Liên thông và cập nhật giấy tờ điện tử trong chính quyền số
Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta phải nói thẳng rằng thực tế vẫn đang tồn tại cái hiện trạng “hồn tin học hóa, da chuyển đổi số”. Đó là chuyển đổi số chủ yếu trên danh nghĩa hay chuyển đổi số nửa vời.
Một trong những vấn nạn cũng là vướng mắc của công cuộc chuyển đổi số hiện nay là còn tắc nghẽn ở yêu cầu liên thông dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu dùng chung. Tin học hóa thì không cần thiết phải liên thông dữ liệu. Nhưng chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu không có liên thông dữ liệu.
(Nguồn ảnh: Bộ TT-TT.)
Riêng trong lĩnh vực chính quyền số (cùng với kinh tế số và xã hội số là 3 mục tiêu mang tính trụ cột của chuyển đổi số), các dịch vụ thủ tục hành chính công phải được số hóa và vận hành trên nền Internet. Từ giấy tờ giấy chuyển đổi thành giấy tờ điện tử. Thực tế thì nhiều nơi, nhiều ngành đã làm được tới đó. Nhưng giấy tờ điện tử sẽ chẳng có tác dụng, chỉ để đó mà ngó, nếu không có liên thông dữ liệu (cấp địa phương tới quốc gia) cũng như thiếu các quy định làm cơ sở pháp lý (thường là phải sửa đổi quy định cũ).
Vào thời điểm này, khi có việc phải tới các cơ quan hành chính địa phương, hay bệnh viện, ngân hàng… công dân sẽ được tiếp cận hình thức điện tử của các loại giấy tờ hành chính như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế,… Sự ngày càng phổ biến hơn của loại hình điện tử của các giấy tờ hành chính này quả thật đã giúp việc giải quyết các thủ tục hành chính tiện lợi và thông thoáng hơn. Thay cho cả xấp giấy tờ chứng minh, giờ đây công dân chỉ cần có một thiết bị di động có nối mạng hay đơn giản hơn là chỉ cần thẻ căn cước công dân (có gắn chip thì càng tốt).
Chỉ có điều, từ nhiều công dân tới cả cán bộ xử lý cũng chưa hài lòng với quy trình thực hành giấy tờ điện tử. Hai sự cố phổ biến là lỗi kết nối và chưa thể liên thông với dữ liệu dùng chung. Chẳng hạn như gặp trường hợp cấp giấy chứng nhận độc thân mà đương đơn có quá trình sống tại nhiều địa phương, cán bộ thụ lý thường gặp rắc rối ở khâu xác minh.
Có nhiều cái vướng đã và vẫn đang cần cơ quan chức năng tháo gỡ. Ví dụ, với Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an, công an cấp phường xã có quyền thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Về lý thuyết, người dân không phải đi đâu xa hơn, thậm chí giải thoát được cái kiếp nạn phải trở về địa phương gốc để xác minh và chỉnh sửa.
Có một thực tế là đã được kết nối và liên thông, nhưng cơ sở dữ liệu lại không hay chậm được cơ quan chức năng cập nhật lên hệ thống. Hậu quả là người dân lãnh đủ, khi cần làm thủ tục mới được báo có sai lệch và cuối cùng phải đợi một thời gian chờ cập nhật dữ liệu.
Theo các chuyên gia, quy trình thủ tục hành chính truyền thống trên văn bản giấy không tương thích với quy trình điện tử, đòi hỏi cơ quan chức năng phải thay đổi. Ngay cả giao diện phần mềm trước đây thiết kế cho máy tính, giờ lại không tương thích với các thiết bị di động có màn hình cảm ứng. Rồi thêm một sự cố nữa là mỗi nhà cung cấp phần mềm quản lý hành chính công lại có sự khác nhau về quy trình, thường là giao diện. Mỗi khi thay đổi hay thậm chí cập nhật phần mềm, tình trạng lỗi dễ xảy ra, thậm chí bị mất dữ liệu sao lưu.
Chuyển đổi số quả là một hành trình liên tục và cơ quan tổng tư lệnh phải có cơ chế thường xuyên nắm bắt, cập nhật, bám sát thực tế thực hiện ở cấp cơ sở.
Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Tư 27-3-2024 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN