Phòng Bầu Dục Nhà Trắng, nơi làm bạc đầu các Tổng thống Mỹ
Chỉ cần sau một nhiệm kỳ 4 năm ngồi tại Phòng Bầu Dục (Oval Office) – nơi làm việc của Tổng thống Mỹ trong Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng già đi trông thấy. Tóc bạc hơn (ngoại trừ các vị có màu tóc trắng sẵn), da nhăn hơn, khuôn mặt khắc khổ hơn.
Hãy xem Tổng thống Barack Obama khi nhậm chức vào năm 2009 ở tuổi 47 với mái tóc đen nhánh, khuôn mặt đầy đặn, da dẻ mịn màng. 4 năm sau, hiện nay mới ở tuổi 51 mà ông Obama đã trông hốc hác, mặt dài xọc, nhiều nếp nhăn và mái tóc thì đã rắc tuyết (xêm xêm người Việt mình rải muối tiêu).
Mới đây, sau khi ông Obama tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, tuần báo của giới kinh doanh Mỹ Bloomberg BusinessWeek đã đưa ra tấm hình tiên đoán dung nhan của ông Obama vào lúc mãn nhiệm kỳ thứ hai, năm 2017. Đó là một ông lão ở tuổi… 55 tuổi!
Người tiền nhiệm của ông Obama là ông George W. Bush (Cộng hòa), Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, đã vào Nhà Trắng năm 2001 lúc 54 tuổi với mái tóc gợn sóng và vầng trán chỉ hơi lăn tăn. 8 năm sau, ông rời Nhà Trắng với mái tóc bạc xác xơ và vầng trán hằn đầy vết nhăn.
Vị Tổng thống thứ 42 là Thống đốc bang Arkansas, Bill Clinton (Dân chủ) vào Nhà Trắng năm 1993 lúc 46 tuổi trông rất trẻ trai và xông xáo. Khi mãn nhiệm kỳ thứ hai, sau 8 năm ngồi ở Oval Office, ông đã bạc cả đầu, dáng vẻ đăm chiêu.
Ông George H.W. Bush (Cộng hòa) – hay còn gọi là Bush “Cha” để phân biệt với Tổng thống Bush – con trai của ông sau này, là vị Tổng thống thứ 41 đã vào Nhà Trắng năm 1989, lúc 65 tuổi. Dù chỉ làm có một nhiệm kỳ 4 năm, nhưng ông đã không còn cái dáng vẻ khỏe khoắn, trẻ khi rời Nhà Trắng.
Ông Ronald Reagan (Cộng hòa) – Tổng thống thứ 40, cựu Thống đốc bang California, vào Nhà Trắng năm 1981 ở tuổi đã 70 với khuôn mặt còn đầy đặn, đầy sức sống. 8 năm sau, cựu tài tử điện ảnh rời Nhà Trắng với khuôn mặt nhăn nheo, đầy vết nhăn.
Jimmy Carter (Dân chủ) – Tổng thống thứ 39, vào Nhà Trắng năm 1977 (52 tuổi). Chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, cựu nông gia trồng đậu này đã rời Nhà Trắng với mái tóc bạc nhiều hơn và mặt nhiều vết nhăn hơn.
Vị Tổng thống thứ 38 Gerald Ford (Cộng hòa) được bầu làm Phó Tổng thống năm 1973 (60 tuổi). Một năm sau, ông lên làm Tổng thống khi ông Richard Nixon từ chức. Chỉ sau 3 năm ở Nhà Trắng, ông trở nên già hơn và đầu hói hơn.
Ông Richard Nixon (Công hòa) – Tổng thống thứ 37 vào Nhà Trắng năm 1969 (56 tuổi). Sau 6 năm cầm quyền, ông phải từ chức vào năm 1974 vì vụ bê bối nghe lén Watergate. Đây là Tổng thống Mỹ phải chịu đựng giai đoạn cao trào nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ can dự. Nhưng trông ông có vẻ ít thay đổi sau thời gian ở Nhà Trắng.
Lyndon B. Johnson (Dân chủ) được bầu làm Phó Tổng thống năm 1961 (53 tuổi) và tới tháng 11-1963 đã trở thành Tổng thống thứ 36, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Sau 6 năm ở Nhà Trắng (ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì), ông Johnson trở thành một ông già mặt đầy vết nhăn.
Tổng thống Obama trong giờ phút căng thẳng ở Nhà Trắng.
Âu đó cũng là một cái giá phải trả cho nhà chính khách khi chấp nhận dấn thân làm nguyên thủ Hoa Kỳ, nền kinh tế số 1 thế giới và cường quốc số 1 toàn cầu. Áp lực đối nội, đối ngoại, không chỉ “care” (lo) chuyên trong nước mà còn phải “cover” (bao) chuyện thế giới, thiệt là khủng khiếp. Có lẽ đó là một lý do khiến tôi chọn ngồi đây “tám” cùng bạn bè mình thay vì mặn mòi với cái ghế đầy chông gai ở Oval Office!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 9-11-2012)