Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thiết bị gập vẫn còn nhiều ngổn ngang

Đến hẹn lại lên mỗi năm một bận, những người mê điện thoại gập trên thế giới vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2023 đã lại một phen phát sốt phát nóng lên với dòng smartphone Galaxy Z Series của nhà Samsung (Hàn Quốc). Năm nay đã là năm thứ 4 với thế hệ Z Series thứ 5 gồm bộ đôi Galaxy Z Fold5 và Galaxy Flip5. Samsung – nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới – cho thấy mình là hãng kiên trì nhất trong việc khai phá thị trường smartphone gập, thậm chí không ngại nhấn mạnh mình sẽ định hình dòng smartphone gập.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Khái niệm smartphone gập ngày nay không phải là thiết bị gập dạng vỏ sò (clamshell phone) vốn phổ biến trước đây. Lúc đó, điện thoại chủ yếu còn xài bàn phím cơ và màn hình kính cứng chỉ có thể gập đôi ở giữa màn hình và bàn phím. Chẳng hạn, Samsung – vốn nổi tiếng với vô số mẫu điện thoại gập vỏ sò – vào năm 2017 còn ra mẫu điện thoại gập vỏ sò cuối cùng là Galaxy Folder2. Ngày nay, với công nghệ tấm nền dẻo (flexible screen), smartphone gập chính là thiết bị có màn hình gập lại được. Smartphone gập hiện nay phải được gọi chính xác là smartphone màn hình gập.

Điện thoại gập vỏ sò (clamshell phone) ngày xưa gập đôi giữa màn hình và bàn phím. (Ảnh: Internet. Thanks).

Smartphone gập ngày nay có thể gập màn hình theo chiều dọc (Flip) hay chiều ngang (Fold). (Ảnh: Internet. Thanks).

Ngày xưa, điện thoại gập có mục đích giúp thiết bị nhỏ gòn dễ bỏ túi. Ngày nay, smartphone gập ngoài mục đích gập lại khi bỏ túi và di chuyển, còn có mục tiêu chính là mở rộng màn hình làm việc cho những người có nhu cầu sử dụng màn hình lớn. Đơn cử, Galaxy Z Fold5 khi gập lại là một smartphone bình thường với màn hình ngoài 6.2 inch, và khi mở ra sẽ có màn hình trong lớn 7.6 inch. Là một trong những người sở hữu những chiếc Galaxy Z Fold5 đầu tiên được bán ở Việt Nam tối 11-8-2023, bạn Ngô Trần Thịnh, phụ trách Bộ phận Nội dung số Trung tâm tin tức – Đài Truyền hình TP HCM (HTV), chia sẻ: “Tôi chọn sử dụng điện thoại gập này vì cần có màn hình lớn do đặc trưng của công việc phải thường xuyên duyệt video. Tôi vẫn đang xài con Z Fold2 mua cách đây 3 năm.” Một anh bạn có mặt trong đêm mở bán dòng Galaxy Z5 Series tham gia: “Điện thoại này có thể gập lại cho gọn khi di chuyển và bung mở ra để làm việc.”

Thị trường smartphone màn hình gập hiện nay vẫn còn đang ở tình trạng phôi thai, hầu như chỉ có những “ông lớn” trong ngành tham gia cuộc chơi này. Đó là Huawei (từ năm 2019 với Mate X), Motorola (công bố 2019 với Razr 2019), Samsung (từ năm 2020 với Galaxy Z Flip), Xiaomi (2021 với Mi MIX Fold), OPPO (2021 với Find N), Vivo (2022 với X Fold), Google (tháng 5-2023 với Pixel Fold), Honor (tháng 7-2023 với Magic V2), ,… Trong số này, Samsung có nhiều lợi thế cả công nghệ lẫn sản xuất và đầu tư nhiều nhất cho cuộc chơi smartphone gập. Nói cho công bằng, nếu như Huawei không bị vướng cái vòng kim cô cấm vận từ Mỹ thì với thế mạnh về công nghệ và đặc biệt là thị trường sân nhà lớn nhất hành tinh (Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân), Huawei và Samsung sẽ là cặp song đấu tưng bừng lá thu trên thị trường smartphone gập.

Thực tế hiện nay, ngoại trừ Samsung ra đã tạo được biểu tượng, các tay chơi smartphone gập khác hầu như vẫn chỉ ở trong giai đoạn thăm dò, chứng minh công nghệ và khẳng định với người dùng là mình hoàn toàn có khả năng sản xuất smartphone gập. Các sản phẩm còn ít ỏi của họ chỉ có ý nghĩa “đặt cục gạch” xí phần. 

Một số người cho rằng điện thoại gập không có gì lạ, nó quay lại cái thời điện thoại vỏ sò ngày xưa. Không sai, nhưng giờ là smartphone gập, một sự cách tân phát triển hoàn toàn khác điện thoại gập nhiều năm về trước. Chính vì cái sự khác biệt và cách biệt đó mà smartphone gập vẫn còn ngổn ngang nhiều thứ.

Công nghệ màn hình dẻo mở ra thời của smartphone màn hình gập. (Ảnh: Internet. Thanks).

