Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Hơn 9,3 triệu người được gửi tin nhắn phòng, chống siêu bão số 3 Yagi qua Zalo

Theo thông tin cập nhật ngày 5-9-2024 từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã đạt mức siêu bão khi hoạt động trên Biển Đông. Trung tâm cũng đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 đối với cơn bão này.

Nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với bão kịp thời, sáng 5-9-2024, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Thiên tai Việt Nam (Ban Chỉ đạo) đã gửi thông tin cảnh báo “Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh trú bão số 3 – Bộ Nông nghiệp và PTNT” qua Zalo đến hơn 9,3 triệu người dân các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định. Nội dung cho biết: “Hồi 10h00, vị trí tâm bão vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc, 115,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 (cấp siêu bão), di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.”

Thông báo hướng dẫn neo đậu thuyền tránh bão được gửi qua Zalo Mini App.

Thông báo của Ban Chỉ đạo đưa ra những lưu ý cho người dân về công tác neo đậu thuyền tránh trú bão. Cụ thể: 

“Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, người dân lưu ý không nên chủ quan, tuân thủ theo các khuyến cáo sau:

1. Thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

2. Thu lưới ngay, trường hợp khẩn cấp có thể phải cắt bỏ lưới.

3. Xác định vị trí của tàu thuyền so với vùng nguy hiểm để kịp thời di chuyển vào nơi neo đậu an toàn gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

4. Tuyệt đối không điều khiển tàu chạy về bờ cùng với hướng di chuyển của bão.

5. Chuẩn bị các dụng cụ chống thủng, chống chìm để sử dụng khi cần.

6. Giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ven bờ và cơ quan chức năng.”

Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền trong sông, kênh, rạch. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do Zalo cung cấp).

Bên cạnh là những hướng dẫn chung và chi tiết về cách người dân có thể neo đậu thuyền trong các khu vực cụ thể. Đây là những chỉ dẫn hữu ích cho người dân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi bão để có hưởng xử lý kịp thời trước diễn biến phức tạp và khó lường của cơn bão số 3. 

Phòng, chống thiên tai trong thời đại số với Zalo 

Ra mắt từ năm 2023, Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống Thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phát hành đã đồng hành cùng người dân cả nước đi qua nhiều thiên tai và biến động thời tiết. Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” giúp người dân an tâm hơn khi có thêm công cụ hỗ trợ khẩn cấp, đối phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. 

Hình ảnh mây vệ tinh của bão số 3 Yagi. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do Zalo cung cấp).

Những tính năng nổi bật nhất của Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” bao gồm “Kết nối cứu trợ” – hỗ trợ người dân kịp thời trong các tình huống khẩn cấp, “Liên hệ khẩn cấp” – danh sách các đường dây nóng tại nhiều địa phương trên cả nước để người dân có thể liên lạc, hay tính năng “Phản ánh thiên tai” – để người dân gửi hình ảnh, báo cáo tình trạng thiên tai tại khu vực sinh sống tới các cơ quan chức năng. Nhờ có những tính năng trên, cơ quan chức năng tại từng địa phương có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. 

Bên cạnh hỗ trợ “chống thiên tai” và giải quyết các vấn đề xảy ra trong thiên tai, Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” còn giúp người dân “phòng thiên tai” với các kiến thức được cập nhật qua tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Truy cập vào tính năng này trên Zalo Mini App, người dân có thể tiếp cận thông tin, hình ảnh, học thêm các kỹ năng chủ động ứng phó trước, trong, và sau mỗi loại hình thiên tai theo những cách nhất quán, khoa học và đơn giản nhất có thể. 

Điểm mạnh nổi bật của Zalo Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam” còn nằm ở khả năng tiếp cận đông đảo người dân Việt Nam với các nút thông tin dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số bằng tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khmer. 

Trong khi đó, được triển khai gần 4 năm nay, trang Zalo OA của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống Thiên tai đã thu hút hơn 375.000 người quan tâm. Trung bình mỗi năm có hơn 120 triệu tin nhắn khẩn cấp được gửi đến người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần đảm bảo hệ thống thông tin xuyên suốt, chính xác đến cộng đồng.

T.T.Z.

Có tham khảo từ nguồn do Zalo cung cấp.