Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Roaming – đoạn trường ai có qua cầu mới… đau!

ott-girl

Sáng nay tôi lại bị mất tiền “hỗng có khôn” cho cái tật lớn hơn cái tuổi “đã ra nước ngoài còn khoái alô với nước trong”.

Bữa trước vừa từ Mỹ về, người còn bị chập cheng bởi sự thay đổi giờ giấc, ngay hôm sau tôi đã xiểng liểng tối tăm mặt mũi khi nhận được tin nhắn của MobiFone báo cước điện thoại là hơn 3,4 triệu đồng.

Mấy chuyến đi Mỹ sau này tôi rất cẩn thận, hạn chế tới mức thấp nhất chuyện liên lạc với bên nhà, có gì chỉ nhắn tin SMS. Còn để liên lạc bên Mỹ, tôi dùng máy và số điện thoại của Mỹ. Vẫn biết rằng cước roaming (chuyển vùng) điện thoại quốc tế là cực đắt, nhưng do công việc của mình, tôi không thể bắt chước nàng Lan mà “cắt đứt dây chuông” đoạn tuyệt cùng chàng Điệp.

Cước nhắn tin SMS từ Mỹ về Việt Nam là 8.900 đồng/tin nhắn. Cước nghe người khác gọi tới là 39.200 đồng (cuộc gọi dưới 60 giây). Cước gọi đi 62 giây là 296.000 đồng.

Chẳng phải gọi từ Mỹ mới đắt như vậy đâu. Ngay ở Đông Nam Á, giá cước roaming gọi về Việt Nam cũng cao ngất trời. Đắt nhất là Malaysia, Singapore,…

Tôi có hỏi thì được nhà mạng Việt Nam trả lời rằng giá cước roaming cao là do các mạng đối tác ở nước ngoài tính cao. Thắc mắc với nhà mạng nước ngoài thì họ lại đổ thừa do phía Việt Nam tính giá cao. Coi như đồng đổ bóng, bóng đổ đồng chỉ có con nhang là lãnh đủ!

Thiệt ra, roaming rất có lợi cho những người vì công việc của mình cần phải luôn giữ liên lạc với các đối tác trong nước hay với các thành viên gia đình. Nó đặc biệt hữu ích ở những nước và vùng lãnh thổ không bán rộng rãi SIM trả trước cho khách vãng lai nước ngoài (như Hàn Quốc, Taiwan,…) Nhưng điều cần phải ghi tâm khắc cốt là khi cần liên lạc chủ yếu chỉ nên nhắn tin SMS qua lại, nếu kẹt quá thì chỉ nhận cuộc gọi dưới 60 giây (ngay cả gọi đi dưới 60 giây cũng không hề rẻ).

Bây giờ roaming quốc tế rất dễ. Người ta chỉ cần nhắn tin SMS để đăng ký dịch vụ này (thí dụ như thuê bao trả sau MobiFone nhắn cho số 999 với cú pháp “DK CVQT”), sau khi nhận được SMS hồi báo thành công là có thể roaming trong 1 tháng. Khi về nước, ta phải tắt dịch vụ này (thí dụ như thuê bao trả sau MobiFone nhắn cho số 999 với cú pháp “HUY CVQT”) để khỏi bị tính cước quốc tế khi đi gần khu vực biên giới có sóng di động của nước láng giềng.

Còn nhớ mấy năm trước, muốn sử dụng dịch vụ roaming, thuê bao phải lên điểm dịch vụ ký quỹ 5 triệu đồng và chỉ có thể nhận lại số tiền này sau khi đã hủy dịch vụ được 1 tháng. Đây thiệt ra là một khoản chiếm dụng vốn của nhà mạng. Vì khi trả lại, họ không tính lãi cho khách, cho dù có người ký quỹ mấy năm trời (như tôi nè). Lẽ ra, nếu fairplay, họ phải chuyển số tiền ký quỹ này vào một tài khoản ngân hàng.

Bây giờ, thuê bao không phải ký quỹ roaming nữa. Nhưng nếu chưa được tăng hạn mức cước, bạn phải đem hộ khẩu tới điểm dịch vụ để đăng ký thông tin. Bình thường, khi chưa đăng ký, thuê bao trả sau chỉ có hạn mức 400-500 ngàn đồng (giống như cọp ăn bù mắt khi roaming). Sau khi đăng ký chính thức, hạn mức tăng lên thành 3 triệu đồng.

Hồi trước, với thuê bao roaming, nhà mạng tính luôn cước nhận tin nhắn. Người gởi tin SMS chỉ phải trả cước trong nước, còn khúc ra nước ngoài là do người nhận tin chịu. Bởi vậy, thuê bao roaming nằm trong số những người cực kỳ thù ghét các tin nhắn quảng cáo, hễ lọt vô máy là phải trả tiền. Bây giờ thì được nhận tin nhắn miễn phí, chỉ tính cước gởi đi.

Cách đây vài năm, khi đang dự COMPUTEX ở Taiwan, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một sư tỷ đồng môn trung học từ Mỹ gọi sang. Chị cẩn thận hỏi có nói chuyện được lâu không, nghe tôi hí hửng gật đầu, chị dặn là mình mới mua một chiếc thẻ điện thoại 30 phút, sẽ gọi cho hết thẻ, khi nào bị ngắt có nghĩa là hết tiền. Tôi nằm vắt chân chữ ngũ trên giường khách sạn mà thoải mái tám cùng bà chị, ôn lại bao kỷ niệm trường xưa. Tới chừng bị ngắt, biết là bên chị hết tiền thẻ, tôi mới giựt mình rơi một cái rầm từ thiên đàng xuống địa ngục vì nhớ ra: tôi đang ở Taiwan chớ đâu phải ở Việt Nam – có nghĩa là phải trả tiền cước khi nghe điện thoại từ nước ngoài gọi tới. Lần đó, tôi phải trả gần 200 USD cho 30 phút “tám liên lục địa”.

