Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Một ngày đọc 2kg báo

Chuyện thiệt chớ hỗng phải tào lao bát xế đâu nghen. Tờ nhật báo The Straits Times (TST) của Singapore ngày thứ Bảy 24-11-2012 có tới 230 trang theo khổ nhật báo chuẩn (tức khổ lớn), gồm 9 phần (section), nặng 2kg.

Trước nay, báo TST vẫn có những ngày in báo cầm nặng tay luôn. Tất nhiên, đa số các phần là quảng cáo và rao vặt.

Tuy tăng trang như vậy, giá báo vẫn 1 SGD (khoảng 17.000 đồng VN).

Mỗi ngày, TST phát hành khoảng 365.000 bản, ngoài bản chính tiếng Anh còn có bản tiếng Hoa, tiếng Ấn, tiếng Malaysia. Xin lưu ý, Singapore chỉ có hơn 5 triệu dân.

Tờ báo The Straits Times (Singapore) ngày 24-11-2012 dày 230 trang, nặng 2kg.

Sẵn nói về chuyện báo, hiện nay báo in đã qua rồi cái thời hoàng kim. Các dạng báo điện tử, thông tin online phát triển rầm rộ đã làm số lượng phát hành của báo in giảm khủng khiếp. Một số “đại gia” làng báo quốc tế hoặc phải đóng cửa, hoặc chuyển sang dạng online.

Một nạn nhân báo giấy mới của trận sóng thần báo điện tử là “đại gia quốc tế” Newsweek của Mỹ. Ngày 18-10-2012, nhà xuất bản của Newsweek thông báo tờ tuần tin này sẽ ngừng ra bản in từ ngày 31-12-2012, chuyển hoàn toàn sang dạng digital (kỹ thuật số) và được đổi tên là Newsweek Global (Tuần tin tức toàn cầu). Vậy là sau gần 80 năm có mặt dưới hình thức báo in (số đầu tiên ra ngày 17-2-1933), tờ tuần báo thời sự phát hành toàn cầu này cũng không còn chịu đựng nổi trước sự lấn áp của báo điện tử và thời thoái trào của báo in. Trước đó, tháng 8-2012, chủ của Newsweek là công ty The Washington Post đã bán lại tờ tuần tin này cho nhà tỷ phú audio Sidney Harman với giá tượng trưng chỉ 1 USD. Gần 1 năm sau, nhà tỷ phú 93 tuổi này quy tiên, Newsweek lâm vào cảnh bị đem con bỏ chợ. Số bản phát hành mỗi kỳ của Newsweek hiện còn 1,5 triệu bản (giảm một nửa so với thời đỉnh điểm phát hành tới 3 triệu bản mỗi kỳ).

Vào năm 2007, trên thế giới có 6.580 nhật báo với số lượng phát hành tới 395 triệu bản mỗi ngày. Có những tờ nhật báo có số lượng “khủng” như vào năm 1995, 3 tờ nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, Asahi Shimbun, và Mainichi Shimbun đã có số lượng phát hành tới hơn 5,5 triệu bản mỗi ngày. Nhật báo Bild của Đức năm 1995 có số lượng phát hành 3,8 triệu bản/ngày. Ở Anh, tờ The Sun phát hành khoảng 3,24 triệu bản/ngày. Tờ The Wall Street Journal của Mỹ có 2,02 triệu bản/ngày.

Ngày càng có thêm nhiều người ngừng đăng ký đặt báo và tạp chí in, vì họ có thể có được thông tin nhiều chiều, đa dạng và hầu như tức thời từ trên Internet.

Báo in chết không chỉ vì số lượng phát hành giảm mạnh, mà còn do doanh thu quảng cáo xuống thê thảm (trong khi truyền hình và báo mạng đang ngồi rung đùi gom bạc).

Sức mạnh của truyền thông Internet thiệt là khủng khiếp. Không chỉ về tốc độ (cực nhanh), độ bao phủ (rộng khắp), trong suốt và trung thực (không thể kiểm duyệt), không biên giới, nó còn có sức khuynh đảo con người hơn với sự khai thác các tiến bộ công nghệ tiên tiến. Người ta không chỉ đọc tin (text), mà còn nghe (âm thanh), xem (hình ảnh và video)… mau thấm, dễ ngấm kinh-khủng-khiếp-đảm.

Nhưng cũng phải nhận thấy mặt trái của thông tin trên Internet: nó là thông tin thô, có khi “nhanh nhẩu đoản”, khó kiểm chứng, không được “bảo hành chính hãng”, dễ sửa đổi và xóa bỏ để phủi tay và phi tang. Vì thế, người đọc thời điện tử cần phải có óc phán đoán, phân tích đúng sai, cần kiểm tra chéo thêm nhiều nguồn khác trước khi… tin.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-11-2012)