Thứ Tư ngày 30 tháng 10 năm 2024

Bi kịch từ… cái quần

 

Sáng nay đọc trên báo Tuổi Trẻ một cái tin ngắn tuy mang tính cảnh báo “cao độ” và rút kinh nghiệm “sâu sắc”, nhưng tôi vẫn không khỏi thấy ngồ ngộ và lăn tăn.

Tin rằng: khuya 25-2-2012, tại khu vực bờ kè ở phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết), một đôi nam nữ đang “tâm sự trên mức tình cảm” thì phát hiện thấy kẻ trộm đang lấy 2 chiếc quần dài mà mình cẩn thận vắt trên bờ kè, họ tri hô lên, nhưng ở đó quá vắng vẻ và trong tình trạng Adam – Eva, họ đành bất lực nhìn tên trộm bỏ chạy. Chàng trai bò theo bờ kè và may mắn tìm được cái quần ngắn mà tên trộm quẳng lại. Còn cô gái phải nhờ dân địa phương cho đồ mặc tạm. Chàng trai khai với công an là trong túi quần có giấy tờ tùy thân, giấy xe, và 5 triệu đồng. Cô gái thì chỉ có vài chục ngàn.

Điều đáng nói họ không phải là những nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của những vụ tương tự. Những vụ trấn lột những đôi trai gái đang tâm tình xảy ra hà rầm từ trên cao nguyên xuống tới đồng bằng, từ thành thị tới thôn quê.

Giàng ơi, nghĩ cũng nghiệt ngã và gian nguy cho những người yêu nhau mà không có nơi chốn tâm sự ‘thỏa đáng”. Trai gái tâm sự thường phải tìm nơi nào càng vắng vẻ, càng tối càng tốt – theo đúng chiến thuật “địch không thấy ta, ta không bị địch phát hiện”. Tuy nhiên, đó lại là nơi “địa lợi” của những kẻ trộm cướp.

Có trách họ mất cảnh giác và uống thuốc liều cũng đúng. Nhưng trên đời này chẳng có gì mạnh mẽ và gây mụ mị đầu óc bằng tình yêu. Cũng không thể “kêu gọi” những kẻ trộm cướp mần ơn né tránh những vụ việc “nhạy cảm” và “tế nhị” như vậy, bởi bản chất của chúng là “để kín thì rình, để hở thì rinh”.

Thiệt ra, nguồn gốc gây ra những vụ “tâm sự” không an toàn (tôi không dùng từ “đúng nơi, đúng chỗ” vì khi “máu yêu đã sôi lên sùng sục như núi lửa” thì nơi nào chẳng là “thiên đường tình ái”) chính là thảm trạng các đôi tình nhân không có nơi chốn để tâm tình. Khi tình yêu đạt tới “đỉnh cao thời đại”, người ta có nhu cầu “riêng tư”. Ngay cả những “thao tác” đơn giản và phải có của những đôi tình nhân như cho nhau mượn tay, khám “tai mũi họng” cho nhau là chuyện bình thường ở phương Tây, nhưng là điều cấm kị (taboo) ở phương Đông mình. Trong khi đó, đâu phải ai cũng có điều kiện để vào nhà trọ, khách sạn mà tìm chốn riêng tư.

Tôi còn nhớ hồi thời bao cấp sống tại Tân An, những đám ruộng mới cắt còn trơ gốc rạ ở xã Khánh Hậu (ven Quốc lộ 1A) chung quanh hai trường cao đẳng và trung học sư phạm được nhiều đôi tình nhân sinh viên tận dụng làm nơi tâm tình lúc đêm về. Hồi đó ai yêu nhau thì phải tậu một tấm vải nhựa áo mưa thủ sẵn trong túi xách làm “nền tảng tình yêu”.  

Có một lần hồi cuối thập niên 1990, về công tác tại huyện Vĩnh Hưng, gần nửa đêm tôi được mấy anh bạn ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện khều dậy hỏi có muốn đi “soi ếch” không. Tôi ngạc nhiên vì bữa đó trời đâu có mưa mà ếch chun ra. Mấy bạn nói là “ếch da trắng”, rồi giải thích đó là những đôi trai gái rủ nhau ra ruộng tâm sự. Tất nhiên là tôi lấy cớ buồn ngủ (có lẽ hồi đó chủ yếu tôi sợ có “huông”, biết đâu mai kia mốt nọ chẳng tới phiên mình – trai mới 20 thôi mà). Những năm đó, quy định nghiêm khắc lắm, những vụ như vậy bị coi là “quan hệ nam nữ bất chính”, dễ bị công an bắt nhốt.

Mà đâu phải chỉ có ở xứ ta.

Ấn Độ là nước đông dân thứ hai trên hành tinh (hơn 1,2 tỷ người). Có những thành thị người đông như nêm cối. Chẳng hạn tại thành phố Mumbai (tên cũ là Bombay), nhà cửa chật chội, thường tam đại đồng đường nhiều thế hệ chen chúc nhau sống dưới một mái nhà. Trai gái yêu nhau bức bách cái chuyện “giao lưu tình cảm”. Ngay cả không ít đôi vợ chồng mỗi khi có nhu cầu thực hiện “nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả” phải đi thuê nhà trọ.

Năm ngoái, trong một lần qua Singapore, tôi trú ở một khách sạn nhỏ trong khu Mustafa Center. Lúc đang làm thủ tục check-in, tôi gặp một đôi nam nữ gốc Ấn tuổi dưới 20 vô thuê phòng. Khi nghe nhân viên tiếp tân báo giá là 50 đôla SGP, chàng trai móc bóp đếm tiền, mặt thất vọng nói rằng chỉ có 40 đôla, rồi cả hai đi ra như bong bóng xì hơi. Lúc ấy, tôi quá bất ngờ, sau đó ân hận vì sao không tặng cho đôi nam nữ ấy 10 đôla? Chỉ tốn 10 đôla SGP (170.000 đồng, trị giá gần 2 bữa ăn của tôi ở SGP) mà đem lại hạnh phúc cho một đôi tình nhân thì đâu có đắt?

Còn bây giờ tôi “the end” ở đây để search trên Internet coi có loại quần nào có thiết kế “multi-purpose” cực kỳ tiện dụng hay không? Nếu chưa, thì sẵn đây tôi xin bố cáo đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp của “PHP’s multi-purpose trousers” nghen.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-2-2013)