Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

Trường ca Hội Trùng Dương

Cho tới bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua với bao thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi nghe lại trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương tôi vẫn giữ được cái cảm giác say đắm, phiêu lưu như muốn bay bổng giữa trời, như muốn lướt qua các ngọn sóng trùng dương.

Tiết tấu, giai điệu thật hào sảng, khi cuồn cuộn dâng trào, lúc sâu lắng trầm tư, khi tự tình đắm say, lúc mênh mang phiêu bạt. Cái tài ba của người nhạc sỉ tài hoa là trong trường ca, có những lúc ông đã quện được cái hơi hướm dân ca ba miền vào trong cái khuôn thức âm nhạc phương Tây.

Bìa của 3 ca khúc trong trường ca Hội Trùng Dương xuất bản ở Saigon trước 1975. (Nguồn ảnh: Internet)

Trường ca Hội Trùng Dương gồm 3 phần viết về 3 dòng sông lớn tượng trưng cho 3 miền đất Việt: Tiếng Sông Hồng (Bắc), Tiếng Sông Hương (Trung), và Tiếng Cửu Long (Nam). Nhiều người nhận xét: Đây là một trong ba trường ca đất nước hay nhất mọi thời đại, hai tác phẩm bất hủ kia là Đường Cái Quan (Phạm Duy) và Hòn Vọng Phu (Lê Thương).

Phạm Đình Chương sinh ngày 14-11-1929 tại Hà Nội. Bắt đầu học nhạc từ năm 13 tuổi, sáng tác đầu tay viết năm 18 tuổi (năm 1947). Khoảng năm 1954, gia đình Phạm Đình Chương di cư vào Nam và ông đã thành lập ban hợp ca Thăng Long để nhớ lại Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật của người nghệ sĩ tài hoa. Khi đi hát, ông lấy nghệ danh là Hoài Bắc. Cho đến năm 1971 ông đã viết được trên một trăm ca khúc gồm đủ mọi thể loại trường ca, dân ca, ca khúc đồng vọng, tình yêu đôi lứa, mang kỹ thuật soạn bè linh động của nhạc Tây phương áp dụng cho nhạc Việt.

(Nguồn ảnh: Internet).

Ông là em cùng cha khác mẹ với ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long, là em của ca sĩ Thái Hằng (phu nhân nhạc sĩ Phạm Duy) và anh của ca sĩ Thái Thanh.

Sau 1975 Phạm Đình Chương định cư tại California (Hoa Kỳ). Ông tạ thế ngày 22-8-1991 tại California (thọ 62 tuổi). Có một số tài liệu nói ông mất vào năm 1993.

Theo tác giả Phạm Văn Kỳ Thanh:  việc phân loại hơn một trăm ca khúc của Phạm Đình Chương đòi hỏi một chương trình nghiên cứu rất công phu. Đại loại những ca khúc, trường ca của Phạm Đình Chương mang những đặc tính sau: âm hưởng dân ca Việt Nam, sử dụng tài tình ngữ thuật, thổ ngữ, vận dụng khéo léo sức truyền cảm phong phú, điều hợp tài tình sự rung động giữa thơ và nhạc, du nhập những nét đẹp tân kỳ của nhạc Tây phương vào những khúc tình ca thành thị. Hầu hết những đặc tính nêu trên trong ca khúc Phạm Đình Chương, ít nhiều dù tạo thành cảm xúc vui hay buồn đều vẽ lại những nét đẹp… quê hương ngày thanh bình thuở trước, sự nuối tiếc những kỷ niệm, mối tình lỡ dở, tất cả đều mang một nỗi nhớ khôn nguôi.

Hội Trùng Dương hầu như là trường ca duy nhất Phạm Đình Chương giới thiệu với công chúng trong suốt hơn 30 năm âm nhạc của ông. Trường ca Hội Trùng Dương sử dụng hình thức khuôn khổ Tây phương để chuyên chở một nội dung dân ca Việt Nam.

