Những cái nhìn xuyên qua… quần áo
Sẽ là thảm họa nếu như những hình ảnh “nhạy cảm” được nói là ghi bằng camera nhìn xuyên qua quần áo này là sự thật!
Một người thân ở Mỹ vừa gởi cho tôi tham khảo một video clip trên YouTube giới thiệu cái gọi là phần mềm nhìn xuyên qua vải dành cho điện thoại iPhone. Coi qua thì thiệt là ấn tượng, và thú thiệt trước monitor rằng cũng khoái nó lắm (khoái và sở hữu là hai mặt của một đồng xu à nghen).
Hy vọng cái clip này chỉ là chuyện đùa tào lao bát xế. Bởi nếu nó mà có thiệt và được phổ biến tràn lan thì có lẽ các nhà thời trang hoặc phải dẹp tiệm (vì chẳng ai mua vải vóc làm gì nữa), hoặc phải phát minh ra dòng thời trang chống x-quang.
Nhưng mà xét về mặt khoa học – kỹ thuật, cái chuyện camera nhìn xuyên qua quần áo chỉ là… chuyện nhỏ như con thỏ. Đơn giản nhất là chỉ cần ứng dụng kỹ thuật x-quang là “thấu đáo”.
Dạo trước, hãng Sony từng phải thông báo thu hồi một dòng máy ảnh dùng tia hồng ngoại (được giới thiệu là để cha mẹ giám sát con cái ban đêm) vì bị thiên hạ lạm dụng vào chuyện “nhạy cảm”.
Cho tới nay, cơ quan an ninh Mỹ vẫn bị thiên hạ phê bình khi áp dụng biện pháp kiểm soát bằng x-quang ở các sân bay, cửa khẩu. Hành khách phải bước vào một chiếc lồng kính, giơ hai tay lên để máy x-quang quét khắp người, một mẩu giấy nhỏ bỏ quên trong túi cũng lồ lộ ra. Chính tôi từng mấy lần bị quét x-quang như vậy khi sang Mỹ. Nhưng tôi chớ hề càm ràm mà còn hí hửng rằng: “Cho các bạn biết tớ là ai, ai ngon cơm hơn ai!”. Nhà chức trách Mỹ biện minh đây là biện pháp hữu hiệu nhất – mà họ có thể nghĩ ra – để phát hiện những thứ có thể gây nguy hiểm cho an ninh mà bọn khủng bố giấu trong người. Tất nhiên ở đây ta không bàn tới chuyện này, vì vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn. Còn thiên hạ thì la chói lọi vì cho rằng mình bị “show hàng” cưỡng ép. Thiệt ra, các máy quét an ninh này cũng đã được điều chỉnh để chỉ có thể thấy “vừa đủ xài” chớ không “thẳng cách cò bay” vạch trần tuốt tuồn tuột như khả năng dư làm của nó.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới lâu nay vẫn bày bán nhiều loại camera có khả năng nhìn xuyên qua vải (see through clothes), thuộc các dòng thiết bị giám sát ban đêm (night vision) và thiết bị gián điệp (spy device).
Chẳng hạn như chiếc hand-held Kayak KHD 5000-X của hãng Kayak (www.kaya-optics.com) nhỏ gọn và nhẹ nhàng với kích thước và hình dạng như một chiếc cell-phone bình thường, không làm cho đối tượng phải nghi ngờ. Nhưng camera x-quang cực mạnh của nó có thể xuyên thấu tất tần tật. Nó dễ xài và cho ra những hình ảnh được quảng cáo là có độ phân giải cao (nói nôm na là “rõ tới từng cái lỗ chân lông”) cả trong chế độ ảnh đen trắng hay ảnh màu.
Chiếc Kayak KHD 5000-X của hãng Kayak có khả năng nhìn xuyên qua quần áo.
Dòng thiết bị nhạy cảm này ngày càng tinh vi, mạnh mẽ hơn, nhiều tính năng hơn (như chống nước, chịu được va đập), nhưng giá ngày càng rẻ hơn. Càng nguy hiểm hơn khi người ta không cần tậu một chiếc máy ảnh x-quang tốn kém, mà chỉ cần mua một chiếc kính lọc IR X-Ray Vision Glass Filters giá trên dưới 150 USD về gắn vào trước ống kính máy ảnh là có ngay hiệu ứng “xuyên thấu”.
Chẳng hạn một camera x-quang siêu hot hiện đang có trên thị trường là X-reflect Camera, không có màn hình, có dung lượng lưu trữ 8GB, ghi hình ảnh màu. Nó dùng pin sạc để bạn có thể mang nó tới bất cứ hiện trường nào. Bạn chỉ cần gắn camera này vào máy tính hay màn hình có cổng RCA là có thể duyệt xem các hình ảnh vừa ghi được. Giá thì quá nhẹ nhàng, phiên bản hình ảnh đen trắng giá 250 USD, còn phiên bản hình ảnh màu giá 390 USD. Nếu bạn muốn có một chiếc X-reflect Color Camera có cả màn hình thì phải bỏ ra tới 890 USD. Dòng camera này có tính phổ cập cao nhờ tương thích với các hệ màu PAL (ở châu Âu và châu Á) lẫn NTSC (Mỹ và Nhật Bản).
Ngoài tia x-quang, người ta còn có thể dùng những công nghệ khác để “lột trần thế gian”. Hãng tin thời sự truyền hình CNN Europe ở Anh từng đưa tin về loại camera ThruVision T5000 mà cơ quan an ninh dùng để “nhìn thấu” đám đông mà phát hiện những thứ nguy hiểm đang giấu dưới quần áo. Nó có “tầm nhìn thấu” ở khoảng cách xa tới 25 mét. Camera này dùng tia Terahertz (T-ray) có thể xuyên qua các loại vải sợi và thậm chí xuyên qua các bức tường. Tuy nhiên, nhà sản xuất ThruVision Limited (Anh) trấn an rằng: thiết bị này có thể thấy rõ được các vật thể kim loại và phi kim loại giấu dưới quần áo của các đối tượng đang đứng yên hay đang di chuyển mà không để lộ bất cứ chi tiết thân thể nào. Thông minh thiệt đó ta, biết dừng lại trước lằn ranh mong manh…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong số các camera giám sát ban đêm, chiếc Sony Color Night Vision Outdoor Camera thuộc hàng tốt nhất (5 sao). Nó không chỉ tới từ một thương hiệu nổi tiếng và đáng tin cậy, mà còn có giá phải chăng, chỉ tầm 300 USD.
Và có lẽ cũng chẳng phải hù dọa gì nhau đâu, chỉ thực tế thôi. Chúng ta đang sống trong thế giới của các thiết bị “made by China”, những thiết bị “xuyên thấu” chẳng phải là quá cao siêu với các nhà sản xuất nằm sát nách mình. Có lẽ, khi chưa có biện pháp nào khả thi, ta đành phải chấp nhận “chung sống với x-ray”, ra đường ráng mà cảnh giác để tự “che chắn” mình (được hay không là chuyện khác), nếu thấy “bó tay” thì chỉ việc bỉu môi giở giọng AQ mà rằng: “Thây kệ, bà cho mày… đui luôn!”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 4-11-2012)