Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Zalo AI công bố bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt miễn phí cho các mô hình AI Việt Nam

Vào tháng 11-2023, Zalo AI chính thức công bố bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt VMLU (Vietnamese Multitask Language Understanding). VMLU do Zalo AI phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) xây dựng nhằm giúp cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI ở Việt Nam có thêm công cụ đánh giá chất lượng đầu ra của các mô hình Trí tuệ nhân tạo Tạo sinh (Generative AI) tiếng Việt. VMLU được phát hành miễn phí.

Zalo AI cho biết: Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Việt đa khía cạnh, đa cấp độ và đáp ứng đa dạng nhu cầu nhất trên thị trường hiện nay với 10.880 câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh 58 chủ đề khác nhau.

Tại sao AI Việt Nam cần một bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt hoàn chỉnh?

Sự phát triển bùng nổ của ứng dụng ChatGPT (do startup công nghệ Mỹ Open AI phát triển và ra mắt ngày 30-11-2022) đã tạo ra một cuộc đua mới: Generative AI. Theo số liệu thống kê, kể từ thời điểm ChatGPT được giới thiệu, trên thế giới hiện có khoảng 16.000 mô hình tương tư như ChatGPT ra đời. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó khi có rất nhiều nhóm nghiên cứu với quy mô, tiềm lực khác nhau cũng đang muốn thử nghiệm với Generative AI sử dụng tiếng Việt. Điều này đã kéo theo nhu cầu về một bộ đánh giá năng lực tiếng Việt cho chính các mô hình AI này để đo lường mức độ nắm tri thức cũng như tư duy ngôn ngữ tiếng Việt.

Trên thị trường hiện nay, hầu hết các nhóm nghiên cứu LLM (Large Language Model, Mô hình ngôn ngữ lớn) ở Việt Nam đều phải tự xây dựng bộ công cụ đánh giá với chuẩn mực riêng cho mô hình của mình. Đây là những bộ đánh giá nội bộ, chưa được công khai ra thị trường. Bộ đánh giá của Zalo AI hướng đến nhu cầu tổng quát, có thể làm tiêu chuẩn chung cho các mô hình LLM và được cung cấp ra cho cộng đồng AI. Điều này vừa giúp những nhóm nghiên cứu nhỏ có thể tiếp cận được bộ dữ liệu đánh giá toàn diện, vừa để các bên có thể so sánh kết quả lẫn nhau. Từ đó, tạo ra động lực hoàn thiện hơn cho mô hình.

Tạo động lực cho AI Việt Nam gia nhập làn sóng Generative AI thế giới

Sự ra đời của bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt VMLU sẽ tạo động lực cho các cá nhân, startup hay các nhóm nghiên cứu nhỏ trong việc phát triển ra các mô hình AI tiếng Việt mới. Điều này tạo điều kiện cho các nghiên cứu mới, đặt nền móng đo lường sự chính xác và nâng cấp kết quả của các mô hình cơ bản, giúp hoàn thiện quá trình phát triển các ứng dụng AI ngôn ngữ Việt, do chính người Việt tạo ra để phục vụ người Việt.

Theo Zalo AI, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển Generative AI Việt Nam đi nhanh hơn, bắt kịp với làn sóng phát triển AI trên thế giới.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt gồm những gì?

Bộ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Việt VMLU hướng đến 2 phần chính: dữ liệu (test dataset) và bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá làm cơ sở để kiểm tra đối với các mô hình AI ứng dụng ngôn ngữ Việt.

Cụ thể, bộ dữ liệu bao gồm 10.880 câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh 58 chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề có khoảng 200 câu hỏi và được phân bổ trên 4 lĩnh vực bao gồm: STEM, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn và một danh mục rộng “Mở rộng”. Với khối dữ liệu này, VMLU có sự phân tầng độ khó với 4 cấp bậc: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Chuyên nghiệp – cho đại học và sau đại học. Từ đó, bộ công cụ giúp đánh giá hiệu quả năng lực ngôn ngữ tiếng Việt của các mô hình AI về cả kiến thức sơ đẳng lẫn giải quyết các vấn đề phức tạp.

Bên cạnh đó, để giúp các nhóm nghiên cứu dễ dàng đánh giá năng lực các mô hình AI tiếng Việt của mình, đội ngũ kỹ sư Zalo AI đã thiết kế kèm theo hướng dẫn để các nhóm có thể sử dụng một cách nhanh chóng và đơn giản.

Lưu ý: VMLU giới hạn 5 lần thử nghiệm/tài khoản/ngày. Kết quả được ghi nhận từ lịch sử đánh giá gần nhất.

Tiếp tục đóng góp cho cộng đồng AI Việt Nam

Zalo AI cho biết: Bộ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Việt VMLU ra đời chính là một sản phẩm được nghiên cứu nhằm hướng đến mục đích đóng góp và phát triển cộng đồng nghiên cứu AI Việt Nam nói riêng cũng như cộng đồng công nghệ thông tin nói chung, không thu phí bất kỳ người dùng, nhóm nghiên cứu hay doanh nghiệp nào.

Trước đó, Zalo AI đã thực hiện, triển khai và tổ chức hàng loạt cuộc thi, chương trình cho cộng đồng AI Việt Nam như: Zalo AI Challenge, Zalo AI Hackathon, Zalo AI Summit… Những hoạt động này không chỉ tạo sân chơi cho cộng đồng AI Việt mà còn khuyến khích việc ứng dụng AI vào cuộc sống, giải quyết các bài toán cấp thiết của xã hội, phục vụ cho nhu cầu của hàng triệu người Việt Nam.

Tiến sĩ Châu Thành Đức, Trưởng bộ phận nghiên cứu Zalo AI, Giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khẳng định: “Zalo AI luôn hướng tới sự đóng góp cho cộng đồng AI Việt Nam, tạo động lực để AI Việt Nam phát triển. Từ đó kỳ vọng ngày càng có nhiều sản phẩm AI của người Việt, cho người Việt.”

T.T.Z.

Nguồn do Nhóm Truyền thông Zing cung cấp.