Ảnh và bút tích Phạm Đình Chương năm 1956. (Nguồn: Internet)

Ta hãy nghe Phạm Văn Kỳ Thanh phân tích: Về bố cục, trường ca Hội Trùng Dương gồm một đoạn mở đầu và ba phiên khúc. Mỗi phiên khúc là tiếng nói của một dòng sông tiêu biểu cho mỗi miền. Miền Bắc có sông Hồng Hà đại diện, vào đến miền Trung có sông Hương lên tiếng, xuôi miền Nam có sông Cửu Long góp mặt. Tiếng nói của ba dòng sông đều được biểu tượng hóa bằng nỗi lòng của ba thiếu nữ. Tâm sự của mỗi dòng sông cũng là tâm sự của người dân địa phương về dân sinh, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục với thiên nhiên, về sự can trường tranh đấu với nạn ngoại xâm.

Để tạo sự chú ý của người nghe, Phạm Đình Chương mở đầu với dòng nhạc chậm rãi, vững chãi rất hợp với sự dẫn đạo của tiếng kèn trumpet, tực như tiếng báo hiệu sự xuất hiện của bậc quân vương thời Trung cổ:

Trùng dương

Chốn đây ngàn phương

Có ba dòng sông

Cuốn xuôi biển đông

Nhắc câu chờ mong….

Về nhạc thuật, trong cả ba phiên khúc, Phạm Đình Chương đã dung hợp ý nhạc có âm hưởng dân ca, với nhịp điệu Tây phương.

Những điệu hò dùng ở đây đều do sự sáng tạo tinh anh của Phạm Đình Chương, vì ông không dùng âm điệu dân ca nghuyên thủy. Trái lại ở phần đầu của Tiếng Sông Hồng (Chiều nay nước xuôi…người áo nâu giãi dầu) ông đã dùng điệu Hò Dô Ta được ông sáng tạo (thoát ly dân ca nguyên thủy từ nhạc điệu đến nhạc thức). Vì lớp trống (Hò Cái) nét nhạc hoàn toàn Tây phương và lớp mái (Hò Con) biến đổi thành một phần đối âm (counterpart) của lớp Trống và cả hai bị chi phối bởi luật hòa âm (harmony) của Tây phương.

Phần hai của đoạn Tiếng Sông Hồng dồn nhanh (acceleration), (chậm hơn Foxtrot và nhanh hơn March) và cứ như thế hai lớp Trống Mái không còn ở tư thế đối đáp nữa, cuối cùng lớp mái đã nhập vào lớp Trống để biến thành một hành khúc.

Sang đến phiên khúc hai Tiếng Sông Hương, trừ đoạn cuối (Bao giờ máu xương….Tiếng cười đoàn viên), có lẽ vì muốn duy trì nét cổ kính của miền cố đô nên Phạm Đình Chương đã khéo léo trở về với nét nhạc ảnh hưởng rất nặng dân ca nguyên thủy. Ở đây, ông đã phỏng theo điệu hò Mái Đẩy miền Trung, nhịp điệu chậm rãi, rất hợp với sự than van kể lể (Hò ơi phiên Đông Ba…. để lan biển khơi). Đoạn hai của phiên khúc hai nhái lại đoạn hai của phiên khúc một. Tuy nhiên khó phủ nhận được nghệ thuật dụng âm ngữ tài tình của Phạm Đình Chương ở phiên khúc hai. Những chữ Ánh (Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than), Bến (Bến Vân Lâu thuyền có đơm sâu), Lắm (Quê hương em nghèo lắm ai ơi !), Mỗi (Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm), Vắng (Ai là qua là thôn vắng), Nắng (nghe sầu như mà mưa nắng), tuy là những thanh trắc nhưng đã bị kéo oằn xuống ở một vị trí thấp hơn thành bằng của chữ đi kế trước hoặc tiếp sau (khua, trăng, vân, ai, năm, thôn).

Chính vì vậy điệu hò mới nỗi bật địa phương tính qua lối phát âm thổ ngơi miền Trung. Nét đặc trưng này khiến người hát không cần phải là người miền Trung, nếu xướng âm (déchiffrer) đúng cao độ của câu hát cũng có thể tạo thành âm hưởng của tiếng nói miền này.

Đoạn hai của phiên khúc Tiếng Sông Hương dồn nhanh hơn đoạn đâu và về ý nhạc nhắc lại đoạn hai của phiên khúc một Tiếng Sông Hồng. (Ai là qua là thôn vắng….Tiếng cười đoàn viên )

Vào đến miền Nam, miền đất phù sa màu mỡ, sức đối kháng với thiên nhiên không còn mãnh liệt như miền Trung.

