Tôi đi tắt bớt đèn đây…
Sáng nay (25-10-2013), Dinh Thống Nhất (TP.HCM) tràn ngập màu xanh lá cây – cái màu tượng trưng cho màu xanh của môi trường. Xanh là bởi nơi đây đang diễn ra Hội nghị và triển lãm quốc tế Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả Xperience Effiency 2013 được công ty Schneider Electric (Pháp) tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam trong 2 ngày 25 và 26-10-2013.
Trong bước đường phát triển của mình, giống như các nước khác, Việt Nam đang đứng trước thách thức ngày càng lớn về nguồn năng lượng, không chỉ làm sao có đủ năng lượng mà còn sử dụng năng lượng sao cho có hiệu quả tối ưu. Theo các nghiên cứu, vào năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50%. Theo Bộ Công thương, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam sẽ tăng lên 2,5 lần vào năm 2015 và tới 15 lần vào năm 2050. Trong khi đó các nguồn năng lượng cả sạch lẫn không sạch hoặc đã được khai thác tới gần giới hạn của nó (như thủy điện) hay chưa thể huy động đúng mức. Ông Cù Huy Quang, chuyên gia tiết kiệm năng lượng của Tổng cục Năng lượng, nhấn mạnh: “Trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối cung cầu các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng nếu tình hình sử dụng năng lượng từ doanh nghiệp đến hộ gia đình vẫn diễn ra như hiện nay.” Vì thế, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam có thể sớm phải đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, cho biết: “Môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ngày nay đang đặt ra những sức ép nhất định trong việc ưu tiên các biện pháp và hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các thành phố và các khu đô thị. Khái niệm sử dụng năng lượng hiệu quả giờ không chỉ là nhắm đến các tổ chức về môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành phố, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp công dân. Thông qua các hoạt động hợp tác và phối hợp thực hiện, chúng ta có thể chia sẻ kiến thức và xây dựng một kế hoạch cụ thể để tạo nên những thay đổi tích cực. Xây dựng mô hình thành phố thông minh với những hệ thống vận hành đô thị hiệu quả, hợp tác chặt chẽ giữa các bên để các thành phố và đô thị ngày càng trở nên hiệu quả, bền vững và sống tốt hơn”.
Theo How Stuff Works, một nhà máy nhiệt điện công suất 500 megawatt sản xuất mỗi năm 3,6 tỷ kWh điện phải đốt tới 1,43 triệu tấn than đá. Hậu quả là mỗi năm nhà máy này thải ra môi trường 10.000 tấn Sulfur Dioxide (gây mưa acid), 10.200 tấn Nitrogen Oxide (gây sương mù và mưa acid), 3.700.000 tấn Carbon Dioxide (chất khí gây hiệu ứng nhà kính làm nóng ấm toàn cầu). Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá thải ra nhiều chất phóng xạ hơn cả một nhà máy điện hạt nhân.
Với 1 kWh điện, bạn có thể chạy được những gì nè? Bạn có thể thắp một bóng đèn tròn 40w trong cả ngày, hay mở một chiếc TV CRT màu 19 inch trong 4 giờ, xài một máy PC trong 2 giờ rưỡi, dùng một máy sấy tóc trong 30-60 phút, cạo râu trong 36 giờ,… Khi nhìn thấy trên thiết bị điện ghi công suất tiêu thụ 50w, bạn nên nhớ rằng mỗi giờ nó sẽ tiêu thụ hết 50 Wh điện, tích tiểu thành đa à nghen.
Cả khu vực diễn ra sự kiện Xperience Effiency 2013 xanh mát mắt bởi một màu xanh lá cây như thông điệp của sự kiện: xanh, sạch và thân thiện môi trường. Theo thiển ý của tôi, khái niệm năng lượng xanh không chỉ có nghĩa là những nguồn năng lượng sạch, mà còn phải được hiểu là bao gồm cả việc sử dụng năng lượng có hiệu quả tối ưu giúp tiết kiệm năng lượng, đó cũng là một cách thiết thực để bảo vệ môi trường. Môi trường có trong lành thì cây cối mới xanh tươi, con người mới sống khỏe, sống dai.
Thôi, tôi đi tắt bớt đèn và các thiết bị xài điện không cần thiết đây! Có ai theo tôi không? Nhưng chớ có quá cực đoan đi tắt hết đèn rồi hỗng thấy đường mà ngủ nghen!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-10-2013)