Thứ Bảy ngày 05 tháng 10 năm 2024

Tội nghiệp Ngài Đại sứ Mỹ


 

Ngày 7-12-2012, Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip Intel Products Vietnam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức đón nhận Giải thưởng ACE Doanh nghiệp Xuất sắc Hoa Kỳ 2012 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Lê Thành Ân thay mặt ngành ngoại giao Hoa Kỳ đến chung vui với 1.000 nhân viên nhà máy Intel Việt Nam.

Thấy Đại sứ Mỹ có bộ râu và khuôn mặt hao hao “Number One Teacher” của mình, tôi đã tới chào và rồi chụp chung với ông một tấm ảnh. Ông đang ăn một chiếc bánh chocolate nghe nói chụp ảnh liền vội vàng ăn cho xong. Rồi ông rút một chiếc khăn giấy lau miệng và hỏi cô Lê Thị Thanh Hiền, chuyên viên báo chí của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, xem mặt có “sạch sẽ” không. Ôi một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có khác, chỉn chu cho sự xuất hiện của mình trước công chúng. Mà cũng phải thôi, trong những sự kiện này, ông đại diện cho cả đất nước Hoa Kỳ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear.

Tội nghiệp cho Ngài Đại sứ – và cũng cho thấy sự chu đáo của ông – khi ông tự nhận ra mình “đô” con hơn tôi nhiều. Vì thế, trong tấm ảnh nào, ông Đại sứ Hoa Kỳ cũng cố gắng khom người cho không quá cách biệt với tôi. Còn tôi thì trước giờ vẫn chỉ khoái “tôi là tôi”, chớ hề cố rướn lên cho “bằng” ai nếu vượt khỏi tầm vóc của mình.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Lê Thành Ân

Trong dịp vui của nhà máy Intel Products Vietnam, tôi cũng đã gặp ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM. Đây lại là một câu chuyện khác. Cô bạn thân của tôi ở Maryland là chỗ thân quen với gia đình ông Ân ở Hoa Kỳ, vẫn thường đi đó đây với chị Năm của ông và thỉnh thoảng cũng tới thăm mẹ ông – đang sống tại nhà anh ông gần đó. Mẹ ông lại quý cô bạn này, thỉnh thoảng bà đi chợ cho thoáng đãng và có điều kiện vận động chân tay và lại gặp cô bạn Maryland. Ông Ân nói với tôi: “Mẹ anh giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe không tốt lắm.” Chỉ còn 8 tháng nữa là ông Ân mãn nhiệm kỳ 3 năm tại Saigon. Ông là Tổng lãnh sự Mỹ người gốc Việt đầu tiên ở Việt Nam (ông sang Hoa Kỳ từ năm 8 tuổi). Tôi hỏi vậy anh có khả năng được tái nhiệm không, ông Ân cho biết mỗi người chỉ được một nhiệm kỳ. Giàng ơi, hôm nay tôi gặp toàn những người làm mình thêm lép vế: ông Ân còn to cao hơn cả Ngài Đại sứ Hoa Kỳ nữa kìa.

Tôi kèm theo đây tấm ảnh tôi chụp với “Number One Teacher” của mình tại khu Thung lũng Silicone (bang California, Hoa Kỳ) hồi tháng 9-2011 để khỏi mang tiếng ‘thấy người sang bắt quàng làm họ”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-12-2012)

HÌNH ẢNH ĐỜI THƯỜNG CỦA MỘT NHÀ NGOẠI GIAO

Trưa 7-12-2012, tại nhà máy Intel Việt Nam ở Khu Công nghiệp cao TP.HCM, sau khi kết thúc lễ đón nhận giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc ACE 2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trao cho nhà máy này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đã dành thời gian trả lời phỏng vấn “đứng” của một số nhà báo Việt Nam. Sau đó, ông đi xuống khu vực nhà máy chiêu đãi khách mời bánh trái, nước giải khát và tự tìm cho mình mấy chiếc bánh. Tội nghiệp, lại tội nghiệp, ông không thể thưởng thức trọn vẹn những chiếc bánh khi nhiều người xúm lại muốn chụp ảnh lưu niệm với ông. Tất nhiên ông không từ chối và đã trở thành “người mẫu bất đắc dĩ” ăn khách nhất hôm đó. Ngay chính tôi cũng “phá đám” khi khiến ông phải nuốt vội chiếc bánh chocolate để có thể chụp ảnh với tôi. Ờ hén, ai biểu ông là một người nổi tiếng mần chi!