Vấn nạn người tản cư nội địa, từ châu Phi nhìn ra toàn cầu
Châu Phi trước nay vẫn là châu lục xảy ra nhiều cuộc chiến tranh và xung đột nhất, cũng như gánh chịu nhiều thiên tai nặng nề nhất trên hành tinh. Một hậu quả nhãn tiền là hàng chục triệu người dân đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hàng triệu người phải sống trong những trại tị nạn ở các nước láng giềng. Gần chục triệu người phải tản cư trong nước. Số phận và cảnh ngộ của những người mất nhà cửa này luôn là một vấn nạn của các nước châu Phi lẫn cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 10-2009, dự thảo Hiệp định Liên minh châu Phi (AU) về bảo vệ và trợ giúp những người tản cư trong nội địa ở châu Phi (AUCPAIDPA) đã được AU soạn thảo hoàn thành. Đây là một hiệp ước quốc tế đầu tiên tập trung vào việc bảo vệ và trợ giúp những người phải di tản bên trong đất nước họ. Nó được các tổ chức nhân đạo quốc tế đánh giá cao, coi như một cơ chế hợp pháp đột phá vượt qua những hạn chế của nhà cầm quyền sở tại để bảo vệ và giúp đỡ các di dân nội địa.
Sau khi được 15 nước châu Phi phê chuẩn, hiệp định AU này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6-12-2012.
Bruce Mokaya Orina thuộc Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC) nhấn mạnh tới giá trị của hiệp định AU khi nó làm nên tảng pháp lý quốc tế cho tất cả các nước châu Phi, chiếm 1 phần 4 tổng số các nước trên thế giới.
Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) coi đây là một “thành quả lịch sử”. Hiện nay ước tính có 9,8 triệu người tản cư nội địa ở châu Phi. Hầu hết phải bỏ nhà ra đi vì nạn đói, chiến tranh và các cuộc xung đột tàn bạo khác ở các nước như Congo, Burundi, Kenya,… Ở Uganda cho tới gần đây vẫn còn hàng triệu người ở miền bắc đang phải sống trong các lều trại vì cuộc nổi dậy đẫm máu của tay trùm chiến tranh Joseph Kony. Hiện nay, hàng ngàn người dân ở Bờ Biển Ngà vẫn phải tiếp tục tản cư vì những cuộc xung đột đất đai đang leo thang và hậu quả từ tình trạng bạo lực sau bầu cử hồi năm ngoái. Từ đầu năm 2012 tới nay có ít nhất 24.000 người tản cư. Ngoài ra có từ 40.000 – 80.000 người vẫn còn phải sống cảnh tản cư do xung đột bạo lực năm ngoái vốn kéo dài 4 tháng giết chết ít nhất 3.000 người. Vào lúc đỉnh điểm hồi năm 2011, có tới 1 triệu người Bờ Biển Ngà phải tản cư.
Theo Trung tâm Giám sát Di dân Nội địa (IDMC) thuộc Hội đồng NRC của Na Uy, số lượng người tản cư bên trong nước mình ở châu Phi đông gấp 4 lần số người được coi là dân tị nạn. Nhưng khác với người tị nạn, những người tản cư này không có được quy chế đặc biệt theo luật pháp quốc tế, vì thế, họ chịu nhiều thiệt thòi. Kim Mancini thuộc IDMC cho biết định nghĩa về dân tản cư nội địa đã được mở rộng: dó là những người bị buộc phải bỏ nhà ra đi lánh nạn nơi khác vì thiên tai (như lũ lụt, hạn hán), vì các dự án phát triển như (xây đập, khai thác rừng), cũng như bởi các cuộc chiến tranh, xung đột và bạo lực. Với sự ra đời của một hiệp định như của AU, lần đầu tiên người tản cư nội địa có được quy chế hợp pháp quốc tế.
Mặc dù đã đủ số lượng nước phê chuẩn để có hiệu lực thi hành, hiệp định về người tản cư nội địa châu Phi này trên thực tế vẫn cần được thêm nhiều nước nữa phê chuẩn để tăng thêm tính khả thi. Cho tới nay, trong số 53 nước châu Phi, ngoài 15 nước đã phê chuẩn, còn có 37 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn.
Các nhà quan sát nói rằng kinh nghiệm của châu Phi cũng có giá trị toàn cầu. Hiện nay, vấn nạn người tản cư trong nước với nhiều nguyên nhân khác nhau, cả thiên tai lẫn nhân tai, vẫn làm đau đầu nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như ở những nước đang xảy ra bạo lực như Mexico, Afghanistan, Pakistan,…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 11-12-2012)
Trại tản cư ở Eldoret (Kenya). (AP Photo/Ben Curtis, File).
Một trại tản cư dựng trong khuôn viên trường tiểu học Noigam ở làng Kachibora (Kenya). (AP Photo/Ben Curtis, File)
Chị Grace và đứa con gái 1 tuổi Ruth Wanjiru đang chuẩn bị rời khỏi xe tải xuống một trại tản cư dựng trên khu đất của nhà thờ ở Eldoret (Kenya). (AP Photo/Ben Curtis, File)
Ảnh chụp ngày 30-11-2012 tạitrại tản cư Sigale ở Mogadishu (Somalia). (AP Photo/Farah Abdi Warsameh)
Trại tản cư Mugunga gần thành phố Goma (CHDC Congo) có tới 45.000 người tản cư. Ảnh chụp ngày 21-11-2012. (REUTERS/James Akena)
VIDEO: Life in an IDP Camp
VIDEO: Kenya IDP Camps.
VIDEO: Life in Agoro IDP camp Northern Uganda.