Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Số hóa từ hóa đơn tiền điện

Trong những ngày đầu tháng 9-2023, chuyện tiền điện lại nóng lên trên mạng với những người dân TP.HCM. Nhiều người đã nhận được thông báo tiền điện tháng 8-2023 cao bất thường so với những tháng trước.

Ngành Điện lực TP.HCM giải thích tình hình đó là do tiến hành thay đổi thời điểm ghi chỉ số điện, chuyển về thống nhất vào ngày cuối mỗi tháng. Đợt này, TP.HCM có khoảng 400.000 hộ dân phải thay đổi lịch ghi điện. Cho tới nay, ngành Điện TP đã chuyển ngày ghi điện vào cuối tháng được khoảng 60% khách hàng, và sẽ tiếp tục chuyển dần cho đến khi đạt 100%.

Trước đây do ghi điện thủ công, nhân viên điện lực phải tới tận từng nhà khách hàng để đọc chỉ số điện. Đó là lý do mà ngành điện phải chia phiên lộ trình ghi điện rải ra trong tháng. Điều này gây bất tiện cho cả nhân viên ngành điện lẫn khách hàng, đặc biệt với các nơi đặt đồng hồ điện trong nhà. Khách hàng phải canh ngày bố trí người túc trực ở nhà để cho nhân viên đến ghi điện hay phải tự đọc chỉ số và ghi lên giấy dán ngoài cửa nhà. Nhiều chục năm trời đã trôi qua với phương thức ghi điện “truyền thống” này.

Sau khi thay đồng hồ cơ cũ bằng đồng hồ điện tử có tính năng ghi chỉ số từ xa, ngành Điện TP đã tiến hành chuyển đổi sang ghi điện vào ngày cuối của mỗi tháng để thuận tiện hơn cho chu kỳ kế toán và cũng giúp khách hàng dễ quản lý việc tiêu dùng điện trong mỗi tháng. Ngành Điện TP cho biết trước khi thực hiện việc thay đổi chu kỳ, họ đã thông báo cho khách hàng qua các kênh tương tác của ngành điện (như Zalo).

Nhân viên điện lực thay công tơ điện số truyền thống bằng công tơ điện điện tử có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. (Ảnh: EVN).

Rõ ràng, việc thay đổi ngày ghi chỉ số cho phù hợp là chuyện bình thường của ngành điện. Vấn đề nằm ở chỗ ngành Điện phải nghiên cứu tiến hành sao cho thuận lợi cho mình mà tiện lợi cho cả khách hàng. Tất nhiên, việc thay đổi chu kỳ sẽ kéo theo phải điều chỉnh lại định mức trong tháng đầu áp dụng để bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng. Bởi lẽ ngành điện tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến, khách hàng xài càng nhiều, càng phải trả tiền điện với mức giá cao hơn, tương ứng các bậc thang. Nếu không điều chỉnh, chỉ số tăng lên do kéo dài chu kỳ ghi điện (thay vì 30 ngày) sẽ rơi vào các bậc thang giá cao vì vượt định mức. Điều được nhiều khách hàng quan tâm nhất là ngành điện cần có giải pháp để tránh cho khách hàng phải thanh toán một khoản tiền cao quá lớn so với các tháng trước, ảnh hưởng tới ngân sách của họ. Chẳng hạn, ngành điện phải chịu cực một chút, hỏi ý kiến khách hàng có thể thanh toán khoản chênh lệch một lượt với hóa đơn kế tiếp hay chấp nhận chia nhỏ ra cộng thêm vào các tháng sau đó.

Bất luận thế nào, việc số hóa trong tiến trình chuyển đổi số đã đem lại nhiều lợi ích cho cả ngành điện lẫn khách hàng. Hằng tháng, chỉ số điện được ghi nhận tự động từ xa và ngay sau đó, ngành điện thông báo qua tin nhắn, Zalo cho khách hàng biết tổng số tiền điện, thời hạn thanh toán. Khách hàng cũng không cần phải thanh toán trực tiếp tại cơ sỏ ngành điện mà chỉ cần dùng các ví điện tử, trung gian thanh toán, ứng dụng ngân hàng điện tử. Sau khi nhận được tiền thanh toán, ngành Điện đều nhắn tin thông báo và gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng qua tin nhắn, e-mail.

Có lẽ bây giờ, người dân đang chờ ngành Nước số hóa cho mình được nhờ.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 06-09-2023 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN