Nói thách siêu đẳng cấp
Ở Chợ Bến Thành có những đồng bào của A Phủ nói thách siêu đẳng cấp.
Một cậu YouTuber người Mỹ gốc Việt dịp Tết Canh Thìn về Việt Nam bèn đi Chợ Bến Thành mua đồ – cậu nói đây là lần đầu tiên mình vào ngôi chợ lừng danh và lịch sử này.
Để thử nghiệm coi đồng bào mình có “chém giá” với khách nước ngoài không, cậu YouTuber làm như mình không biết tiếng Việt, chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh. Cậu hỏi mua 1 chiếc nón Fedora, tức nón phớt (từ tiếng Pháp “feutre”), bằng rơm. Hai chị em cô chủ cửa hàng không biết, phải tra Google, rồi “Eureka” rằng: “Đó là nón Michael Jackson. Sao không nói là nón Michael thì ai cũng biết.” Cậu trai hỏi nón này làm ở đâu và được trả lời là hàng của Việt Nam chính gốc. Ai dè bên trong nón có in chữ “Made in China”. Cô chủ nhanh miệng: “Hàng Việt Nam gia công bên Trung Quóc, nguyên liệu là của Việt Nam.”
Hỏi giá, thì được nói giá chắc chắn và tốt nhất là 350.000 đồng. Cậu trai trả 100.000 đồng, không chịu bán. Kỳ kèo lát thì được bớt 5.000 đồng (quy ra gần 5 cent), còn 345.000 đồng. Rồi xuống còn 250.000 đồng. Rồi 200.000 đồng. Cuối cùng chốt hạ và được khách chấp nhận là 180.000 đồng. Nhưng cậu YouTuber vẫn nghi hoặc nên nhờ bạn xem kênh comment giùm coi có bị mua hớ không?
Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.
A Phủ từng nhiều lần ta bà ở xứ Chị-na nên cũng thấu hiểu cái vụ nói thách “thiên hạ vô đối”. Mà họ giải thích rất là “truyền thống”: Người bán có quyền nói thách và người mua có quyền trả giá. Sao cho cuối cùng thuận mua vừa bán thì “hảo hảo”.
Ông chú của một cô bạn là người Hoa ở Chợ Lớn. Trong lần đầu về thăm lại cố quốc Chị-na, ông được tour guide đưa cả đoàn du khách vô một cửa hàng bán đồ lưu niệm rất hoành tráng. Một trung niên tiếp đoàn, nói mình là trợ lý của giám đốc, và có ông bà từng sống ở Việt Nam nên biết tiếng Việt và giờ được giám đốc cử ra tiếp đoàn “khách nhà” với mức giảm giá tới 50%. Ông chú bèn mua một chiếc vòng cẩm thạch giá 13 triệu đồng về tặng vợ và tự tin rằng mình là người gốc Hoa, biết tiếng Hoa và buôn bán ở Chợ Lớn nên không bao giờ bị mua hớ giá ở Chị-na. Dè đâu lát đi ra một khu chợ, ông chú thấy bàn đầy những chiếc vòng tương tự với giá chưa tới 3 triệu đồng. Từ đó, hễ ai nhắc tới chiếc vòng cẩm thạch là ông chú chửi tắt bếp.
Thỉ thầm nghen: ở ta hay ở Tây cũng vậy, bạn chớ có cả tin vào cái gọi là “giá niêm yết” nghe. Ngoại trừ siêu thị, cửa hàng tiện lợi mini-mart thì còn khả dĩ, chớ ở 500 cửa hàng chợ, giá ghi trên bảng vậy đó cũng chỉ là giá để đó, cứ trả giá cho nó… sành điệu.
Mà phải công nhận là những người bán hàng ở Trung Quốc cực kỳ khéo miệng và đầy linh hoạt, hễ khách hàng chịu ở lại trả giá là cuối cùng cũng phải mua với giá nào đó. Họ chèo kéo khách ở lại trả giá cực kỳ khéo tới mức “bỏ đi không đành, mà ở lại thì 10 phần thương vong 9 phần”. Bị vài lần, A Phủ rút kinh nghiệm, hễ muốn mua cái gì, vô cửa hàng lựa cho được cái mình ưng ý rồi ra đứng ở gần cửa của tiệm thì mới bắt đầu trả giá. Có gì còn dễ bề thoát thân.
A Phủ trộm vía thiển nghĩ rằng: bán hàng mà nói thách chút chút cho khách hàng trả giá thì cũng gọi là vui vẻ đề huề. Nếu phiên giao dịch trả giá thành công mỹ mãn, người bán thì bán được hàng với giá đúng của nó; còn khách thì hí hửng, hạnh phúc và về khoe khắp tổ dân phố là mình siêu giỏi, mua được hàng giá rẻ. Nói thách và trả giá (mặc cả) như thế đó là cả một nghệ thuật kinh doanh. It’s life! Đời là c’est la vie!
A.P.