Giáo dục trẻ em bằng mạng xã hội
Những số liệu khảo sát được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) công bố gần đây chắc chắn gợi cho chúng ta, đặc biệt là phụ huynh, nhiều suy nghĩ. Đó là có tới 63,8% số trẻ em được khảo sát cho biết các em “tự học qua thông tin, tài liệu trên mạng xã hội” về các kiến thức và kỹ năng ứng phó với các rủi ro từ mạng xã hội.
(Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks).
Mạng xã hội là nguồn học hỏi của nhiều trẻ em nhất. Học từ nhà trường chiếm thứ nhì với 56,4%; từ cha mẹ chiếm thứ ba với 51,2%; từ bạn bè chiếm thứ tư với 46,4%; từ anh chị em chiếm thứ năm với 38,1%… Chỉ có 29,1% các em nói mình học từ các tổ chức hướng dẫn và 21% từ các cuộc hội thảo, diễn đàn.
Trẻ em Việt Nam gắn mình từ rất sớm với các mạng xã hội. Đó là một thực tại và khó thể thay đổi với đặc thù ở Việt Nam. Các mạng xã hội lớn như Facebook, X (Twitter), Instagram,… về nguyên tắc chỉ cho người từ 13 tuổi trở lên sử dụng. Nhưng đó là theo nghĩa người dùng có tài khoản chính thức, còn thực tế thì chẳng thể nào kiểm soát được trẻ em, thậm chí chỉ ba bốn tuổi, “chơi” mạng xã hội bằng các tài khoản của phụ huynh. Mà làm sao tránh được tình trạng này khi cũng theo số liệu của MSD, có tới 83,9% trẻ em được khảo sát có sử dụng điện thoại, và 86,1% có sử dụng mạng xã hội.
Phải chăng cần báo động khi rất nhiều trẻ em ngày nay ít xem phim hoạt hình, phim cổ tích,… dành cho trẻ em mà mê mải dán mắt vào những nội dung trên TikTok, Shorts (YouTube). Đó là những định dạng video dọc (phù hợp với màn hình điện thoại) và có thời lượng cực ngắn chỉ ít phút rất phù hợp với trẻ em. Các nền tảng này lại cung cấp nhiều hiệu ứng rất bắt mắt, thu hút trẻ em và nhiều chủ kênh có óc sáng tạo làm ra những nội dung hấp dẫn.
Điều đáng báo động nhất ở đây là về nội dung trên các kênh mạng xã hội mà trẻ em hay xem. Đa số là dễ dãi, thậm chí xàm xí nhưng lại dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với trẻ em. Và đặc biệt là nhiều kiến thức sai lệch, thậm chí độc hại,… đang được khá nhiều kênh truyền tải.
Có lẽ bây giờ, người lớn phải chấp nhận thực tế để có cách xử lý cho hợp tình, hợp thời. Thay vì tập trung tìm cách ngăn cấm trẻ em tiếp cận với mạng xã hội (điều hầu như không thể), chúng ta nên tập trung nghĩ cách tận dụng lợi thế của mạng xã hội để gòp phần giáo dục con trẻ một cách lành mạnh, đúng đắn. Các tổ chức đoàn đội, các tổ chức và cơ quan giáo dục và liên quan tới trẻ em cần phải nhập cuộc chơi, cung cấp lên mạng xã hội nhiều nội dung bổ ích – vấn đề ở chỗ phải phù hợp và theo cách của trẻ em. Song hành với những nỗ lực “dọn cỏ độc, rác rưởi” làm lành mạnh hóa mạng xã hội, người lớn cũng cần phải trồng những cây thơm trái ngọt trên mạng xã hội cho con em mình hưởng hoa quả tốt tươi.
Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 27-11-2024 và trên báo NLĐ Online.
HOÀI XUÂN