Chủ nhật ngày 20 tháng 10 năm 2024

Việt Nam bắt đầu tiến trình tắt sóng di động 2G

Một sự trùng hợp như một sự nối tiếp theo dòng chạy công nghệ, ngày thứ Ba 15-10-2024, khi Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên mạng di động 5G, thì đến hết ngày hôm đó (từ 0g ngày thứ Tư 16-10-2024) cũng là thời hạn để bắt đầu vào lộ trình tắt sóng di động 2G trên toàn quốc.

Ngày 15-10-2024, Viettel trở thành nhà mạng di động đầu tiên ở Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Vào lúc 0g ngày 16-10-2024, các nhà mạng di động ở Việt Nam chính thức ngưng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị điện thoại chức năng 2G-Only, “điện thoại cục gạch” chỉ hỗ trợ 2G. Tuy nhiên, vì lý do đặc biệt, sóng 2G vẫn còn được kéo dài thời gian cung cấp tại 2 Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cùng với Nhà giàn DK ở thềm lục địa. Và theo lộ trình hiện hành do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, đến tháng 9-2026 sẽ dừng toàn bộ mạng lưới 2G (ở các khu vực được gia hạn) để tập trung dành tài nguyên cho các công nghệ di động 4G, 5G.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Quá trình xóa thiết bị 2G ở Việt Nam có phần chậm chạp, dù đã được chuẩn bị từ lâu. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong những tháng gần đây, thậm chí đã giảm được hơn 5,3 triệu thuê bao 2G-Only chỉ trong hơn 1 tháng (so với tháng 7-2924), ngay cả đến ngày 8-9-2024, theo số liệu do Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) công bố, các nhà mạng vẫn còn tới khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G-Only. Vì thế, ngày 13-9-2024, Bộ TT-TT đã phải ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT để cho phép lùi thời hạn dừng cung cấp dịch vụ 2G cho thiết bị 2G-Only thêm 1 tháng, đến ngày 16-10-2024 (thay vì ngày 16-9-2024). Quyết định này một phần cũng do để không ảnh hưởng tới tình hình khắc phục hậu quả bão lũ sau cơn bão số 3 Yagi tàn phá nghiêm trọng các tỉnh miền Bắc, có nhiều vùng núi cao. vùng xa vẫn dùng sóng 2G. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến ngày 10-10-2024, cả nước vẫn tồn tại gần 700.000 thuê bao 2G. Ngày 17-10-2024, Cục Viễn thông cho biết, tính đến 0 giờ ngày 16-10-2024, cả nước vẫn còn 234.000 thuê bao 2G-Only chưa chuyển lên mạng 4G. Tất cả số thuê bao này đã bị nhà mạng viễn thông chính thức khóa 2 chiều nghe gọi, nhưng tài khoản vẫn được bảo lưu và tiếp tục nhận được hỗ trợ để chuyển lên 4G.

Các thuê bao 2G chưa chuyển lên 4G khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong ngày có thể nhận được âm báo hiệu từ nhà mạng thông báo về việc cần phải chuyển lên 4G.

Như vậy, nói cho chính xác, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tắt sóng 2G trên cả nước. Các nhà mạng chỉ ngưng cung cấp dịch vụ nghe gọi cho các thiết bị 2G-Only. Trong giai đoạn chuyển tiếp, chỉ có các điện thoại chức năng 2G-Only mới bị cắt kết nối mạng. Còn các smartphone đời đầu tuy hỗ trợ 3G, 4G nhưng không có chức năng thoại VoLTE thì chưa bị ảnh hưởng, vẫn tiếp tục sử dụng những tính năng của 2G với sóng 2G.

Thực hiện yêu cầu từ Bộ TT-TT không để ai bị bỏ lại phía sau và bảo vệ quyền lợi người dùng, các nhà mạng viễn thông khẳng định sẽ bảo đảm quyền lợi tốt nhất có thể cho các thuê bao của mình, có các chương trình ưu đãi cả về thiết bị lẫn giá cước. Người dùng 2G có thể chọn lựa sử dụng smartphone hay điện thoại chức năng (feature phone) có hỗ trợ 4G để sử dụng các gói cước 4G.

Theo TTXVN, việc tắt sóng 2G là một bước tiến quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phổ cập mạng di động 4G, 5G và smartphone đến từng người dân.

Công nghệ mạng 2G được nhà mạng Radiolinja (bây giờ thuộc Elisa Oyj) ra mắt lần đầu vào năm 1991 tại Phần Lan, chuyển từ thoại analog sang thoại digital, hỗ trợ tin nhắn văn bản. Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993 với nhà mạng MobiFone (nhà mạng viễn thông đầu tiên tại Việt Nam khai thác dịch vụ thông tin di động GSM 900/1800), nghĩa là đến nay đã 31 năm. Việc tắt sóng 2G đã được các nhà mạng viễn thông ở nhiều quốc gia thực hiện. Nhật Bản là nước đầu tiên tắt hoàn toàn 2G (tháng 9-2012). Các nước và vùng lãnh thổ khác cũng đã tắt sóng 2G như Macau (tháng 6-2015), Singapore (tháng 4-2017), Taiwan (tháng 12-2017), Úc (tháng 6-2018), Trung Quốc (năm 2021). Trong năm 2023, thêm nhiều nước đã chia tay với 2G như Đan Mạch, Slovakia, Hy Lạp, Hungary, và Sweden. Nhiều nhất là những nước có một số nhà mạng ngưng sóng 2G. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến tháng 7-2024, có 192 nhà mạng ở 68 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoàn tất, có kế hoạch hay đang trên quá trình triển khai việc tắt sóng 2G/3G. Có 93 nhà mạng ở 52 nước đã hoàn tất hay có kế hoạch tắt sóng 2G. Châu Âu đang dẫn đầu về số lượng nhà mạng tắt sóng 2G, kế đó là Châu Á và Bắc Mỹ.

HOÀI XUÂN