Chủ nhật ngày 12 tháng 1 năm 2025

VIDEO: Lang thang trên đảo Cù Lao Chàm: viếng chùa cổ Hải Tạng, thăm giếng Chămpa xưa

Chưa đi chưa biết Cù Lao…

… Chàm Chămpa cổ sóng gào cũng đi.

Chùa hai thế kỷ vô vi

Giếng xưa ngọt mát sá gì thời gian.

Bữa cỡi cano cao tốc từ Cửa Đại – Hội An vượt 9-10 hải lý ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hôi An, Quảng Nam), A Phủ và cậu em Trần Vương Thuấn rẽ ngang đi vô chơi trong làng, thay vì theo anh em ra biển lặn ngắm san hô.

Hai chị em chạy xe ôm kiêm hướng dẫn viên “ngang hông” chở hai anh em tới viếng cảnh chùa cổ Hải Tạng, xây từ năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19). Chùa do Hương Hải thiền sư phá núi lập nên – ban đầu là một cái am nhỏ cho ngài trú ngụ. Sau khi hòa thượng Thích Hải Tạng trụ trì qua đời, chùa không còn sư trụ trì một thời gian dài. (Hải Tạng:“Hải là biển” và “Tạng là Tam Tạng kinh”, ngụ ý chùa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả). Nguyên thủy, chùa gốc nằm cách vị trí ngôi chùa hiện nay chứng 200m về hướng Đông Bắc. Sau khi bị hư hại nặng vì một trận bão, chùa được di dời vào nơi mới này vào năm 1848 (năm Tự Đức nguyên niên). Rồi tới năm 1989, chùa bị cơn bão số 2 tàn phá phải đại trùng tu lại. Đặc biệt là loại ngói xưa rộng bản đã phải thay bằng ngói mới.

Rồi hai anh em ngồi xe ôm của hai chị em ra Bãi Tắm Tiên (Bãi Xếp) – nơi khách Tây thường tới tắm nhong nhong nhồng nhộng kiểu Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung (con Vua Hùng thứ 3 trong đời Hùng Vương thứ 18).

Tới thăm giếng Chăm cổ (giếng Xóm Cấm). Đây là cái giếng có từ xưa mà được người Chàm xây dựng theo kỹ thuật chồng xếp gạch độc đáo của Chămpa vào cuối Vương quốc Chămpa, khoảng đầu thế kỷ 19. Sở dĩ gọi là giếng cổ vì giếng nước này đã được xây dựng cách đây khoảng 200 năm. Đây là di tích duy nhất của người Chămpa còn sót lại trên đảo.

Xin mời xem video trên kênh YouTube Phước Nhựt Trình