Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Cử tri Mỹ đã có… bầu

Ngày thứ Ba 6-11-2012, cử tri Mỹ đi bầu cử. Đây là ngày bầu cử chính thức trên toàn quốc, vì trước đó đã có một số địa phương được tiến hành bầu cử thí điểm. Chẳng hạn như bang Maryland lẽ ra bầu cử sớm, nhưng dính ngay trận siêu bão Sandy phải hoãn lại.

Theo luật định, ngày bầu cử (Election Day) được tổ chức vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 (có lẽ để những người đắc cử có thế tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm mới). Việc bầu cử các cơ quan liên bang chỉ được diễn ra trong các năm chẵn.

Một điểm bầu cử ở bang New York.

Do nổi bật hơn hết là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nên người ta quen gọi đây là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thiệt ra, ngoài tổng thống và phó tổng thống, cử tri còn phải bầu toàn bộ Hạ nghị viện (nhiệm kỳ 2 năm) và 1 phần 3 Thượng nghị viện (nhiệm kỳ 6 năm), cùng nhiều thống đốc bang, nhiều nghị viện bang, hội đồng thành phố, hội đồng hạt. Vì thế danh sách ứng cử viên rất dài. (Thực tế, khi đi bỏ phiếu, phần lớn cử tri thường không quan tâm tới tên ứng cử viên – nhớ sao cho xiết – mà chỉ chọn đảng Cộng hòa hay Dân chủ để bầu.)

Cụ thể, trong cuộc bầu cử năm 2012 này, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, 33 ghế thượng nghị sĩ, toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ, 11 thống đốc bang và vô số nhân sự bộ máy địa phương.

Các điểm bầu cử được đặt trong các nơi công cộng, các trường học, cơ quan  chính quyền địa phương, thậm chí trong cửa hàng,… Ở các nơi có điều kiện cơ bản thì việc bỏ phiếu được tiến hành bằng máy tính; còn nơi khó khăn thì xài phiếu bầu bằng giấy. Có những thùng phiếu lưu động, có khi được trang bị máy tính nằm trong valy sắt. Sau khi xếp hàng tới lượt, cử tri xuất trình thẻ cử tri, trải qua kiểm tra danh sách rồi còn phải ký tên vào giấy cam đoan “ta chính là ta và sống ở nhà ta”. Qua vòng xác minh, cử tri được cấp một thẻ nhựa từ tính giống như thẻ tín dụng, vào phòng phiếu quẹt lên máy tính để mở quy trình bỏ phiếu. Người Mỹ hỗng có xài cái kiếu “gạch tên cho bỏ ghét” như nhiều nước khác (thường phải tốn thêm cây thước kẻ trong phòng bỏ phiếu), mà chỉ cần click chọn Yes hay No. Bầu xong, cử tri được nhân viên điểm bầu cử dán lên áo cái sticker “I Voted” cho biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ công dân.

Riêng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được coi là có chi phí tranh cử đắt nhất trong lịch sử, tốn tới 6 tỷ USD, chủ yếu cho các chiến dịch vận động quá hớp trên truyền hình. Ngân sách Nhà nước không chi cho khoản này (ngoại trừ các phần việc cơ bản mà chính quyền phải làm), mà chi phí của ứng cử viên nào là do người ấy vận động những người ủng hộ đóng góp.

