Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Những ngôi làng thông minh

Người trong thiên hạ trước nay vốn đã quen với những cụm từ thành phố thông minh, đô thị thông minh (smart city). Nên họ dễ trố mắt khi biết trên thế giới này, cái sự thông minh công nghệ đó giờ đã lan rộng tới tận cấp làng xã với những ngôi làng thông minh (smart village).

Một người bạn chia sẻ: “Làng thông minh” được hiểu là mô hình cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững. Theo mô hình “làng thông minh”, người dân sẽ có một không gian đáng sống, được kết nối cũng như thụ hưởng các tiện ích và dịch vụ xã hội tốt hơn,tạo động lực cho các lĩnh vực khác như: du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu… cùng phát triển.

Cũng theo anh bạn, mặc dù còn những khó khăn, nhưng việc nhân rộng mô hình “làng thông minh” là cần thiết, vừa góp phần cải thiện đời sống nguoi dân, vừa đáp ứng xu thế xã hội. Ở các nước phát triển, nhất là khu vực Châu Âu, việc xây dựng “làng thông minh” từ lâu đã được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Vào thời điểm cuối tháng 5-2023, gõ tìm cụm từ “smart village”, “ông cụ Bác học” Google Search cho thấy có tới 443 triệu kết quả tham chiếu.

Làng thông minh có kết nối Wi-Fi và nguồn điện mặt trời. (Nguồn: Internet. Thanks).

Tò mò một cách thời thượng, chúng tôi bèn hỏi chatbot trí tuệ nhân tạo AI ChatGPT: “Bạn biết gì về smart village?” Nó trả lời cực kỳ bài bản nhanh chỉ trong nửa nốt nhạc: “Smart village là một khái niệm đang được phát triển nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và khai thác tối đa tiềm năng của vùng quê thông qua sự ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Smart village tập trung vào cải thiện năng suất nông nghiệp, nâng cao hạ tầng và dịch vụ công cộng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng.”

ChatGPT giải thích: “Để thực hiện ý tưởng của smart village, các công nghệ và giải pháp kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng, bao gồm mạng thông tin, truy cập và sử dụng các công nghệ tương tác, máy móc tự động hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng cấu trúc thông minh.”

Ứng dụng AI “đình đám” ChatGPT chốt hạ: “Smart village có thể giúp cải thiện đời sống của cộng đồng và tạo ra môi trường sống bền vững cho những ai sống và làm việc tại các khu vực nông thôn.”

Trong khi đó, bách khoa toàn thư online Wikipedia giải thích: “Khái niệm về làng thông minh là một cách tiếp cận hiện đại toàn cầu cho các cộng đồng không được nối mạng lưới (off-grid communities). Tầm nhìn đằng sau khái niệm này là hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và nhà lập kế hoạch kinh tế xã hội cho điện khí hóa nông thôn trên toàn thế giới.”

Cũng theo Wikipedia, khái niệm này đã nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh của các nước Châu Á và Châu Phi, mặc dù nó cũng được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới như Châu Âu. Khái niệm làng thông minh tham gia vào nỗ lực chống lại các rào cản thực sự đối với việc tiếp cận năng lượng ở các làng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển bằng phương pháp công nghệ, tài chính và giáo dục. Trọng tâm chính của làng thông minh là sử dụng tài nguyên tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch, đây được coi là cách tiếp cận tốt nhất có thể được phát triển thông qua các hệ thống hoặc cộng đồng không được nối mạng lưới.

Mặc dù cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0) là cho toàn bộ, nhưng người ta trước nay chủ yếu tập trung vào các ngành công kỹ nghệ, công nghệ và khu vực đô thị. Trong khi đó, theo Wikipedia, khoảng 80% dân số thế giới sống ở khu vực nông thôn và phần lớn những người này không được tiếp cận với điện. Do thiếu việc làm, người dân từ các vùng nông thôn di cư đến các khu vực thành thị, nơi họ dễ dàng tìm thấy cơ hội việc làm do cơ sở hạ tầng công nghiệp được thiết lập chủ yếu dựa trên sự sẵn có của điện. Các dự án phát điện của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dựa trên công nghệ năng lượng tái tạo với chi phí thấp là lựa chọn hấp dẫn cho điện khí hóa không nối lưới ở hầu hết các vùng nông thôn của các nước Châu Á. Công việc của nó sẽ đáp ứng nhu cầu điện ở nông thôn và tạo cơ hội việc làm để giảm thiểu quá trình đô thị hóa đang quá nóng.

