hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán) và cộng đồng hơn 40 triệu người dùng trong cả nước.

H.T.O.

Nguồn do Visa cung cấp.