Vì thế, Phạm Đình Chương đã dùng những nét nhạc thật khỏe khoắn, cởi mở, sung túc để nói lên đặc tính địa lý nhân văn của miền nàỵ Trong cả phiên khúc ba Sông Cửu Long, ông chỉ xen lẫn hai câu hò theo điệu ru con miền Nam:

Chẻ tre bện sáo cho dày

Ngăn ai sông Mỹ có ngày gặp em

Điệu ru này thuộc ngũ cung hơi Nam giọng oán tựa như điệu ru con ở Quảng Nam miền Trung.

Chỉ với hai câu Hò Ru đó thôi cũng đã làm nổi bật ý nhạc dân tộc giữa những cung điện Tây phương khỏe khoắn tươi sáng (Nước sông dâng cao….nắng khô đồng lầy). Đoạn cuối của phiên khúc ba Sông Cửu Long một lần nữa lại nhắc lại tứ nhạc của đoạn cuối của phiên khúc một Tiếng Sông Hồng và phiên khúc hai Tiếng Sông Hương.

Xin cảm ơn tác giả Phạm Văn Kỳ Thanh đã bỏ nhiều công sức sưu tầm và phân tích, giúp tôi có thể cảm nhận Hội Trùng Dương theo chiều sâu của nó, không chỉ lang thang trên những giai điệu, tiết tấu và ca từ đã chinh phục tôi suốt ngần ấy năm.

 

LỜI TRƯỜNG CA HỘI TRÙNG DƯƠNG:

Trùng dương, trùng dương, trùng dương…

Trùng dương… chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biến Đông nhắc câu chờ mong. Về khơi sóng muôn triền tới, nước non buồn vui đây hội trùng dương đầy vơi. Sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi, như muôn tình mới, vươn sức người dựng giữa đời.

TIẾNG SÔNG HỒNG

Chiều nay nước xuôi dòng đại dương có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn. Vẩn vơ nắng quái vương trên phù sa có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá. Ngày qua trai gái sống vui một miền, quanh năm anh cuốc em liềm vun xới ruộng mùa lúa chiêm.

Từ thượng du nước trôi về trung châu, ấp ôm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu.

Hò ơi….Gối đầu trên Lào Cai Việt Trì, em nằm tóc xõa bãi cát dài thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây. Hò ơi ….. Nhớ ngày nao dân chúng lên đường đem thịt xương ngăn giữ nương đồng đem vinh quang thắm tô sông Hồng.

Nằm mơ, xuân vinh quang, trở về, cho non sông, là ngày nao nơi nơi trút sạch buồn thương là ngày em mơ duyên người lập công.

TIẾNG SÔNG HƯƠNG

Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu. Hỡi hò, hỡi hò. Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò.

Hò ơi…Ai là qua là thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh.

Hò ơi…Bao giờ máu xương hết tuôn tràn, quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn.

Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh, chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh. Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.

TIẾNG CỬU LONG

Ồ ồ ồ Đây Miền Nam
Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ
Nước xanh xanh lơ bóng in cây dừa
Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long
Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống
Một sáng em ra khơi Vĩnh Long vui cười
Và Cần Thơ, Long Xuyên lừng hương cau lúa chín
Đời vươn lên thuyền ghé bến
Sống no nê dân quê một miền
Kìa nắng thương dân đây nắng khô đồng lầy

Chiều chiều tới. Hò lơ hò lơ, hò là hò lơ
Chẻ tre bện sáo cho dầy, ơ băng ngang sông Mỹ có ngày gặp em

Ô hò ơi ra biển khơi
Trùng Dương, Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đã nối liền
Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên
Hẹn nhau. Pha hòa sóng lan bốn phương trời, đem tự do tranh đấu bao người, cho quê hương ấm no muôn đời
Giờ đây bao tâm tư, rộn ràng như câu thơ
Hội Trùng Dương tay tay xiết chặt cùng hô
Dựng mùa vinh quang hứa đời tự do…

 

Tới đây, tôi xin mời các bạn cùng thưởng thức trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương với 3 phong cách thể hiện khác nhau của các thế hệ ca sĩ khác nhau.


Hội Trùng Dương, tiếng hát Thái Thanh (1993)


Hội Trùng Dương, tiếng hát Thanh Tuyền, Hoàng Oanh và Thanh Lan.

Hội Trùng Dương, tiếng hát Diễm Liên và Nguyên Khang, Ca đoàn Đức Mẹ La Vang & Hợp ca Asia.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-11-2012)