Sự khác biệt giữa vùng thành thị và nông thôn ở Châu Âu không quá rộng như ở Châu Á và Châu Phi. Châu Âu có nhiều hệ thống phục vụ việc phát triển nông thôn (rural development), cũng như có nhiều sáng kiến đầy cảm hứng trên khắp Châu Âu. Chẳng hạn như Mạng lưới Phát triển Nông thôn Châu Âu ENRD (European Network for Rural Development) mà sau này trở thành một phần của mạng lưới EU CAP Network (EU’s Common Agricultural Policy Network) thuộc Liên minh Châu Âu (EU).

Làng thông minh là chủ đề phụ của công việc chuyên đề rộng hơn của hệ thống ENRD về Các Khu vực Nông thôn Thông minh và Cạnh tranh (Smart and Competitive Rural Areas). Một Nhóm chuyên đề (TG) đã làm việc về chủ đề này từ tháng 9-2017 đến tháng 7-2020.

Trong năm đầu tiên, TG đã khám phá các ý tưởng và sáng kiến xung quanh việc hồi sinh các dịch vụ nông thôn thông qua đổi mới xã hội và kỹ thuật số. Nó xem xét cách các dịch vụ nông thôn – như y tế, dịch vụ xã hội, giáo dục, năng lượng, giao thông, bán lẻ – có thể được cải thiện và trở nên bền vững hơn thông qua việc triển khai các công cụ ICT cũng như thông qua các hành động và dự án do cộng đồng lãnh đạo.

Vào năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã phát hành tài liệu “Hành động của EU đối với các Làng thông minh” (EU Action for Smart Villages), đưa ra hiểu biết hiệu quả về khái niệm “làng thông minh” và thiết lập một số hành động để giúp thúc đẩy các hoạt động của làng thông minh ở Châu Âu. Một hành động quan trọng là thành lập một nhóm làm việc về làng thông minh, tập hợp các chuyên gia và các bên liên quan từ học viện, chính quyền nông thôn trên khắp Châu Âu để xác định các phương pháp hay nhất và bài học chính cho việc thúc đẩy và phát triển khái niệm làng thông minh. Nhóm công tác hoạt động trong Mạng lưới ENRD đã giúp EC tìm ra các cách có thể hỗ trợ các khu vực nông thôn hấp dẫn, bền vững và có khả năng phục hồi.

Giải thích lý do vì sao cần có mô hình làng thông minh, Diễn đàn Làng Thông minh Châu Âu (European Smart Villages Forum) dẫn ý kiến của Dịch vụ Nghiên cứu Nghị viện Châu Âu (European Parliament Research Service, EPRS) cho biết: Trong những năm gần đây, làng thông minh bắt đầu nở rộ, hồi sinh và trao quyền cho các cộng đồng nông thôn. Khái niệm này ngụ ý sự tham gia của người dân địa phương trong việc cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội hoặc môi trường, hợp tác với các cộng đồng khác, đổi mới xã hội và phát triển các chiến lược làng thông minh.

Hồi tháng 11-2022, trên Website của mình, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thuộc Liên Hiệp Quốc đã đăng một bài viết về sự cần thiết của kỹ thuật số trong cách mà các ngôi làng thông minh đang thay đổi cuộc sống ở Niger. Khoảng 80% trong số hơn 25 triệu người dân của nước Tây Phi này sống ở vùng sâu vùng xa và nông thôn, cách xa trung tâm và vùng đô thị. Khoảng cách có thể có nghĩa là sống hoặc chết khi cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Ông Hani Eskandar, Điều phối viên cao cấp về Dịch vụ Kỹ thuật số tại ITU, nhận xét: “Hầu hết các con đường không được bảo trì tốt và một số ngôi làng của Niger cách thủ đô 2.000km. Vậy làm thế nào bạn có thể cung cấp hỗ trợ và phục vụ nhu cầu của những ngôi làng đó? Kỹ thuật số là một điều cần thiết.”

