Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Một chút lặng trên Cù Lao Chàm

Chưa đi chưa biết Cù Lao

Chàm Chămpa cổ sóng gào cũng đi.

Chùa hai thế kỷ vô vi

Giếng xưa ngọt mát sá gì thời gian.

Bãi Ông trên Cù Lao Chàm

Bữa cỡi cano cao tốc từ Cửa Đại – Hội An vượt 9-10 hải lý ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hôi An, Quảng Nam), A Phủ và cậu em Trần Vương Thuấn rẽ ngang đi vô chơi trong làng, thay vì theo anh em ra biển lặn ngắm san hô.

Hai chị em chạy xe ôm kiêm hướng dẫn viên “ngang hông” chở hai anh em tới viếng cảnh chùa cổ Hải Tạng, xây từ năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19), do Hương Hải thiền sư phá núi lập nên – ban đầu là một cái am nhỏ cho ngài trú ngụ. Sau khi hòa thượng Thích Hải Tạng trụ trì qua đời, chùa không còn sư trụ trì một thời gian dài. Chùa do ông Từ tên Nhàn, 85 tuổi, coi sóc từ năm 1980. Tổ tiên ông từ Thanh Hóa di dân vào từ thòi nhà Lê. Giờ chùa đã có 1 thầy về trụ trì. (Hải Tạng:“Hải là biển” và “Tạng là Tam Tạng kinh”, ngụ ý chùa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả). Nguyên thủy, chùa gốc nằm cách vị trí chí ngôi chùa hiện nay chứng 200m về hướng Đông Bắc. Sau khi bị hư hại nặng vì một trận bão, chùa được di dời vào nơi mới này vào năm 1848 (năm Tự Đức nguyên niên).

Hải Tạng cổ tự trên Cù Lao Chàm.

Bạn Thuấn nhận ra đây là một cổ tự Tam giáo (Phật, Khổng, Lão). Thật sự Chùa Hải Tạng thờ Phật và thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước có tín ngưỡng Phật giáo ghé vào đảnh lễ, cầu nguyện.

Hai anh em vừa tới chùa một lúc thì có một tốp nữ Phật tử từ Thanh Hóa vô du lịch đến viếng chùa lạy Phật. A Phủ phụ bà bán bánh tặng nước trà phía trước chùa rao bán bánh gai nhân đậu xanh và bánh su sê nhân đậu dừa. 10.000 đồng/3 chiếc bánh nhỏ xíu xiu, cắn vừa một miếng. Các cô nghe A Phủ rao mùi còn thòng thêm câu “vô trong cúng dường, ra ngoài cúng bánh, mua bánh giúp bà bán bánh phụ coi sóc chùa”, nên mua tới 50.000 đông. Họ khen bánh ngon, hương vị và cách gói khác ở miền Bắc.

Bãi Xếp trên Cù Lao Chàm.

Rồi hai anh em ngồi xe ôm ra Bãi Tắm Tiên (Bãi Xếp) – nơi khách Tây thường tới tắm nhong nhong nhồng nhộng kiểu Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung (con Vua Hùng thứ 3 trong đời Hùng Vương thứ 18). Tây thì gọi là tắm theo kiểu ông Adam và bà Eve khi chưa bị con rắn xảo quyệt dụ ăn trái cấm. Tiếc là không có cô Tiên nào, mà hai anh em lại hỗng dám làm Tiên ông sợ bọn hải sản nổ con mắt. Mà nghe hai cô hướng dẫn viên nói khu này thường có khỉ núi quậy phá nên cũng ớn, lỡ có bề gì thì coi như mất trắng, thái giám oan mạng.

Giếng Chăm cổ ở Xóm Cấm.

Tới thăm giếng Chăm cổ (giếng Xóm Cấm). Đây là cái giếng có từ xưa mà được người Chàm xây dựng theo kỹ thuật chồng xếp gạch độc đáo của Chămpa vào cuối Vương quốc Chămpa, khoảng đầu thế kỷ 19. Cù Lao Chàm từ thế kỷ 15 đã trở thành một điểm dừng chân, cung cấp nước ngọt và lương thực cho tàu thuyền thương nhân quốc tế trên con đường tơ lụa, hương liệu trên biển.

Mạch giếng không bao giờ cạn. A Phủ kéo thùng nhựa cột dây thừng nylon làm gàu múc nước lên uống thử thì thấy nước trong vắt, ngọt mát. Nghe bạn Thuấn nói mạch giếng này có cả ngàn năm tuổi, A Phủ cà khịa với 2 cô gái xe ôm là nghe đồn ai uống nước giếng này sẽ được cải lão hoàn đồng, sống lâu ngàn tuổi. Hình như suốt chặng đường xe ôm sau đó, cô xe ôm có ý dè chừng coi A Phủ có “hoàn đồng trẻ hóa” không.

Giếng Chăm cổ này còn được gọi là “giếng thoát ế”. Theo truyền tụng dân gian, ai bị FA lâu năm tới đây uống nước giếng này (nam 7 ngụm, nữ 9 ngụm) mà có lòng thành thì sau đó sẽ thoát ế. Thậm chí vợ chồng bị hiếm muộn tới uống chung gáo nước giếng cổ mà có lòng thành thì sau đó cũng có thể “test ra 2 vạch”.

Từ đất liền đi tàu khách ra đảo Cù Lao Chàm có giá vé 100.000 đồng/người một lượt. Riêng du khách, không phải là dân đảo, trong lượt đi phải thêm 90.000 đồng phụ phí bảo tồn di sản. Lượt về không có phụ phí này. Thời gian chạy cano cao tốc khoảng 20 phút cho 18-19km, nếu biển yên gió lặng. Tàu ra đảo phải lập danh sách từng hành khách rồi đươc biên phòng đóng dấu mới được xuất bến. Ra tới đảo, bản danh sách đó được kiểm tra đóng dấu của 3 cơ quan: biên phòng, cảng vụ, quản lý bến mới được cho lên bờ. Tới 2 giờ chiều là các tàu chở khách phải chở du khách rời đảo. Cũng phải ghé biên phòng kiểm tra đủ người mới được xuất bến.

Giờ A Phủ đang hồi hộp chờ ứng nghiệm coi ra sao. A Phủ cẩn thận uống cả chục ngụm nước giếng Chămpa cổ á. Còn nhớ lần viếng Tháp Chàm Poshanư ở Phan Thiết, làm theo truyền thuyết, A Phủ đã xoa tới nóng cả bàn tay cái đầu cây trụ Linga, vì nghe đồn làm vậy sẽ… (tự ý đục bỏ).

P.H.P.