Cho tới ngay trước giờ bầu cử, hai ứng cử viên tổng thống là Barack Obama (Dân chủ, đương kim Tổng thống, 51 tuổi) và Mitt Romney (Cộng hòa, nhà doanh nghiệp từng là Thống đốc bang Massachusetts, 65 tuổi) vẫn ở cái thế so kè nhau sát nút (báo chí Mỹ gọi là “neck-to-neck”). Theo thông lệ xưa nay, nếu không dính “phốt” quá nặng, các tổng thống Mỹ dễ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Bởi lẽ, trong 4 năm của nhiệm kỳ đầu, tân Tổng thống phải làm quen với công việc, dọn dẹp các hậu quả của nhiệm kỳ trước, làm gì cũng phải cực kỳ cẩn trọng để còn có cơ tái đắc cử. Chỉ có ở nhiệm kỳ hai, tổng thống mới thật sự tung hoành, thể hiện bản ngã của mình. Riêng trường hợp ông Obama lại là một ẩn số, vì khi ông đắc cử cách đây 4 năm đã là một ngoại lệ (lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một tổng thống da màu). Có một số người cho rằng lần đó do phe Cộng hòa đưa ra ứng cử viên quá kém cạnh (ông John McCain già chát, lúc đó đã 72 tuổi, lại chọn chức phó cho mình là bà Sarah Palin – Thống đốc bang Alaska thuộc loại “siêu quậy”) nên cử tri Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác hơn là bầu cho ông Obama – một nhân vật tương đối mới mẻ (luật sư tốt nghiệp trường Harvard danh giá trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Illinois), lại trẻ trung (mới 47 tuổi). Bởi vậy, phen này mà được cử tri Mỹ tiếp tục chọn lựa, Sir Obama quả là một nhân vật xuất chúng thật sự. Ông Obama đã bước vào cuộc tranh cử lần này với Giải thưởng Nobel Hòa bình 2009 (chỉ có 4 tổng thống Mỹ nhận được vinh dự này) và chiến tích tiêu diệt được trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden, cũng như rút được quân Mỹ ra khỏi vũng lầy chiến tranh Iraq và sắp tới là Afghanistan.

Theo quy định, ứng cử viên tổng thống giành chiến thắng ở bang nào sẽ mặc nhiên nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri (Electoral College) của bang đó. Người chiến thắng chung cuộc là người giành được 270 phiếu đại cử tri.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-11-2012)

Nguồn ảnh: Internet

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ NGÀY BẦU CỬ Ở MỸ 6-11-2012

Hai thùng thư tại thành phố Denver (bang Colorado, Mỹ) ngày 6-11-2012 cũng tự hào khoe mình đã đi bầu. 

Ông Obama trong chuyến thăm các khu vực bầu cử ở quê nhà Chicago (bang Illinois) ngày 6-11-2012

Ông Romney và phu nhân Ann Romney đi bầu ở Belmont (Massachusetts) ngày 6-11-2012

Ứng cử viên Phó Tổng thống của Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Paul Ryan và phu nhân  Janna, con trai Charlie (trái) và con gái Liza tại Thư viện công cộng Hedberg ở thành phố Janesville (bang Wisconsin) hôm 6-11-2012.

Phó Tổng thống Joe Biden sau khi bỏ phiếu tại Greenville (bang Delaware) ngày 6-11-2012.

Tay chơi lướt sóng (surfer) Mike Wegart, 30 tuổi, đem theo cả ván trượt đi bỏ phiếu tại trạm cứu nạn bờ biển Venice Beach ở Los Angeles (bang California) ngày 6-11-2012.

Một điểm bầu cử nằm trong một tầng hầm cho người lánh nạn ở khu ngoại ô Queens của New York. Đây là nơi bị trận siêu bảo Sandy vừa qua tàn phá nặng nề. Tầng hầm chỉ có ít bóng đèn, nhân viên bầu cử phải dùng đèn pin.

Một bà mẹ đang bỏ phiếu bên 2 đứa con tại một phòng phiếu lưu động trong một cửa hàng điện thoại di động ở Chicago (bang Illinois).

Ngôi làng nhỏ Dixville Notch (bang New Hampshire) chỉ có 10 cử tri.

Vì thế, kết quả bầu cử ở làng Dixville Notch có rất sớm. Hai ứng cử viên tổng thống ngang phiếu nhau.

Lời cảnh báo không được mang vũ khí có nạp đạn vào phòng bỏ phiếu. Thật ra, đây là điểm bầu cử đặt tại Trung tâm Huấn luyện và Giáo dục về vũ khí tại Apex (bang New Carolina).

Sau khi bỏ phiếu, cử tri được dán một sticker cho biết đã bỏ phiếu (I Voted).

Nguồn ảnh: Internet

NHỮNG ĐIỂM BẦU CỬ LẠ THƯỜNG:

Những điểm bầu cử lạ thường. Chúng được đặt trong tiệm giặt, nhà cứu sinh ở bãi biển và thậm chí cả trong… nghĩa trang.