Thứ Ba ngày 22 tháng 4 năm 2025

Quảng cáo trên mạng, vì sao vẫn như “chợ trời”?

Trong lúc cả xã hội đang nổi giận với vụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột “giả” do 11 doanh nghiệp trong đường dây sản xuất, kinh doanh bán khắp thị trường trong nước suốt 4 năm qua, trên mạng xã hội vẫn tiếp tục xuất hiện những quảng cáo, giới thiệu một số nhãn hiệu này. Không thể dùng từ nào chính xác hơn để gọi hành vi và thái độ đó là “bất chấp”.

Những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn kiếm tiền “bất chấp” tất cả. Không chỉ bất chấp chính quyền mà bọn chúng còn bất chấp cả sinh mạng người dân. Nhiều nhãn hiệu sữa “giả” bị phát hiện từng được quảng cáo dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai,…

Ảnh do AI ChatGPT tạo. Thanks.

Phải chăng biện pháp quản lý bằng định danh tài khoản mạng xã hội, gắn với thông tin nhân thân thông qua số điện thoại di động, thực tế đã bị những kẻ “bất chấp” coi thường? Bởi lẽ, theo lý thuyết, những ai vi phạm trên mạng xã hội dù ẩn danh với tên tự xưng, nickname nào cũng sẽ bị nhà chức trách truy biết rõ thông tin nhân thân để xử lý “đúng người” (còn chuyện “đúng tội” thì có khi còn bất cập).

Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 25-12-2024, người dùng các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo,… sẽ không thể tương tác, nghĩa là không thể đăng bài và livestream, nếu tài khoản của mình không được định danh thông qua số điện thoại di động. Và theo luật định, mỗi số điện thoại di động đều phải gắn với một thuê bao cụ thể được xác thực và chuẩn hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì thế, các tài khoản mạng xã hội vi phạm đều có thể bị truy nhân thân chủ tài khoản để xử lý.

Có lẽ trong thời gian qua, những người lợi dụng mạng xã hội để kiếm tiền bất chính cũng đã lợi dụng “thời gian trung gian” giữa khi bắt đầu áp dụng quy định về định danh tài khoản tới thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp chế tài. Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, nếu không thực hiện định danh, tài khoản sẽ bị hạn chế tính năng sau thời hạn 25-3-2025 (tức sau 90 ngày Nghị định có hiệu lực). Nói cụ thể hơn, kể từ ngày 25-3-2025, các tài khoản mạng xã hội còn được tương tác, đăng bài, livestream có nghĩa là đều đã được định danh và có chủ thể chịu trách nhiệm.

Tất nhiên, những kẻ sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái,… đều vi phạm pháp luật và cần bị cơ quan chức năng xử lý và nghiêm trị. Ở đây, chúng ta báo động về việc có nhiều kẻ lợi dụng các mạng xã hội – với thế mạnh là phủ rộng khắp và có số lượng người dùng cực kỳ đông – để tiếp tay phát tán các loại sản phẩm xấu đó cho cộng đồng. Càng tệ hại hơn khi có cả những người của công chúng, những KOL, những người nổi tiếng,… được nhiều người theo dõi tham gia quảng cáo cho các sản phẩm độc hại như thế.

Công bằng mà nói, có những người nhận quảng cáo cho sản phẩm vì tin tưởng vào nhà sản xuất. Đặc biệt với những sản phẩm có giấy chứng nhận hay được cấp phép hẳn hoi. Nhưng họ không thể vô can và không chịu trách nhiệm khi các sản phẩm mà mình quảng cáo bị phát hiện là hàng độc hại. Họ không cố tình thì cũng là vô tình. Và nếu có tự trách mình chăng thì cũng phải coi đó là “tai nạn nghề nghiệp”.

Nạn nhân cuối cùng và cũng là “nạn nhân đích thật” của những sản phẩm độc hại được rao bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội chính là người tiêu dùng. Họ tin vào quảng cáo từ những người được cho là “có uy tín” và nổi tiếng. Điều đáng nói là không chỉ có người tiêu dùng bình thường mà ngay cả những cơ quan, tổ chức cũng có thể “mua nhầm” hàng độc hại. Ta chưa nói tới chuyện tiêu cực mà nhiều trường hợp là do nhà cung cấp có đủ thủ tục, giấy tờ chứng minh để thắng đấu thầu.

Đành rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng cũng phải coi là một “tình tiết tăng nặng” khi người vi phạm là những người nổi tiếng, người của công chúng. Không chỉ vì khoản “tư lợi” mà họ nhận mà cái chính là “quảng cáo” do họ thực hiện có ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Có lẽ cho tới nay, bên cạnh những bất cập về quản lý, nhà chức trách mới chỉ “phạt nhẹ như đuổi ruồi” khi so với những khoản thu nhập lớn mà những người quảng cáo trên mạng nhận được. “Bệnh quỷ cần có thuốc tiên” và “thuốc đắng mới giã tật”.

Có lẽ chỉ khi nhà chức trách và các mạng xã hội cùng quyết liệt xử lý thì những người lợi dụng mạng xã hội để phát tán những nội dung xấu và độc hại cho cộng đồng, vi phạm pháp luật mới có thể giảm lộng hành.

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 20-4-2025 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN