Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Điện thoại di động và chiến tranh

Người ta dùng hình ảnh “2 tay 2 súng” để chỉ những người có 2 chiếc điện thoại di động (thời chưa có loại điện thoại 2 SIM, 3 SIM).

Còn ở đây là “tay phải cầm súng, tay trái cầm điện thoại di động”. Khi chiến tranh bùng nổ trong thời đại công nghệ cao, điện thoại di động cũng đóng vai trò đáng giá.

Một nghiên cứu sinh ở Mỹ đã viết luận án tiến sĩ với chủ đề “Điện thoại di động trong chiến tranh” (Cell Phones in War). Làm cách nào mà người lính đang chiến đấu, giết chóc và kiểm soát lãnh thổ vẫn có thể liên lạc với người thân sau một trận đánh, post một tấm ảnh ghi ở chiến trường lên Facebook hay chơi game Angry Birds khi nghỉ dưỡng quân giữa những cuộc đụng trận? Chỉ cần có một chiếc điện thoại di động, loại smartphone càng tốt.

Rõ ràng gần đây ngày càng có thêm nhiều hình ảnh, video clip nóng hổi từ giữa chiến trường xuất hiện trên Internet, nhất là các dịch vụ chia sẻ như Facebook, YouTube, Flickr,… Phần nhiều chúng được ghi bằng smartphone của các phó nhóm, phó quay nghiệp dư.

Trong tấm ảnh do hãng tin Reuters chụp được ở Cộng hòa Dân chủ Congo, trong 5 người lính chính phủ có tới 3 người đang dùng điện thoại di động quay video cảnh chiến trường. Họ đang đóng quân tại thị trấn Sake, gần thị trấn Goma đã bị phiến quân chiếm hồi tháng 11-2012.

Trên trang blog của C.J. Chivers, một cây bút lão luyện của báo Mỹ The New York Times, ngày 17-8-2012, người ta thấy xuất hiện tấm ảnh chụp một tay súng quân nổi dậy Syria tay phải cầm khẩu súng đại liên gắn trên một chiếc xe tải nhẹ, tay trái đang sử dụng điện thoại di động. Ảnh này được Ahmed Sheikha, 20 tuổi, một cựu binh lính Quân đội Syria vừa đào thoát sang hàng ngũ quân nổi dậy cách đây 6 tuần, chụp tại thành phố Aleppo.

Ngay cả khi chiến sự leo thang khốc liệt, nhiều vùng rộng lớn ở Syria vẫn được phủ sóng di động. Các tay súng của cả hai bên vẫn liên tục check điện thoại của mình, nhất là khi di chuyển vào vùng có sóng mạnh. Mỗi khi dừng quân, nhiều người lập tức tìm chỗ sạc pin điện thoại.

Cách đây chừng 10 năm đổ về trước, trên các chiến trường, binh lính hai bên chỉ có thể dựa vào các máy truyền tin chuyên dụng để liên lạc với nhau. Tất nhiên, phương tiện to đùng, cồng kềnh này chỉ được trang bị cho từng đơn vị và không phải liên lạc dễ dàng đâu – không ít khi thông tin phải đổi bằng máu. Bây giờ thì mỗi tay súng đều có phương tiện liên lạc của mình là chiếc điện thoại di động cá nhân nằm gọn trong túi quần mình.

Nếu trên sân khấu cải lương, viên tướng quân trước khi chết còn phải ca cho dứt câu vọng cổ, thì trên chiến trường thời công nghệ, biết đâu chừng một tay súng trước khi tử thương vẫn còn có thể nhắn lời vĩnh biệt người thân, bạn bè qua chiếc điện thoại của mình. Hỗng có đùa đâu à nghen!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-12-2012)