“Bằng giả” và “bằng thật, học giả”
“Bằng giả” và “bằng thật, học giả” có 2 ý nghĩa khác nhau và 2 tính pháp lý khác nhau. Nhưng chúng đều giống nhau ở cái chữ “tệ” và phá hỏng cả một nền giáo dục, môi trường giáo dục.
Về pháp lý, “bằng giả” là phạm pháp (cả việc làm lẫn xài nó). Còn “bằng thật, học giả” thì theo lý thuyết, chỉ có tòa án lương tâm mới xử nó (có người nói đó là chuyện chỉ có thầy và trò, nhà trường và học trò biết với nhau).
Ảnh do Microsoft AI Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.
Bằng giả cần phải hiểu là loại bằng do các “thợ làm hàng giả” tạo ra.
Còn loại bằng có phôi thật, do trường thật cấp và người thật ký tên đóng dấu thì đúng là bằng thật. Nếu có gì khuất tất là do cách học ra sao, và việc cấp bằng có bảo đảm đúng quy định và quy trình hay không? Nếu học giả mà vẫn được cấp bằng thật thì đó là quy trình giả do những người có can dự cố ý tạo ra. Giống như quy trình sản xuất mà bị lỗi thì sẽ cho ra những sản phẩm tuy thật đó mà lại kém chất lượng, có thể gây mất uy tín cho nhà sản xuất, cũng như gây hại cho xã hội.
Trong dân gian có cụm từ chỉ chính xác trường hợp “bằng thật giả danh” này là “bằng thật, học giả”.
Tội nghiệp thay cho các nhà “học giả” (scholar) thật. Giờ họ bị mang tiếng và đâm ra ngại khi phải giới thiệu mình là hay được ai đó gọi là “học giả”. Dù rằng họ là “học giả học thật”. Mà suy ra, tiếng Việt thiệt là ghê gớm, ảo diệu có mà thâm sâu có.
A Phủ thì cả đời không ngừng “học thật” với ước vọng tạo công đức đặng kiếp sau trở thành “học giả”.
A.P.