Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Giấc mơ về một thế giới không còn chiến tranh


Trong đêm Noel, khắp thế giới vang lên câu Thánh ca quen thuộc “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nhưng cho tới nay, sau hơn 2.000 năm kể từ khi xuất hiện lời ca ấy, bình an – hòa bình vẫn còn là nỗi khát vọng triền miên của nhân loại. Điều nghiệt ngã là Trái đất vẫn chưa một ngày bình an không phải lỗi bởi đấng Tối cao, mà do chính con người. Lúc này lúc nọ, ở nơi này nơi khác, vẫn còn có những kẻ đang gây ra chiến tranh hay chí ít là rắp ranh gây xung đột.

John Dear, một nhà hoạt động vì hòa bình, đã giựt tít một bài viết của mình trong dịp Giáng sinh 2012 là: “Christmas ‘Peace on Earth’ Means ‘No More War” (Giáng sinh, “hòa bình trên Trái đất” có nghĩa là “không còn chiến tranh”). Trước Noel khoảng một tuần, anh đã thực hiện một sứ mạng hòa bình tới Afghanistan và đã tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khổ, chiến tranh, sự thống trị của những ông trùm chiến tranh và bộ tộc, và môi trường bị tàn phá. Trong vài thập niên qua, 2 triệu người đã bị giết chết ở đó vì chiến tranh. Giữa lúc công chúng Mỹ vẫn đang còn bị sốc bởi vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut (Hoa Kỳ) khi 26 nạn nhân (trong đó có 20 trẻ em 6 và 7 tuổi) bị một gã 20 tuổi xả súng bắn chết, John đã đưa ra số liệu: Trong năm 2012, Mỹ đã tiến hành hơn 330 vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Afghanistan, tuy tiêu diệt được nhiều tên khủng bố, trong đó có những tên chỉ huy khét tiếng, nhưng đồng thời cũng giết chết không ít thường dân vô tội. Có hơn 1.700 trẻ em Afghanistan đã bị chết hay bị thương vì những phi vụ đó, có nghĩa là nhiều gấp 85 lần số thương vong trong vụ thảm sát ngày 14-12-2012 ở Mỹ.

Mọi người phải cùng chung tay thì mới có thể bảo vệ được Trái đất khỏi bị hủy diệt bởi chiến tranh. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Vào những ngày cuối cùng của năm 2012 này, tiếng súng vẫn đang vang lên và những thân người vẫn tiếp tục ngã xuống trên khắp các châu lục. Bạn chỉ cần ngồi trước truyền hình xem các bản tin thời sự quốc tế hay lên Internet đọc các trang thông tin thời sự, bạn sẽ phải choáng ngợp với những hình ảnh bạo lực, chết chóc. Những địa danh như Syria, Afghanistan, Pakistan, Mexico, Mali,…lâu nay vẫn lặp đi lặp lại tới ám ảnh.

Ở Syria, cuộc chiến ngày càng leo thang giữa quân đội trung thành với Tổng thống Bashar Assad và lực lượng nổi dậy chống ông này đã kéo dài suốt từ tháng 3-2011 tới nay, giết chết hơn 40.000 người. Có tin cho biết, hôm Chủ nhật 23-12-2012, quân đội đã không kích nhầm vào một tiệm bánh ở thị trấn Halfaya giết chết hàng chục người đang xếp hàng chờ mua bánh mì. Nhều người khác đã bị thương. Halfaya đã rơi vào tay quân nổi dậy trước đó một tuần. Nếu tin này được xác nhận, đây là sẽ là một trong các vụ không kích đẫm máu nhất ở Syria.

Ngày 26-12, liên minh phiến quân Seleka ở Cộng hòa Trung Phi (CAR) đã kêu gọi quân chính phủ hạ vũ khí đầu hàng sau khi đánh chiếm 4 thành phố quan trọng chỉ trong vòng hơn nửa tháng. Chính phủ của Tổng thống Francois Bozize như chỉ treo mành. Ngày 24-12, phiến quân đã tiến chiếm được thành phố Kaga-Bandoro, thủ phủ khu vực thứ tư mà họ chiếm được kể từ khi mở cuộc tổng tấn công từ ngày 10-12-2012. Họ tuyên bố vì lý do an ninh và để bảo vệ dân thường, họ chưa có kế hoạch tiến chiếm thủ đô Bangui vốn đã bị áp sát.

Ngày 25-12-2012, quân đội Yemen đã mở cuộc tấn công chống lại các tay súng bộ tộc bị tình nghi phá hoại đường ống dẫn dầu ở miền đông nước này. Theo nguồn tin của phe bộ tộc, cuộc đụng độ ở thung lũng Habab thuộc tỉnh Marib này đã giết chết 10 tay súng bộ tộc và 7 binh lính.

Tin từ Afghanistan ngày 25-12-2012 cho biết: có thêm 28 phiến quân Taliban và hệ thống khủng bố Haqqani đã bị tiêu diệt trong hàng loạt cuộc hành quân của liên quân NATO và quân đội Afghanistan tại các tỉnh Kandahar, Logar, Ghazni, Sar-i-Pul và Nangarhar.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Trang tin điện tử Wars in the World ngày 27-12-2012 liệt kê các cuộc chiến tranh và xung đột đang diễn ra trên thế giới, như: châu Phi (24 nước với 108 lực lượng tham chiến), châu Á (15 nước với 89 bên tham gia), châu Âu (8 nước với 57 bên), Trung Đông (8 nước với 92 bên), châu Mỹ (5 nước với 24 phe). Tổng cộng có 369 lực lượng là phiến quân, quân ly khai, bộ tộc,… đang tham chiến trong những cuộc chiến tranh và xung đột ở 60 nước trên thế giới. Xin lưu ý, toàn cầu hiện có 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc (Bộ Ngoại giao Mỹ công nhận 195 nước độc lập).

Chiến tranh và xung đột không chỉ gây nên những thương vong trước mắt mà còn để lại những hậu quả lâu dài mà chắc chắn tiếp tục gây chết chóc cho nhiều người tưởng rằng đã thoát khỏi hòn tên mũi đạn. Chiến tranh tàn phá đất nước, đẩy người dân vào cảnh cùng cực, mất nhà cửa, mất khả năng sinh sống. Một trong những hậu quả dễ thấy nhất của chiến tranh là đói khát và dịch bệnh.

Loài người vừa hồi hộp trải qua thêm một lần “tận thế hụt” (tin đồn là ngày 21-12-2012, dựa theo lịch Maya). Thực tế thì mặc dù “tận thế” chung của cả nhân loại chưa xảy ra, nhưng có những cộng đồng, những địa phương trên hành tính đã phải gánh chịu “tận thế”  của riêng mình bởi bom đạn chiến tranh. Đó chính là những “tận thế” do chính con người gây ra cho mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-12-2012)

 VIDEO CLIPS

War/No More Trouble | Playing for Change | Song Around The World