Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

Tôi viết báo Ấp Bắc

 

Tôi viết cho báo Ấp Bắc từ rất lâu rồi. Ban đầu thì xuân thu nhị kỳ vào những dịp báo ra số đặc biệt: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, 30-4,… Và từ khi báo bắt đầu tăng kỳ, vào năm 2006-2007, tôi bắt đầu có mặt hàng tuần trên trang quốc tế.

Cơ duyên nào cho tôi đến với báo Ấp Bắc khi tôi lớn lên ở Mộc Hóa rồi Long An và sau này sinh sống tại Saigon?

Trước 1975, tỉnh nhỏ biên giới Kiến Tường (nay là huyện Mộc Hóa của Long An) giống như một tỉnh vệ tinh của tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang). Nhiều hoạt động ở tỉnh này do Mỹ Tho phụ trách. Thời trường Trung học Công lập Kiến Tường chưa có lớp đệ Nhất (lớp 12), sau khi học xong đệ Nhị (lớp 11), học trò chúng tôi phải lên Mỹ Tho học tiếp. Thi Tú tài 1, Tú tài 2 rồi sau này là Tú tài toàn phần, tụi tôi cũng thi ở hội đồng Mỹ Tho. Tết đến, các bạn học sinh của các trường trung học Cai Lậy, Mỹ Tho,… đi xe đò vô trường Kiến Tường bán giai phẩm Xuân. Các đoàn thể thanh thiếu niên, tôn giáo cũng do Mỹ Tho cai quản. Thí dụ Liên đoàn Hướng đạo Việt Nam Kiến Tường thuộc Đạo Định Tường. Từ Kiến Tường ra “thế giới” bên ngoài chỉ có độc đạo đi ngang qua Mỹ Phước Tây và Cai Lậy của Định Tường.

PHP (bìa phải) trong lễ kỷ niệm 50 năm báo Ấp Bắc tại Mỹ Tho ngày 11-1-2013. Ngồi cạnh là anh Hồ Nguyễn (một nhà báo thể thao kỳ cựu, nguyên phóng viên thế thao báo Saigon Giải phóng). Kế đó là bạn Phạm Quang (phóng viên báo Bóng đá, con rể anh Hồ Nguyễn). Bìa trái là anh Công (thân phụ của Quang).

Lằng nhằng dây mơ rễ má như vậy để cho thấy tuy không phải người sinh sống ở Tiền Giang, tôi cũng đã có căn duyên với tỉnh “địa đầu miền Tây Nam bộ” này từ lâu rất lâu rồi. (Tôi không gọi Long An là tỉnh “địa đầu miền Tây Nam bộ” vì tỉnh này thực chất là một vùng đệm giữa Saigon và Đồng bằng sông Cữu Long, giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ.)

Hồi còn làm ở báo Long An, lúc đó chưa có Tỉnh lộ 49 (giờ là Quốc lộ 62), những khi đi công tác Mộc Hóa – Vĩnh Hưng mà lỡ chuyến, tôi thường tót xuống Mỹ Tho ngủ chờ sáng hôm sau đi chuyến xe sớm nhất về Mộc Hóa.

Có lần buồn tình, muốn thay đổi môi trường làm việc, tôi tính xin chuyển về báo Ấp Bắc. Gặp tôi tại tòa soạn, anh Đức Lập (hồi đó làm công việc thư ký tòa soạn, nay là Phó Tổng biên tập báo Ấp Bắc) nói: “Tỉnh quy định chỉ nhận người có hộ khẩu Tiền Giang thôi ông ơi.”

Thiệt tình mà nói, tôi thật sự gắn bó và gắn bó dài hơi với báo Ấp Bắc là thông qua anh bạn Đức Lập.

PHP và Đức Lập (bên phải) trong lễ kỷ niệm 50 năm báo Ấp Bắc tại Mỹ Tho ngày 11-1-2013.

Đức Lập và tôi đồng trang lứa, làm báo cùng thời với nhau và có giai đoạn cùng làm nhiệm vụ như nhau là mỗi tuần ôm mớ bản thảo chạy lên Saigon in báo, thức trắng đêm đọc bông, sửa lỗi mo-rát để kịp in báo sáng sớm chở về tỉnh phát hành.

Cộng tác với báo Ấp Bắc nói chung và anh Đức Lập nói riêng, tôi thấy sướng. Không phải chỉ vì hai anh em cùng trang lứa, mà còn ở chỗ anh Đức Lập làm báo có nghề và nhiều tâm huyết với nghề (tôi không dùng chữ với chức vụ). Anh không chỉ là người viết báo (mà thật ra từ lâu rồi, với chức trách của mình, anh ít khi viết), mà thật sự là một người làm báo. Với sự chung sức của các anh chị em đồng sự, anh đã làm cho báo Ấp Bắc có bản sắc khá là riêng. Vì thế, Ấp Bắc vẫn là một trong không nhiều tờ báo tỉnh “đọc được”. Và đó cũng là một lý do mà cho tới nay tôi vẫn “chung thủy” cùng báo.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm báo Ấp Bắc tại Mỹ Tho ngày 11-1-2013. Từ trái qua: Anh Hà (Hội Môtô thể thao TP.HCM), chị Bạch Vân (nguyên Tổng biên tập báo Ấp Bắc), PHP và anh Hồ Nguyễn.

Trên trang báo Ấp Bắc, qua chuyên mục “Thế giới hôm nay”, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những thông tin và cái nhìn về thế giới mà mình đang sống chung. Tôi cố gắng chọn những đề tài tương đối nhẹ nhàng, cung cấp những thông tin hữu ích, nhất là về những sự kiện đang diễn ra và được nhiều người quan tâm. Từ thế giới liên lập, không ai có thể sống riêng rẽ hay tự cô lập mình, nay ta phát triển lên sống trong thế giới phẳng, không còn biên giới cách ngăn. Tiền Giang giờ đây không phải chỉ đơn thuần là một tỉnh của Việt Nam mà còn là một tỉnh của toàn cầu. Người Tiền Giang vì thế cũng đã trở thành “công dân toàn cầu” đường hoàng đĩnh đạc như hơn 7 tỷ con người khác đang sống trên hành tinh.

PHP và anh Hồ Nguyễn (bìa trái) trong lễ kỷ niệm 50 năm báo Ấp Bắc tại Mỹ Tho ngày 11-1-2013.

Là một người từng làm báo tỉnh, báo thành, báo ngành. báo nghề, báo cả nước,… tôi có thể nói chắc rằng làm báo tỉnh vừa dễ nhất mà cũng vừa khó nhất. Làm báo dễ nhất khi chấp nhận làm một tờ thông tin của tỉnh. Làm báo khó nhất là khi muốn làm một tờ báo ở tỉnh.

Nói thêm một chút cho vui. Báo Ấp Bắc có lẽ là một tờ báo của cấp thấp nhất trong làng báo ở Việt Nam. Đâu phải ai cũng biết Ấp Bắc là một địa danh lịch sử cách mạng. Vì thế, ngó cái măng-sết của báo, người ngoài tỉnh có khi ngạc nhiên: “Tới một cái ấp mà cũng ra báo sao ta?”

Nếu ngày 21-12-2012 mà không “tận thế” như lời đồn thổi toàn cầu, tôi vẫn sẽ còn viết cho báo Ấp Bắc dài dài… cho tới khi nào các anh em trong ban biên tập khều nhẹ: “Thôi, cám ơn ông…”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-12-2012)

 

+ MỜI ĐỌC THÊM: Tờ báo 50 năm. tình bạn 30 năm.