Chính phủ Niger với sự hỗ trợ của LHQ và nhiều tổ chức và doanh nghiệp quốc tế, trong đó có những nhà cung cấp dịch vụ liên lạc qua vệ tinh như Intelsat và Spacecom, đã triển khai một sáng kiến mang các công nghệ thông minh đến các cộng đồng làng mạc xa xôi hẻo lánh.

Được triển khai từ năm 2019, sáng kiến Những Ngôi làng Thông minh ở Niger có mục tiêu cụ thể: cung cấp kết nối tới tất cả 2.175 ngôi làng trên cả nước; thiết lập các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật số, bao gồm các trung tâm viễn thông và chẩn đoán y khoa kỹ thuật số; hỗ trợ các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương,… Chẳng hạn, tại 2 làng Sadore và Borgo Darey nằm cách thủ đô Niamey khoảng 45km, hai dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số đã được thiết lập theo quan điểm: làng thông minh phải là làng khỏe mạnh.

Mô hình một làng thông minh về dinh dưỡng ở Ấn Độ. (Nguồn: Internet. Thanks).

Còn ở Ấn Độ, nước đông dân nhất nhì thế giới với dân số ước tính năm 2023 hơn 1,42 tỷ người, có tới khoảng 65% dân số sống trong các ngôi làng nông thôn. Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là dưới thời kỳ lãnh đạo năng động, cam kết và đổi mới sáng tạo của Thủ tướng Narendra Modi hiện nay (ông cầm quyền từ tháng 5-2014), đang tích cực triển khai chương trình Thành phố Thông minh và Làng Thông minh. Sáng kiến này có mục tiêu giúp tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới để giữ chân người trẻ khỏi bỏ làng lên thành thị làm phình to các khu nhà ổ chuột và làm cho ngôi làng trở nên thông minh cho các cư dân của nó.

Trong nỗ lực này có sự tham gia đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn đang định cư ở Mỹ với dự án “New India 4.0”, bao gồm chương trình làng thông minh. Dự án này bước đầu đã giúp cho 62 ngôi làng ở 19 bang của Ấn Độ được những người Mỹ gốc Ấn ở Mỹ nhận đỡ đầu, xây dựng thành làng thông minh.

Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2019, dân số nông thôn là 63.086.436 người, chiếm 65,6% tổng số dân. Có nhiều làng bản nằm ở vùng sâu, vùng xa trong rừng, trên núi, cách ngăn với sông rạch chằng chịt. Báo Nhân Dân (25-2-2023) cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Ðằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp); xã Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)… Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công…

Việt Nam có lợi thế là kết nối Internet di động đã được phủ khắp nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cả nước đang tăng cường công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, từ thượng tần kiến trúc (trung ương) tới hạ tầng cơ sở (địa phương). Tất cả chỉ cần có những dự án làng xã thông minh khà thi và nguồn vận hành để triển khai. Làng xã thông minh là những làng xã được kết nối Internet, có nguồn điện (bao gồm cả điện mặt trời, thủy điện nhỏ,…), được ứng dụng công nghệ vào những lĩnh vực từ hoạt động chính quyền, dịch vụ công ích đến sinh hoạt của người dân. Ở các làng xã thông minh, người dân trồng trọt, chăn nuôi và sinh sống trong môi trường ứng dụng công nghệ, được kết nối và thông minh.

Liên minh ITU nhấn mạnh: “Cách tiếp cận mô hình làng thông minh hiện đóng vai trò là kế hoạch chi tiết cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của các làng nông thôn trên toàn thế giới.” Điều này phù hợp với Việt Nam, nơi việc xây dựng làng thông minh hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Bài đã được in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 89 tháng 6-2023.

PHẠM HỒNG PHƯỚC