Đà Nẵng những ngày vẫn bị Trời hầm hừ….
Cho tới tận hôm nay, hơn 4 ngày sau trận bão số 11 khủng khiếp đánh vào ngay mình, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể hồi phục lại được. Cảnh tan tác, đổ gãy vẫn ngổn ngang khắp phố phường. Những bãi tập kết rác ngập ngụa loại rác “hậu gió bão” là xà bần gạch vụn và cành lá cây, có thêm những mảnh vải nhựa của những tấm panô quảng cáo ngoài trời.
Trong khi đó, trời vẫn hầm hừ, hăm he những trận gió bão mới. Trong ngày chỉ có những khoảng thời gian ngắn ngủi le lói chút nắng. Còn thì trời luôn mịt mù sương khói. Mưa lúc nhặt lúc khoan. Có người Đà Nẵng nói rằng mưa lất phất giống như Tết. Thời tiết bây chừ khó hiểu quá trời. Tôi thì nghiệm ra rằng đàn bà con gái vốn khét tiếng khó hiểu, nhưng còn ông Trời thì hiểu được chết liền!
Biển gầm rít dữ dội với vô vàn con sóng bạc đầu hùng hổ xấn vào bờ. Những bãi tắm cắm cờ đỏ cấm xuống nước. Khi có vài ba người xăm mình xuống biển, nhân viên bảo vệ phát hiện lại chạy tới kêu lên. Sáng hôm qua, ở bãi biển sau khu Furama Resort, mấy nhân viên khuyến cáo rằng: ai xuống biển có gì là không thể cứu được đâu. Tôi chứng kiến cảnh một cặp vợ chồng trẻ có dẫn theo một đứa con nhỏ vẫn “ngoan cố” xuống biển. Có những con sóng đổ vào xô đứa bé xiêu giạt trên bãi cát. Anh chồng ra đứng bên ngoài, cũng chỉ dám ra chỗ nước tới bụng, để bảo vệ cho vợ con tắm bên trong. Họ làm như gió thổi bạt đi những lời kêu gọi lên bờ của mấy nhân viên bãi biển.
Trên đường, những người công nhân điện thoại, mạng viễn thông vẫn đang phải đi cắt kéo lại những sợi cáp bị te lua vì gió bão hôm rồi. Bởi vậy, mấy bữa nay sóng điện thoại và sóng Internet ở Đà Nẵng cứ phập phù ở nhiều nơi. Tôi nói trước, ai có giận mà quyết định “cắt đứt dây chuông” với tôi để trừng trị cái tội “bặt vô âm tín” mấy bữa nay thì tôi đành chịu, coi như mình là một nạn nhân nữa của trận bão số 11.
Tôi còn nhớ hồi lớp Năm xưa (nay là lớp 1), có học rằng: Việt Nam hình chữ S như chiếc bao lơn ngó ra Thái Bình Dương. Nghiệt ngã cho miền Trung là nằm ngay cái khúc eo hủng vào trong. Bao nhiêu bão tố phong ba từ Thái Bình Dương hàng năm đều đổ vào cái eo đó, chẳng thoát được miếng nào – bão hễ vô là lãnh trọn con. Khác với miền bắc và đặc biệt là miền nam có cái thế lồi ra, sóng gió bão bùng có đập vô cũng bị trợt trớt quớt, có gì chỉ văng miểng chút đỉnh. Người miền trung từ thế hệ này qua thế hệ khác cứ phải trân mình chịu đựng thiên tai – cuối cùng phải chấp nhận sống cùng thiên tai. Nói sao đại đa số người dân bình thường không khổ và không nghèo miết – nghèo khổ bẩm sinh. Bởi vậy, ngày mai 20-10, ngày “vía bà”, tôi rất muốn xả thân mình cho chị em phụ nữ miền trung vốn chịu nhiều gian khổ thiệt thòi. Nhưng lực bất tòng tâm, biết làm răng người ơi!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Đà Nẵng 19-10-2013)