Từ khi nhà mạng mở thêm dịch vụ roaming cả loại hình gói data GPRS, khách thuê bao càng có thêm nguy cơ cháy túi vì roaming – cước thông tin bình thường (thoại và SMS) đã cao, cước tải data còn cao ngất trời. Cái mà nhà mạng chơi ác lắm, họ mở dịch vụ roaming GPRS mà chẳng hề thông báo cho thuê bao (hay có thông báo ở đâu đó mà hỗng phải thuê bao nào cũng có thể biết được). Vậy là mấy anh xài smartphone quen tật đi tới đâu cũng mở GPS và Google Map để coi mình đang ở chỗ nào và lộ trình ra sao bị lãnh đạn te tua, bởi khi nào không có sóng Wi-Fi, điện thoại tự động chuyển sang kết nối GPRS để nhận data. Tôi có anh bạn đi Mỹ chơi, cứ mở GPRS suốt, chẳng bao lâu sau bên nhà gọi qua báo cho biết nhà mạng thông báo cước lên tới 15 triệu đồng, tới chừng người nhà đi đóng thì cước đã tới 20 triệu đồng. Một anh bạn khác ở Hà Nội sau chuyến đi Mỹ công tác về cũng đã phải bán một thiết bị máy tính tha về từ Mỹ để lấy tiền đóng cước roaming “đột biến”. Ngay chính tôi, lần đó đi Thái Lan, thấy mấy bạn đồng nghiệp nước ngoài ngồi trên xe mở GPS và Google Map coi lộ trình, tôi cũng ăn theo, về nhà trả gần 2 triệu đồng cước. Để tránh cái kiếp nạn này, khi đi nước ngoài mà có roaming, bạn cần phải tắt chức năng GPRS, gói dữ liệu (packet data) trên điện thoại.

Bây giờ mỗi lần qua Mỹ, tôi xài điện thoại của Mỹ để liên lạc như… người Mỹ cho nó “an lành” cái hầu bao. Nếu muốn gọi về Việt Nam, tôi chỉ cần mua thẻ VOIP như V247 (“thẻ ông Ngạn”) gọi cho nó rẻ tiền như… Việt kiều Mỹ.

Row of five friends using cellular phones smiling

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường của các dịch vụ thoại miễn phí qua Internet OTT (over the top – các ứng dụng hoạt động trên kết nối Internet nhưng không liên quan đến các nhà cung cấp kết nối Internet) như Viber, Tango, Magic Jack, Zalo, Kakao Talk, Line,… giúp người dùng điện thoại thoát ra được cái vòng kim cô mà các nhà mạng hè nhau thít chặt. Hễ nơi nào có sóng Wi-Fi hay 3G là ta có thể thoải mái tám hay nhắn tin với thuê bao khác cũng có cài ứng dụng tương thích (thí dụ máy có cài Viber gọi cho máy có Viber). Tôi vẫn dùng app Magic Jack cho Android để từ Việt Nam gọi cho các máy điện thoại bên Mỹ mà không cần máy người nhận có cài Magic Jack.

Screen-Shot-2013-05-02-at-14.10.15

Các nhà mạng di động Việt Nam (cũng như trên thế giới) đang hãi hùng, khiếp đảm trước các ông thần đèn OTT này. Họ chẳng thể làm gì được, chẳng lẽ yêu cầu nhà nước cấm xài Internet trên điện thoại? Theo báo Đầu Tư, các dịch vụ viễn thông cơ bản, như điện thoại, nhắn tin… đang chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp viễn thông, trên 100.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber, thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Có nghĩa là, các nhà mạng sẽ mất gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu khách hàng đều dùng các dịch vụ OTT, gồm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet. Theo Viettel, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, Viber mới chỉ có hơn 1 triệu người dùng và chưa tính các ứng dụng OTT miễn phí khác, như Zalo, Kakao Talk, Line…

Cũng theo báo Đầu Tư, ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận xét, OTT là một xu thế công nghệ mới và nhà mạng không thể “cưỡng” lại được. Các nhà mạng cần ngồi lại với nhà cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà mạng, các doanh nghiệp viễn thông và nhất là quyền lợi của người dùng di động.

Xin nói thêm, hiện nay có hơn 80% người dùng smartphone ở Anh đang sử dụng các dịch vụ OTT.

ott-uk

Gặp thời thế thế thời phải thế thôi mà. Bao nhiêu năm nay các “con bò sữa thuê bao” đã bị các nhà mạng hè nhau vắt tới giọt sữa cuối cùng rồi, bây giờ họ phải nạp “sữa ngoại” để sinh tồn thôi. Nói có vẻ hơi quá đáng một chút (nhưng cho nó hả cái ấm ức tích tụ bấy lâu nay), dù sao con vắt đã bú no rồi cũng tới lúc phải nhả ra cho thiên hạ sống với chớ.

Bây giờ, tôi xin ngừng ở đây để đi cài hết mấy cái app OTT vô điện thoại của mình. Hẹn gặp nhau trên…. OTT!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-6-2013)

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.