Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Hậu Father’s Day

+ Photo: Tôi đang tề gia ở góc bếp nhà Mom Dad. Coi như chia lửa cho Dad thôi mà (Ảnh chụp tại Elk Grove, CA)

Bữa nay chắc cú là có rất nhiều ông bố, ông tía, ông cha nuối tiếc hương vị của Father’s Day – ngày mình được làm VIP nội gia, ước gì nó kéo dài hơn nữa. Dòm khắp thiên hạ không hề có ngày Husband’s Day hay Men’s Day, nên đành lấy ngày Father’s Day mà hưởng thú được… xả hơi!

Bữa nay, quý ông bố như đang trên Thiên đàng bỗng té cái ạch xuống Địa ngục. Trước mắt phải thu dọn cái bãi chiến trường – hậu quả của ngày Father’s Day hôm qua. Trên đời này có những người, có những việc chớ hề được “tha miễn” mà chỉ được châm chước “hoãn lại”. Thí dụ, cái vụ lau nhà thì dơ một ngày chẳng sao, hay đống chén đĩa thì chồng chất lại mai rửa cũng đặng.

Dad của tôi nói rằng mình ngóng ngày Father’s Day để mong chỉ cần được nửa ngày “an thân” là hạnh phúc lắm rồi. Cái thiên chức làm bố sao nó nhiêu khê, nặng nề quá đỗi. Thầy nói mình suýt nhảy ra động Đình Hồ ngồi thiền khi mở mail thấy thiệp chúc mừng Father’s Day của Hiền đệ Ngô Vàng từ Tân An gửi qua. Hỗng có phải là “quyền huynh thế phụ” đâu, mà là hai father chúc mừng nhau thay lời… an ủi của những người đồng cảnh ngộ. Thầy Ngô cũng không quên dùng một mũi tên bắn chết 2 con chim khi bỏ nhỏ với Mom của tôi rằng: “Đại tỷ may mắn có được một ông chồng tốt”. Báo hại Dad “đỗ thể” đã xanh lại càng xanh mặt hơn: Bởi lẽ đã muốn ná thở vì là “cha tốt” nay còn thêm cái ách chẳng êm ái nhẹ nhàng là “chồng tốt”. Hơn nữa, đã tốt rồi thì tới đây càng phải tốt hơn nữa. Mới nghe qua mà run rẩy cả người.

Ở Việt Nam, ngày Father’s Day coi mòi khó “vô”, khó “hội nhập” hơn là ngày Mother’s Day. Nó lặng lẽ, thậm chí… im như thóc. Sáng qua, thằng nhóc vào trường dự lễ Tri ân Thầy Cô sau 4 năm mài đũng quân ở trường trung học cơ sở có lẽ nghe bạn bè kháo nhau bèn text SMS về: “Happy Father’s Day nha bố.” Cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng bố ít được con cái yêu thương như mẹ. Bố cả ngày phải bươn chải giữa chợ đời kiếm sống cho cả gia đình, về tới nhà đã ná thở, lúc nào cũng quạu quọ, dễ bùng nổ. Chỉ có mẹ là gần gũi và thường là bênh đỡ con. Con cái chúng kính bố nhưng yêu mẹ. Quả là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, chúng có cái gene của bố mình mà!

Bớ các ông Tía hãy mau hồi tỉnh. Hãy tưởng tượng chiếc tạp dề như chiếc áo giáp của danh tướng ngày xưa ra trận, coi cái chổi như chiếc thương để tả xung hữu đột dẹp sạch đám giặc… rác, giữ yên cho 4 góc nhà mình. Cổ nhân dạy: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (có nghĩa là: quét nhà, xách nước và hầu thiên hạ).

PHP
(Saigon 18-6-2012)