Xuân hồng hay xuân tím?
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.” Trong bài thơ “Vội vàng” (xuất hiện năm 1938), thi sĩ Xuân Diệu dâng tràn cảm xúc tới mức muốn “xơi tái” cả nàng xuân. Cũng năm đó, thi sĩ Huyền Kiêu trong bài thơ “Tình sầu” rất điệu đàng và điệu nghệ dẫn dụ bằng câu: “Xuân hồng có chàng tới hỏi…”
Có lẽ từ cái tứ xuân hồng đó mà Tết Quý Tị năm nay, dọc theo con đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành tới trước Thương xá Tax, người ta trang trí vô số những bông hoa màu hồng ngả tím. Thú thật tôi chẳng rõ đó là loài hoa gì.
Chỉ có điều tôi đâm ra bần thần vì cái màu hồng ngả tím đó. Màu hồng vốn là một trong những màu đầy “tế nhị” (thường thì người ta gọi là “tinh tế”) mà nếu pha đúng tông màu sẽ rất đẹp – tươi trẻ, yêu đời. Nhưng hơi quá tay cho nó ngả sang màu tím thì lại nhuộm màu tím “cả chiều hoang biền biệt”. Đó là cảm giác mà tôi có khi đi dọc theo đường Lê Lợi vào gần giữa trưa nay – nghĩa là giữa lúc trời nắng vàng hực. Tôi đâm ra phân vân đây là “xuân hồng” hay “xuân tím”? Chỉ biết rõ một điều là cả con đường Lê Lợi bị nhận chìm trong nỗi buồn man mác, chẳng có một chút gì sắc màu mùa xuân. Hy vọng đó chỉ là tại thị giác của tôi sau một năm vùng vẫy, chòi đạp trên chợ đời nên có vấn đề. Chớ ai mà lại mần như vậy với Tết Việt nè!
Từ xưa tới nay, mùa xuân ở phương Nam vẫn chỉ có hai màu chủ đạo là vàng (của hoa mai và… vàng 9999) và đỏ “hoạnh tài” (sắc pháo, phong bao lì xì, liễn đối,…). Sự hòa hợp của màu “sang trọng” (vàng) và màu “hoạnh tài” (đỏ) luôn đem lại cảm giác thân quen, gần gũi, an tâm cho hy vọng một năm mới may mắn và thịnh đạt. Và “chúa hoa xuân” cho dù vật đổi sao dời vẫn luôn là hoa mai vàng. Tết phương Nam không thể thiếu hình dáng hoa mai. Và hễ nhìn thấy hoa mai là biết Tết đã tới trước ngõ rồi.
Nếu không có những trang trí đậm nét Tết Việt với 2 màu vàng và đỏ ở mặt tiền Thương xá Tax thì tôi chớ hề nghĩ rằng đường Lê Lợi được trang hoàng để đón xuân.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 31-1-2013)