Thứ Bảy ngày 27 tháng 7 năm 2024

“Thầy giáo” mà không phải là “giáo viên”…

Cô giáo lớp 1 được học hành chuyên ngành và có chứng chỉ sư phạm nên được cơ quan quản lý ngành công nhận là giáo viên.

Cô giáo lớp 1 có danh phận chính danh in trên name-card là giáo viên cũng có nhiều phen lâm vào những “sự cố sư phạm” mém vò đầu bứt tóc trụi lủi như A Phủ.

Chẳng hạn, bữa cô dạy học trò lớp một phân biệt dấu hỏi ngã với chữ “đủ” trong “đu đủ”. Cô nói là trong tiếng Việt không có chữ “đủ” có dấu ngã. Các dấu khác thì có như “đù” trong “lù đù”, “cá đù”; “đú” trong “đú đởn”.

Rồi cô thôi. Nhưng bọn học trò hỗng có chịu thôi cho cô. Một cậu học trò vọt miệng: “Vậy còn dấu nặng đâu cô?”

Cô giáo lớp 1 đứng hình. May mà có hồi chuông nghỉ giải lao (ra chơi) reng lên giải cứu cho cô giáo lớp 1.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Rồi bữa nọ, cô giáo lớp 1 dạy học trò phân biệt hai chữ “gái” và “trai”. Cô nói “gái” là chỉ người thuộc giới nữ, như mẹ, bà, cô giáo, bạn Hồng, bạn Nguyệt,… Còn “trai” là giới nam, như ông, bố, thầy giáo, bạn Hùng, bạn Lâm,… Một bạn nam ồ lên: “Giờ em mới hiểu câu mẹ em thường hay nói ba em là ‘Cái đồ mê gái”.

Nhân tiện, hỗng nói lan man nữa, A Phủ cũng từng được gọi là “thầy” dù không hề được cơ quan chức năng công nhận là “giáo viên”.

Hồi thời đi học bậc Trung học Đệ nhất cấp (ở Sài Gòn trước 1975, nay là trung học cơ sở), với chức vụ trưởng ban học tập (năm lớp Đệ Thất, nay là lớp 6) và sau đó là trưởng lớp xuyên suốt nhiều niên khóa, A Phủ mỗi tuần có mượn phòng trống của trường (Trường Trung học Công lập Kiến Tường) để tổ chức những buổi học thêm cho các bạn trong lớp (không bắt buộc, nhưng luôn gần như đầy đủ). A Phủ đứng lớp chính rồi sau đó mời mấy bạn giỏi khác lên làm nháp. Hồi đó, các bạn học sinh đồng môn rất là hồn nhiên, ngây thơ nên mới chịu nghe lời A Phủ – thủ khoa đầu vào có điểm cao nhất trong lịch sử của trường. Một bữa, vừa xong buổi học thêm, cầm hộp phấn và bông bảng lên trả lại phòng giáo viên, A Phủ gặp một chú lao công (làm công việc dọn dẹp, vệ sinh, lặt vặt,…) và được chú cúi đầu: “Chào thầy. Tui chưa từng thấy ông thầy nào trẻ như thầy.” A Phủ đỏ mặt với làn da Châu Á trắng như sữa mà phủ nhận. Nhưng chú đó vẫn nói: “Tui thấy thầy dạy trong lớp mỗi tuần mà.”

Rồi sau 1975, trong thời bao cấp, khi mới từ Long An chuyển lên TP.HCM hồi thập niên 1980, A Phủ cũng “làm kinh tế” (không phải kiểu “ba lợi ích, bốn lợi dụng”) bằng cách mở lớp dạy thêm cho một số học trò lớp 6, lớp 7, lớp 8,… tại nhà. Vậy là A Phủ lại được học trò và phụ huynh gọi là thầy.

Mà A Phủ tự kiểm điểm mình là “thầy ngang hông”, hỗng hề qua trường lớp sư phạm, nên cũng chẳng bao giờ được tổ chức nào đó công nhận là “giáo viên”. Nhưng điều đó không hề ngăn cản được có những phụ huynh và học sinh vẫn gọi A Phủ là “thầy” một cách trìu mến lung linh long lanh.

A.P.