Ngay các nhà sản xuất cho đến nay vẫn chưa thể đạt được độ hoàn thiện về smartphone gập. Sau khi đã mất hàng chục năm để phát triển được công nghệ tấm nền OLED bằng nhựa dẻo có thể gập lại nhiều lần, người ta vẫn còn phải loay hoay với cái bản lề, làm sao để nó không chỉ bền, êm mà còn có thể giúp 2 bên màn hình khi gập lại càng khít càng tốt, và lúc bung ra thì nếp gấp càng được xóa mờ càng tốt. Như nhà Samsung, phải đến thế hệ gập thứ 5, họ mới phát triển được cái bản lề Flex mới giúp cho thiết bị khi gập lại hầu như không còn khe hở.

Bản lề của Galaxy Z Fold5 (bên phải) gập khít hơn so với Galaxy Z Fold4. (Nguồn: Internet. Thanks).

Với chiếc smartphone gập Xiaomi MIX Fold 3 ra mắt ngày 14-8-2023, Xiaomi cho biết bản lề độc quyền của hãng đạt độ bền đáng kinh ngạc về tổng thể. Thiết bị đã đạt chứng nhận TÜV Rheinland Extreme Folding với khả năng gập lên tới 500.000 lần.

Cơ cấu phức tạp của chiếc bản lề trên smartphone gập Xiaomi MIX Fold 3. (Ảnh: Internet. Thanks).

Tại sự kiện ra mắt OPPO Find N2 Flip, mẫu smartphone gập thứ ba của OPPO và đầu tiên của thương hiệu này được bán tại Việt Nam, hồi cuối tháng 3-2023, ông Văn Bá Luýt, Giám đốc Sản phẩm tại OPPO Việt Nam, cho biết: OPPO Find N2 Flip thể hiện triết lý của OPPO “Not the first, But the best” (không phải là đầu tiên, nhưng là tốt nhất). Với Find N2 Flip, OPPO đã giải quyết được 4 cái “nhược” của điện thoại gập hiện nay: màn hình ngoài bé xíu (Find N2 Flip có cover screen lớn nhất 3.26″); nếp gấp màn hình (Find N2 Flip với nếp gấp nhỏ bằng nửa); cấu hình camera thấp (Find N2 Flip có camera Hasselblad với cảm biến chính Sony IMX890 50MP và cảm biến selfie Sony IMX709 32MP; kết hợp chip NPU hình ảnh MariSilicon X), pin thấp (Find N2 Flip có pin cả ngày 4.300mAh sạc siêu tốc SuperVOOC 44W).

Trang công nghệ The Verge ngày 7-8-2023 viết: Khi Samsung phát hành điện thoại Fold cao cấp đầu tiên của mình, đó là một kỳ tích kỹ thuật: về cơ bản, nó là một chiếc điện thoại thông minh dày và cao có thể mở ra thành một chiếc máy tính bảng. Nhưng đó cũng là một thảm họa, cơ chế gập bị bám bụi và “miếng bảo vệ màn hình” được dán sẵn sẽ làm hỏng màn hình vĩnh viễn nếu bị tháo ra. Sự kiên trì của Samsung đã được đền đáp bằng Galaxy Z Fold4 năm ngoái, có vẻ như có khả năng xử lý việc sử dụng hàng ngày tốt hơn. Giờ đây, hầu hết mọi nhà sản xuất, từ Honor đến Google, đều đang theo đuổi kiểu dáng thiết bị gập.

Trong khi đó, trang Make Use Of – MUO hồi tháng 3-2023 đưa ra 9 cái thiếu khiến smartphone gập vẫn chưa thể phổ biến được, bao gồm: giá thấp hơn; màn hình chính bền hơn; không có khe hở cho không khí len vào khi gập màn hình; không có nếp gấp trên màn hình; kháng bụi; tỷ lệ hiển thị thống nhất; thời lượng pin tốt hơn; thiết kế bản lề tốt hơn; và được nhiều ứng dụng hỗ trợ.  

Nếu như trước đây, điện thoại gập vỏ sò là điện thoại “quốc dân”cho người dùng rộng rãi, cho tới thời điểm này, smartphone gập vẫn ở phân khúc cực cao cấp. Chính các nhà sản xuất cũng định vị phát triển smartphone gập cho đối tượng người dùng có khả năng tài chính rủng rỉnh. Dù sao, chi phí sản xuất smartphone gập vẫn cao hơn nhiều so với smartphone bình thường. Nhưng, như cây bút công nghệ Mỹ lâu năm Umar Shakir nhận định: với việc các sản phẩm có thể gập lại đang có xu hướng trở nên dồi dào, có lẽ một cuộc chiến giá cả đang cận kề.

Rõ ràng, với sự tham gia của thêm những thương hiệu có thị phần tốt và sự xuất hiện của ngày càng nhiều mẫu mã, thị trường smartphone gập đã bắt đầu khởi sắc hơn vài năm trước đây. Người ta hy vọng một khi nhà Google đã tham gia cuộc chơi với smartphone gập của mình, hệ điều hành Android do Google phát triển sẽ được tinh chỉnh để hỗ trợ tốt hơn smartphone gập từ đó sẽ có thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ loại smartphone cũ mà mới này.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường smartphone gập thế giới có thêm các mẫu HUAWEI Mate X3, vivo X Fold2, vivo X Flip, Google Pixel Fold, Motorola Razr 40 Ultra và Razr 40, Honor Magic V2, Samsung Galaxy Z Fold5 và Z Flip2, Xiaomi MIX Fold 3.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 16-8-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC