Những thách thức mới trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất
Hơn 17.000 đại biểu của 194 nước đã có mặt tại Qatar để tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc Doha 2012 từ ngày 26-11 tới 7-12-2012 về việc làm chậm lại tình trạng nóng ấm toàn cầu. Một trong những thách thức chính của cuộc chiến bảo vệ Trái đất này là việc tăng khoản chi gọi là “viện trợ khí hậu” cho các nước nghèo trong khi các khoản ngân sách đang bị căng thẳng do bất ổn kinh tế ở các nước giàu.
Cho tới nay, các nước giàu đã giải ngân gần 30 tỷ USD dưới hình thức tài trợ và cho vay trong khuôn khổ các cam kết tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Nhưng các cam kết này sẽ hết hạn trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) vẫn chưa bắt đầu hoạt động. Quỹ này được thành lập để rót tới 100 tỷ USD hàng năm cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu do sự phát triển các ngành công nghiệp gây ra. Vấn đề là tìm đâu ra tiền trong thời kỳ kinh tế suy thoái này.
Tổ chức nhân đạo Anh Oxfam ngày 25-11 đã báo động với hãng tin Pháp AFP rằng: các nước đang phát triển, đặc biệt các nước hải đảo có thể bị đe dọa sự tồn vong do mực nước biển dâng cao, đang đứng trước một “bờ vực thẳm tài chính khí hậu”. Điều mà các nước này cần trong cuộc họp kéo dài 2 tuần này là những lời cam kết chắc chắn từ các nước giàu sẽ tiếp tục tài trợ giúp họ thích nghi với sự biến đổi khí hậu do hiệu ứng nóng ấm toàn cầu.
Cho tới nay, việc hình thành được một cấu trúc cho việc cung cấp tài chính có liên quan tới biến đổi khí hậu là một trong vài kết quả có thể thấy được trong suốt 2 thập niên diễn ra các cuộc thương thảo về khí hậu do LHQ chủ trì.
Thế nhưng, mục đích chính của các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu này vẫn chưa đạt được, đó là việc giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà các nhà khoa học buộc tội là thủ phạm làm hành tinh nóng lên, dẫn tới tan chảy các mũ băng trên các ngọn núi, các sông băng và các lớp băng vĩnh cửu ở các địa cực, làm biến đổi các mô hình thời tiết và dâng cao mực nước biển.
Cho tới nay, hiệp ước duy nhất mà thế giới đạt được để hạn chế các loại khí có hại gây hiệu ứng nhà kính là Nghị định thư Kyoto, mà nó lại hết hạn trong năm 2012 này. Vì thế việc đạt được thỏa thuận gia hạn nghị định thư này được coi là nhiệm vụ cấp bách nhất của các bộ trưởng môi trường và các quan chức về khí hậu nhóm họp tại thủ đô Doha lần này. Vào thời điểm tháng 9-2011 có 191 nước đã ký và phê chuẩn nghị định thư này. Mỹ là nước duy nhất ký nhưng không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto với lý do hiệp ước này không kiểm soát được các nền kinh tế đang tăng trưởng như Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc hiện là nước thải ra lượng khí độc hại lớn nhất thế giới. Canada rút khỏi nghị định thư vào cuối năm 2011.
Điều khó khăn là hiện chỉ có Liên minh châu Âu (EU), Úc và một số ít nước nhỏ có thiện chí tham gia một thời hạn cam kết thứ hai với những mục tiêu giảm khí thải mới. Các nước New Zealand, Canada, Nhật Bản và Nga thì không chịu. Nhà đàm phán chính của EU là Artur Runge-Metzger cho biết nhóm nước thiện chí này chỉ kiểm soát được khoảng 14% lượng khí thải toàn cầu nên sẽ không thể tạo ra được sự thay đổi lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. EU khẳng định rằng bất chấp cuộc khủng hoảng nợ nần đang làm châu lục này thất điên bát đảo, các nước châu Âu vẫn tiếp tục giúp các nước nghèo trong việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn và thích nghi với sự biến đổi khí hậu.
Việc cắt giảm lượng khí thải trong một thế giới bị phụ thuộc quá nặng, quá sâu vào nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu lửa) gặp nhiều phản ứng từ những nước công nghiệp phát triển lẫn những nước đang nổi lên. Người ta biện minh rằng lượng khí thải gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế, không thể phát triển công nghiệp nếu không xả khí thải trong quá trình sản xuất. Tùy theo trình độ phát triển của mỗi nước mà có tỷ lệ GDP so với lượng khí thải khác nhau, nhưng đều theo tiêu chí: công nghệ sản xuất càng lạc hậu, lượng khí thải càng cao. Theo báo cáo hồi tháng 10-2010 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA (International Energy Agency) trên cơ sở khảo sát 140 quốc gia, khu vực và nền kinh tế trong năm 2008, giá trị GDP (tính bằng USD) làm ra được tính trên mỗi tấn khí CO2 thải ra là 435 USD ở Trung Quốc (xếp thứ 5 từ dưới đếm lên), 574 USD (Việt Nam), 579 USD (Ấn Độ), 632 USD (Nga), 1.783 USD (Campuchia), 2.003 USD (Hàn Quốc), 2.030 USD (Úc), 2.291 USD (Mỹ), 2.459 USD (Lào), 2.476 USD (Singapore), 3.374 USD (Nhật Bản), 3.712 USD (EU), 5.928 USD (Pháp),…. Nước “sạch” nhất là Chad với 15.924 USD.
Đây là lần đầu tiên một nước vùng Vịnh (nơi sản xuất dầu mỏ) đăng cai một cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu. Báo Anh The Telegraph (26-11-2012) cho biết Qatar là nước đứng đầu thế giới về lượng chất ô nhiễm bình quân đầu người. Với mức 44 tấn/năm, người Qatar sử dụng lượng khí carbon nhiều gấp 5 lần người Anh. Có một chi tiết vui mà Diễn đàn Nhà phát triển Dự án (PDF) – một tổ chức vận động của các nhà phát triển năng lượng xanh, đưa ra: Ngay chính hội nghị LHQ về khí hậu này cũng sẽ thải ra ít nhất 25.000 tấn carbon (tính trên 10.000 người từ khắp thế giới đáp máy bay tới Qatar và ở trong các khách sạn 15 đêm). Các cuộc hội nghị về môi trường trước đó của LHQ thải ra khoảng 15.000 tấn khí CO2.
Một báo cáo hồi tuần trước của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết tình trạng tập trung khí carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đang tiếp tục tăng lên, tăng tới 20% kể từ năm 2000, chủ yếu do việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu. UNEP báo động rằng mục tiêu giữ cho nhiệt độ hành tinh trong vòng kiểm soát đang vượt ra khỏi tầm tay và nguy cơ thế giới sẽ tăng thêm 3-5 độ C (5,4 – 9 độ F) trong thế kỷ này đang cần phải hành động tức khắc. Mới đây, Ngân hàng Thế giới WB báo cáo rằng nhiệt độ Trái đất đã tăng 4 độ C (7,2 độ F) trong thế kỷ này, so với thời tiền công nghiệp, vượt qua mục tiêu 2 độ C mà các cuộc đàm phán của LHQ dùng làm cơ sở thảo luận. Hậu quả của tình trạng Trái đất nóng lên sẽ khiến cho mực nước biển dâng cao ngập tràn nhiều vùng duyên hải và xóa sổ nhiều đảo nhỏ, sản lượng lương thực giảm sút, nhiều sinh vật bị diệt vong, những làn sóng nóng xảy ra thường xuyên hơn, bảo tố xảy ra với tần suất cao hơn, thiên tai sẽ lan tới những vùng đất mới.
Người ta đang nỗ lực soạn thảo một hiệp ước toàn cầu về khí hậu mới có tầm bao phủ toàn diện, khả thi hơn với mục tiêu sẽ được thông qua vào năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực sau đó 5 năm. Thời kỳ cam kết lần thứ hai (KP2 hay CP2) này sẽ kéo dài từ năm 2013 tới 2020. EU sẽ ký kết với mục tiêu vào năm 2020 sẽ giảm 20% lượng khí thải tính ở mức của năm 1990. Mỹ – nước xả khí thải lớn thứ nhì thế giới – có mục tiêu là vào năm 2020 sẽ giảm 17% mức chất thải của năm 2005. Trung Quốc, vô địch thế giới về khí thải, có cách tính khác: cam kết giảm mật độ carbon (cách đo lượng khí thải carbon dioxide trên mỗi đơn vị GDP) khoảng 45%.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 27-11-2012)
Thủ đô Doha (Qatar), nơi đang diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu 2012 của LHQ.
Quang cảnh bên trong hội trường Hội nghị về biến đổi khí hậu 2012 của LHQ tại Qatar. Lần đầu tiên một nước vùng Vịnh đăng cai một cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu.
LƯỢNG KHÍ THẢI CARBON TRÊN TOÀN CẦU
(Các nguồn chính tạo ra khí thải: các loại nhiên liệu hóa thạch, xi măng, thay đổi mục đích sử dụng đất)
Năm |
Lượng khí thải carbon (tỉ tấn mỗi năm) |
2009 |
9,28 |
2008 |
9,45 |
2007 |
9,31 |
2006 |
9,22 |
Nguồn: Scripps CO2 Program
Lượng khí thải CO2 của loài người từ đâu đến? đi về đâu?
Khí thải carbon được tạo ra như thế nào?
Toàn cầu đang nóng lên.