Năm mới, an ninh và an toàn vẫn là một thách thức toàn cầu
Trong khi cả thế giới đã nô nức và vui mừng với vô số hoạt động chào đón năm mới 2013, các bản tin thời sự quốc tế trong ngày đầu tiên của năm mới lại đầy những tin buồn – bạo lực và chết chóc xảy ra nhiều nơi. Nó cho thấy rõ một sự thật là an ninh và an toàn vẫn tiếp tục là một thách thức trên quy mô toàn cầu.
Thảm kịch lớn nhất đã xảy ra ở Bờ Biển Ngà. Có ít nhất 61 người chết khi xảy ra vụ giẫm đạp nhau sau cuộc bắn pháo hoa giao thừa tại sân vận động Felix Houphouet-Boigny ở thành phố Abidjan. Sở cứu hỏa thành phố cho biết còn có 49 người bị thương phải nhập viện. Khu vực sân vận động ngổn ngang giày dép.
Nhiều nhân chứng cho biết cảnh sát đã đến để kiểm soát đám đông bên ngoài sân vận động sau khi xảy ra vụ dân chúng rượt đuổi một kẻ móc túi. Nhưng chẳng biết vì sao sau đó lại gây ra tình trạng hốt hoảng khiến đám đông chen lấn nhau tháo chạy để giẫm đạp lên nhau. Tin mới đây cho biết người ta đổ lỗi cho những cái rào chắn khiến đám đông bị dồn ứ và vấp ngã.
Tổng thống Alassane Ouattara đã gọi đây là một thảm kịch quốc gia và ra lệnh điều tra về sự cố chết chóc này. Sau khi tới bệnh viện, thăm những người bị thương, ông nói mình muốn tìm ra nguyên nhân để bảo đảm không bao giờ lặp lại thảm kịch như vậy nữa.
Bờ Biển Ngà vốn là một trung tâm kinh tế ổn định ở Tây Phi hiện đang nỗ lực để phục hồi sau cuộc nội chiến năm 2011 làm hơn 3.000 người chết. Lực lượng an ninh Bờ Biển Ngà cũng từng được đánh giá là được huấn luyện tốt nhất khu vực này, nhưng sau một thập niên bất ổn chính trị và cuộc nội chiến năm 2011 đã khiến họ bị hoang mang. Hồi năm 2009, một vụ giẫm đạp đã xảy ra trong một trận bóng đá tại một sân vận động ở Abidjan giết chết ít nhất 18 người.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls ngày 1-1-2013 cho biết: có 1.193 chiếc xe ôtô đã bị những người đi dự lễ hội đốt cháy trong đêm giao thừa vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua, chính quyền Pháp công bố số liệu đáng buồn này. Chính phủ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trước đây đã quyết định không công bố những số liệu như thế vì lo ngại sẽ kích thích đám đông hành động nhiều hơn. Bruno Beschizza, thư ký quốc gia về các vấn đề an ninh của đảng UMP, cho biết có những cuộc thi đua đốt xe ở các khu ngoại ô, các băng nhóm đối thủ cạnh tranh nhau về số lượng xe đốt được, chúng công bố đầy trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter,… Đêm giao thừa năm nào ở Pháp cũng có hàng trăm chiếc xe ôtô không có người đậu ven đường bị những thanh niên đi chơi lễ hội phóng hỏa. Giao thừa năm 2010 có tới 1.147 chiếc xe bị đốt.
Từ nhiều năm nay, việc phóng hỏa xe ở Pháp còn là một hành động của những người chống đối, những đám đông bạo động. Mùa thu 2005, khi giới trẻ Pháp bất mãn trước các dự án nhà cửa của chính phủ, cảnh sát ghi nhận có 8.810 chiếc xe bị phóng hỏa chỉ trong chưa tới 3 tuần lễ. Cũng giống như nhiều nước khác, đốt xe ở Pháp còn là do những băng nhóm tội phạm muốn phi tang dấu vết hay bởi những người muốn ăn tiền bảo hiểm giả mạo. Nạn phóng hỏa xe thường xảy ra ở các khu ngoại ô của dân nghèo.
Tại thủ đô Luanda (Angola), 10 người chết và 120 người bị thương trong một vụ chen lấn vào cổng một sân vận động quá tải để dự nghi thức canh thức đón giao thừa vào đêm 31-12-2012. Giáo hội Hoàn vũ Vương quốc Chúa trời (IURD) đã tổ chức đêm canh thức này tại sân vận động Cidadela Desportiva với dự kiến có 70.000 người dự. Nhưng số lượng đã vượt quá xa.
Ở thành phố cảng Karachi (Pakistan) ngày 1-1-2013 đã xảy ra một vụ đánh bom bằng xe gắn máy tại một khu đông người giết chết ít nhất 2 người và làm 50 người bị thương. Cũng trong ngày đầu năm, tại tỉnh Swabi (tây bắc Pakistan), một nhóm tay súng đi trên những chiếc xe gắn máy đã xả súng bắn vào một chiếc xe van chở nhân viên của một trung tâm cộng đồng, giết chết 5 nữ giáo viên và 2 nhân viên y tế.
Đám tang một nữ nhân viên y tế bị bắn chết tại Swabi (Pakistan) ngày 1-1-2013. (AP Photo/Mohammad Sajjad)
Kết thúc năm 2012 và mở đầu năm 2013 thế giới vẫn phải đối mặt với những bất an, bất trắc.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 3-1-2013)