Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Định danh cuộc gọi giúp phòng, tránh cuộc gọi lừa đảo

Nhờ các nỗ lực quyết liệt và liên tục của cơ quan hữu trách kết hợp với sự hỗ trợ của người dùng, những cuộc gọi và tin nhắn độc hại (mạo danh, lừa đảo,…) trong thời gian qua đã giảm đáng kể. Nưng bọn xấu lợi dụng công nghệ vẫn còn đó và chúng chắc chắn sẽ bày mưu tính kế cho những chiêu trò mới, tinh vi hơn. Điều này đòi hỏi những nỗ lực phòng, chống cuộc gọi – tin nhắn độc hại phải luôn được tiếp tục.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo ra.

Phải thừa nhận rằng giải pháp xác thực thông tin thuê bao, gắn các số thuê bao với những người dùng cụ thể và thực tế, kết hợp với những nỗ lực triệt phá tệ nạn SIM rác, trong thời gian gần đây đã góp phần làm giảm tình trạng sử dụng điện thoại để lừa đảo, làm chuyện xấu.

Và nhà chức trách đã “tung” thêm một đòn mới kết hợp với các giải pháp khác, đó là định danh cuộc gọi. Thực tế, các cuộc gọi – tin nhắn mạo danh, lừa đảo đều chỉ hiển thị các số thuê bao. Điều này khiến cho người nhận cuộc gọi khó phân biệt đâu là những cuộc gọi lừa đảo.

Trong thời gian qua, một số ứng dụng phát hiện cuộc gọi xấu, như Truecaller, đã giúp người dùng nhận diện được “người gọi đến là ai”. Các ứng dụng này hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu do người dùng cung cấp và liên tục được bổ sung. Cụ thể, khi nhận được một cuộc gọi lừa đảo, người dùng có thể gán tên cho cuộc gọi đó rồi cung cấp cho ứng dụng. Nhưng tính năng này cũng đã bị một số người thiếu trách nhiệm hay có ý đồ gì đó lạm dụng và gán tên bừa bãi, gây nhiều bất tiện – thậm chí tai hại – cho cả người gọi lẫn người nhận.

Tin nhắn của Bộ Công an được định danh cuộc gọi.

Vì thế, giải pháp định danh cuộc gọi do chính các nhà mạng di động triển khai và quản lý là một giải pháp khả thi và đang được mong đợi. Vê lý thuyết, chỉ có những thuê bao nào thuộc nhóm được sử dụng dịch vụ này và có đăng ký thì nhà mạng mới cho hiển thị tên thay cho chỉ là số thuê bao.

Hiện nay, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post đang triển khai thử nghiệm cuộc gọi định danh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, các cuộc gọi từ tổng đài của Vietnam Post cũng như của các nhân viên bưu cục phát, bưu tá Vietnam Post đều được hiển thị tên người gọi là “VietNamPost” trên thiết bị của người được gọi.

Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ ngày 27-10-2023, tất cả các cuộc gọi và tin nhắn từ các cơ quan của Bộ này cũng như các nhà mạng viễn thông di động và cố định đều được định danh cuộc gọi (Voice brandname). Các đơn vị này thông báo rộng rãi tên định danh của mình hiển thị trên máy của người nhận. Ví dụ, tất cả các cuộc gọi và tin nhắn từ Bộ TT&TT (bao gồm các đơn vị trực thuộc) đều hiển thị tên là “Bo_TTTT”.

Tất nhiên, biện pháp định danh cuộc gọi chỉ phát huy hiệu quả khi được mở rộng ra các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trước nay vẫn thường bị mạo danh như công an, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, ngân hàng,… cũng như các tổ chức dịch vụ có giao dịch nhiều với người dùng. Càng tốt hơn nếu biện pháp này có thể mở rộng cấp cho các doanh nghiệp, người dung cấp dịch vụ có nhu cầu. Chẳng hạn như vào tháng 10-2023, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã chủ động phối hợp với các nhà mạng Viettel và MobiFone đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi, để khi liên lạc với khách hàng, tên định danh hiển thị là “EVNHCMC”.

(Ảnh: EVNHCMC)

Và bên cạnh đó, cơ quan cấp định danh cuộc gọi cần có thủ tục đầy đủ để có thể quản lý được chủ định danh và có các biện pháp chế tài, xử lý những trường hợp lợi dụng định danh cuộc gọi gây hại cho người dùng.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 6-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN