Chủ nhật ngày 05 tháng 1 năm 2025

Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela từ trần

 

 

Cho dù luôn coi mình là một “chiến binh” (fighter), dạn dày kinh nghiệm trận mạc từ chiến trường cho tới chính trường, Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela cuối cùng cũng đành gục ngã trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.

Ông Chavez qua đời lúc 4g25ph giờ địa phương ngày 5-3-2013 tại thủ đô Caracas sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông mất khi mới 58 tuổi.

Ông Chavez tự nhận mình là một “người lính khiêm tốn” trong cuộc chiến cho chủ nghĩa xã hội và chống lại tham vọng bá chủ của Mỹ ở châu Mỹ Latinh. Ông cũng tự nhận mình là người kế tục nhà lãnh đạo độc lập thế kỷ 19 Simon Bolivar và vì thế chẳng bao lâu sau khi lên cầm quyền, ông đã đổi tên chính thức của nước mình thành nước cộng hòa Bolivarian Republic of Venezuela, cho dù nước này đã có một bang tên là Bolivar với thủ phủ là Ciudad Bolívar. Và trong hơn 14 năm cầm quyền (1999-2013) với 4 nhiệm kỳ, Tổng thống Chavez đã nỗ lực thực hiện hoài bão đưa Venezuela thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21.

Hugo Rafael Chavez Frias chào đời ngày 28-7-1954 tại thị trấn nông thôn Sabaneta ở vùng bình nguyên miền tây Venezuela. Ông là người con thứ hai trong số 6 anh em trai. Cha mẹ đều là giáo viên (có nguồn tin nói rằng mẹ ông gặp cha ông khi bà mới 16 tuổi). Nhưng ông được bà nội Rosa Ines nuôi dưỡng trong một ngôi nhà lợp lá cọ và vách đất.

Chavez là một tay chơi bóng chày (baseball) giỏi và hy vọng một ngày nào đó sẽ được chơi trong các giải bóng chày lớn của Mỹ. Khi gia nhập quân đội năm 17 tuổi, ông có mục đích được thể hiện tài năng bóng chày của mình tại thủ đô. Nhưng rồi giữa các nhiệm vụ trong quân ngũ, ông đã chìm vào lòng say mê và sùng bái nhà lãnh đạo độc lập Bolivar và các anh hùng dân tộc khác. những người đã đánh đổ chế độ thống trị của Tây Ban Nha. Những ý tưởng chính trị bắt đầu manh nha trong ông.

Năm 1992, Chavez đột ngột nổi tiếng khi với tư cách một chỉ huy lính nhảy dù, ông lãnh đạo một cuộc binh biến, đem xe tăng tới dinh tổng thống. Khi cuộc đảo chính bị đập tam Chavez bị tống vào nhà tù quân đội. Khi được phép ra một tuyên bố trên truyền hình, Chavez ngang nghạnh nói rằng phong trào của mình chỉ thất bại “lúc này” (for now). Chính hai chữ đó đã giúp tên tuổi và hình ảnh của Chavez đi vào bộ nhớ của người dân Venezuela.

Hai năm sau, nhờ được Tổng thống Rafael Caldera bỏ những lời buộc tội, Chavez và các thủ lĩnh đảo chính khác được trả tự do. Sau khi lập đảng chính trị mới, Chavez ứng cử tổng thống năm 1998, hứa sẽ xóa sạch tệ nạn tham nhũng và bãi bỏ chế độ 2 đảng truyền thống của nước này để mở ra thời kỳ đa đảng. Và năm mới 44 tuổi, Chavez đã trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong 40 năm dân chủ của nước này. Nhưng ông cũng chỉ được 56% số phiếu.

Ngay sau khi lên cầm quyền từ ngày 2-2-1999, Chavez đã tiến hành soạn hiến pháp mới do quốc hội gồm toàn những đồng minh của mình thực hiện. Nhiệm kỳ tổng thống cũng được nâng từ 5 năm lên 6 năm.

Năm 2002, một cuộc đảo chính nổ ra sau khi những cuộc biểu tình chống Chavez rầm rộ diễn ra trên các đường phố bị kết thúc bằng súng và máu. Một nhóm sĩ quan quân đội làm binh biến đã bắt giam Tổng thống Chavez và tuyên bố ông đã từ chức. Nhưng chỉ hai ngày sau, ông Chavez đã trở lại cầm quyền với sự trợ giúp của những người trung thành trong quân đội và giữa những cuộc biểu tình quy mô lớn của những người ủng hộ. Từ đó, Chavez càng nổi lên là một tổng thống mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Chavez có một phong cách lãnh đạo luôn sôi sùng sục, nóng bỏng, thích ăn to nói lớn. Người ta nhận xét ông là một bậc thầy về truyền thông và là một chiến lược gia chính trị lão luyện. Với các đối thủ của mình, ông chẳng hề kiêng dè từ lời ăn tiếng nói, tới hành động. Nhưng với cử tri của mình, ông là một lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa và dễ gần gũi.

Trên các hệ thống truyền thông đại chúng, ông Chavez thường biến các đối thủ chính trị trong nước thành những loài ma quỷ (demonizing). Ông thường mặc đồng phục màu đỏ sáng của đảng XHCN Thống nhất Venezuela (USPV) hoặc mặc quân phục dã chiến và đội mũ nồi đỏ của thời là một chỉ huy lính nhảy dù. Ông xuất hiện trên truyền hình quốc gia hầu như mỗi ngày, mỗi lần suốt nhiều giờ.

Người Venezuela sẽ khó quên được hình ảnh Tổng thống Chavez trên truyền hình công kích các đối thủ là những “đầu sỏ chính trị” (oligarch), quở trách các phụ tá của mình, kể chuyện khôi hài, nhắc nhớ lại thời thơ ấu của mình, hát dân ca, giảng về chủ nghĩa xã hội và đưa ra những quyết định bất ngờ, như trục xuất đại sứ Mỹ, ra lệnh cho xe tăng áp sát biên giới với Colombia.

Trên vũ đài chính trị quốc tế, ông Chavez cũng không ngần ngại gây sóng gió. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2006, ông từng gọi Tổng thống Mỹ George W. Bush là ma quỷ. Tại một cuộc họp thượng đỉnh năm 2007, ông đã nhiều lần gọi Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar là phát xít. Tới mức, theo hãng tin AP (6-3-2013), lúc đó Vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã phải gắt lên: “Sao ngài không nín lại?” (Why don’t you shut up?)

Tổng thống Chavez luôn coi nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro như một người thầy và cố vấn mà mình kính trọng. Một thần tượng khác của ông là người hùng cách mạng Ernesto “Che” Guevara. Cũng giống như Castro, ông lên án chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ trong khi hình thành các liên minh khắp châu Mỹ Latinh và với các nước ở xa như Nga, Trung Quốc, Iran.

Sau khi dễ dàng tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 12-2006, Chavez bắt đầu kêu gọi xây dựng một thế giới đa cực (multi-polar world) thoát khỏi sự thống lĩnh của Mỹ. Ông cho đẩy mạnh xuất khẩu dầu lửa sang Trung Quốc; lập các nhà máy liên doanh với Iran để chế tạo máy kéo và xe ôtô; mua từ Nga các loại vũ khí, khí tài như súng tiểu liên, trực thăng và phản lực cơ chiến đấu. Ông tập trung vào việc xây dựng các đồng minh trên khắp châu Mỹ Latinh và truyền một năng lượng mới vào cánh tả của khu vực này. Các đồng minh của ông đã thắng cử ở Bolivia, Ecuador, Argentina,… Ông thắt chặt quan hệ với các đảo quốc vùng Caribbean bằng cách bán dầu lửa cho họ với giá ưu đãi. Ông căng thẳng với Israel trong khi ủng hộ người Palestine, cũng như hậu thuẫn cho Iran trong việc đòi quyền phát triển năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Tổng thống Chavez luôn sẵn sàng cho bất cứ cuộc xung đột nào với Mỹ – mà ông gọi là “đế quốc” (empire). Ông nói mình thích bộ phim “Gladiator” (Dũng sĩ giác đấu) và ví von cần phải là “đấu sĩ” như vậy trước “đế quốc”.

Nhưng Tổng thống Chavez cũng là người thực tế. Mặc dù coi chính quyền Mỹ chẳng ra gì, nhưng ông vẫn cho xuất những sản lượng lớn dầu lửa bán sang Mỹ.

Tổng thống Chavez không chịu được việc Venezuela, nước có nguồn trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, lại là nước nghèo (thật ra GDP bình quân đầu người của đất nước Nam Mỹ 29 triệu dân này ở mức 12.500 USD). Ông đã dùng sự giàu có nhờ nguồn dầu lửa của đất nước để đem lại phúc lợi cho toàn dân. Venezuela có những chợ thực phẩm do nhà nước quản lý, có các phúc lợi cho các gia đình nghèo, các chương trình y tế và giáo dục miễn phí. Theo thống kê chính thức, tỷ lệ người nghèo ở nước này đã giảm từ 50% lúc ông Chavez lên cầm quyền đầu năm 1999 xuống còn 32% vào nửa cuối năm 2011. Trong khi những người nghèo hào hứng với những chương trình xã hội của chính phủ và phong cách dân tộc dễ gần của nhà lãnh đạo, nhiều người trong giai cấp trung lưu trở lên không hài lòng khi ông Chavez ra lệnh quốc hữu hóa những nông trại và doanh nghiệp. Những người không ủng hộ ông đã chĩa mũi dùi vào tình trạng tội phạm gia tăng (tỷ lệ giết người ở nhóm cao nhất thế giới), lạm phát nhảy vọt và khả năng điều hành kinh tế bất cập của chính phủ. Lực lượng đối lập phê phán Tổng thống Chavez đã không biết sử dụng hàng trăm tỷ USD lợi nhuận “trời cho” từ dầu lửa để phát triển nền kinh tế Venezuela.

Gần như hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp chính trị, ông Chavez ít có thời gian cho gia đình. Vì thế, chuyện gia đình của ông cũng mang tính bi kịch. Cuộc hôn nhân thứ hai của ông với nhà báo Marisabel Rodriguez đã bị làm cho xấu đi ngay trong những năm đầu tiên ông trở thành tổng thống. Họ ly hôn năm 2004 sau khi có một cô con gái tên Rosines. Ông Chavez có 3 người con trong cuộc hôn nhân đầu tiên – kết thúc trước khi ông tranh cử tổng thống. Hai cô con gái lơn Maria và Rosa thường xuất hiện bên cạnh cha trong các sự kiện chính thức và trong các chuyến công du của ông. Ông có một con trai tên Hugo Rafael Chavez.  

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hồi tháng 6-2011, ông Chavez vẫn làm việc không ngừng. Ông thức khuya và uống tới 40 ly cà phê mỗi ngày. Ông vẫn thường triệu tập các bộ trưởng tới dinh Tổng thống họp vào đêm khuya. Ngay cả khi phải xuất hiện trước công chúng với cái đầu cạo trọc vì truyền hóa chất, ông cũng không bao giờ nói nhiều về bệnh của mình. Trong cuộc vận động tái cử tổng thống năm 2012, ông cho biết các xét nghiệm mới cho thấy ông đã trị dứt bệnh ung thư, và đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Nhưng chỉ 2 tháng sau, ông đã phải sang Cuba giải phẫu lần thứ tư. Sau 10 tuần vắng bóng, ông trở về Venezuela và được tiếp tục điều trị tại một bệnh viện quân y ở Caracas. Từ đó, ông không xuất hiện trước công chúng cho tới khi qua đời.

Ba ngày trước cuộc giải phẫu cuối cùng, ông Chavez đã chỉ định Phó Tổng thống Nicolas Maduro là người kế nhiệm mình nếu như tình huống xấu nhất xảy ra. Ông này sẽ là Tổng thống tạm quyền và là ứng cử viên của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày tới.

Venezuela tổ chức quốc tang cố Tổng thống Chavez trong 7 ngày, và các trường học sẽ nghỉ học suốt một tuần. Lễ tang của ông sẽ được cử hàng ngày thứ Sáu 8-3-2013.

Giới bình luận quốc tế nhận định: ông Chavez là một hiện tượng “một người”. Vì thế, người ta không biết liệu phong trào Chavismo còn có thể được duy trì ở Venezuela hay không? Trong suốt những năm ông Chavez rực sáng hào quang, người ta chjỉ thấy có ông ở Venezuela chứ chưa thấy ai khác có khả năng làm được những điều như ông từng làm.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-3-2013)

 

Tổng thống Hugo Chavez trong một cuộc họp báo tại Caracas ngày 12-10-2012. Phía sau ông là ảnh chân dung anh hùng dân tộc Simon Bolivar.

Quyền Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc họp tại Dinh Tổng thống Miraflores ngày 5-3-2013 với các bộ trưởng hàng đầu, tư lệnh quân đội và toàn bộ 20 thống đốc trung thành. Ngồi bên cạnh ông là Thống đốc Adan Chavez, anh của cố Tổng thống Hugo Chavez. (AP Photos)

Thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles, Thống đốc bang Miranda tại Caracas ngày 14-2-2013.(Reuters)

Một phụ nữ Venezuela ngày 20-2-2013 đứng trong một quán ăn có dán poster hình ảnh Tổng thống Hugo Chavez. (Reuters)

Một người ủng hộ Tổng thống Hugo Chavez trước bệnh viện quân y tại Caracas, nơi Tổng thống Venezuela nằm điều trị sau khi trở về từ Cuba. (Reuters).

Tổng thống Hugo Chavez bên Đệ nhất Phu nhân Marisabel tại Caracas ngày 4-2-1999 khi ông mới tuyên thệ nhậm chức.

Tổng thống Hugo Chavez và hai cô con gái lớn Rosa Virginia (trái) và Maria Gabriela ngày 7-3-2012.

Tổng thống Hugo Chavez và hai cô con gái  Maria Gabriela (trái) và Rosines ngày 7-3-2012.

Tổng thống Hugo Chavez và gia đình tại Havana (Cuba) ngày 12-3-2012. Con gái Rosa (bìa trái), Maria (thứ ba, từ trái) và con trai Hugo Rafael Jr (đứng sau cha).

Tổng thống Hugo Chavez và 2 người con gái khi ông lâm trọng bệnh. Maria Gabriela (trái) và Rosa Virginia (AP Photo/Miraflores Presidential Press Office).

 

VIDEO CLIPS


Hugo Chavez Venezuela President Dead