Thứ Hai ngày 16 tháng 9 năm 2024

Hà Nội trên xe nhìn xuống

 

Những hình ảnh này rõ ràng chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”, là một cái nhìn thoáng qua cảnh sống ở thủ đô Hà Nội từ một người phương xa đang ngồi trên xe bus chạy qua một số con đường. Vì thế, chúng chỉ có thể giúp cho người Hà Nội đang ở xa thêm một cái cớ để nhớ cố hương; cũng như giúp những người không phải dân Hà Nội có một số ý niệm về thủ đô của Việt Nam.

Dọc trên những con đường ở khu phố cổ của Hà Nội, bạn có thể thấy những con ngõ nhỏ xíu xiu, chỉ vừa lọt một người đi xe đạp. Nó dẫn từ mặt phố vào những ngôi nhà phía trong, nằm phía sau những ngôi nhà mặt tiền. Như con ngõ 14 phố Ngõ Gạch hẹp tới mức chỉ lọt một chiếc xe đạp, nhưng ở cuối ngõ bên trong lại có tới hơn 100 hộ dân sinh sống.

Ở Hà Nội, ngoài loại hình địa danh là “ngõ” (hẽm ở trong nam), còn có “ngách” là ngõ của… một ngõ, tương đương với thêm cái xuyệc số nhà thứ hai ở miền nam). Chẳng hạn như số nhà 12/13/14 đường Nguyễn Trãi ở Saigon sẽ trở thành số nhà 14 ngách 13 ngõ 12 phố Nguyễn Trãi ở Hà Nội.

Hà Nội có món lẩu cháo, lẩu chim, lẩu sườn sụn, chắc chắn nghe rất xa lạ với người Saigon.

Công nhân vệ sinh ở thủ đô thu gom rác bằng những chiếc xe đẩy có hình dạng cũ kỹ như xe cải tiến.

Nếu từng rất ấn tượng với mạng cáp viễn thông chằng chịt như mắc võng hay lưới nhện ở các thành phố, bạn có lẽ sẽ “ngập tràn cảm xúc” trước một “cây dây cáp” trên đường Trần Phú (Hà Nội). Quá chừng cáp viễn thông chạy ngầm chạy nổi bám vào một cây cột xi măng tới mức làm nó đổ nghiêng.

Phải chăng là nhà chức trách quá chu đáo hay vì lý do gì gì khác mà một số biển báo giao thông, cho dù là những biển thông dụng và sơ đẳng nhất, bên dưới ký hiệu còn được gắn thêm biển giải thích cụ thể? Nếu xét về khía cạnh ngân sách thì rõ ràng là lãng phí rồi. Kẻ ác ý thì có thể suy diễn rằng người Hà Thành “vô tư” với luật lệ tới mức phải “double-warning”!

Nhưng tôi thích các biển tên đường ỏ Hà Nội. Trên biển đó có cái logo biểu tượng Hà Nội là Khuê Văn Các cách điệu đứng cạnh bên tên phố có cỡ chữ lớn, nhìn rõ ràng. Nhờ cái logo đó mà nhìn trong ảnh, chỉ thấy tên phố là biết đó là ở Hà Nội rồi. Rất nhiều biển tên đường còn thể hiện cả tiểu sử ngắn gọn của danh nhân được chọn đặt tên đường phố đó. Quả là một bài học lịch sử trực quan vừa thú vị, vừa hiệu quả.

Ngoài ra trên đường phố Hà Nội còn có những biển chỉ đường có thể hiện cả logo hay tên của những cơ sở nằm trên đường đó. Thí dụ tấm biển chỉ đường có chỉ cả hướng đi tới khách sạn Sheraton. Thiệt là tiện cho du khách vừa biết đường đi, vừa có mốc để định vị. Những tấm biển chỉ đường như thế, tôi từng thấy ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… Thiệt ra, thành phố có thể thu lệ phí nếu như đơn vị nào muốn được thể hiện trên biển chỉ đường; tất nhiên phải có cách làm để tránh rối rắm, quá nhiều địa điểm xuất hiện trên tấm biển làm hoa cả mắt.

Hà Nội gần đây nổi tiếng thế giới với con đường gốm sứ cặp theo bờ đê ven sông Hồng, đạt kỷ lục thế giới Guinness là bức tranh gốm dài nhất thế giới (khoảng 3,85km). Đây là công trình từ ý tưởng của nữ họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Có tới gần 30 người trong và ngoài nước tham gia thực hiện công trình này (khởi công từ tháng 10-2007 và hoàn tất tháng 10-2010). Bức tranh có tổng diện tích 6.950 mét vuông, ốp vào vách trong đê bêtông chạy từ đầu đường Trần Khánh Dư tới đường Nghi Tàm, chiều cao trung bình 1,7 mét, được chia thành 21 trường  đoạn với những đề tài khác nhau (lịch sử, văn hóa dân gian, hoa văn dân tộc, tác phẩm hội họa Việt Nam nổi tiếng,…). Công trình này mang dấu ấn của gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng – những làng gốm lâu đời của Việt Nam. Các nghệ nhân đã dùng những mảnh gốm nhỏ để ghép lại thành những tác phẩm. Do đây là một công trình xã hội hóa nên chẳng tránh khỏi tình trạng trên những đoạn tranh phải thể hiện cả logo và tên của những doanh nghiệp tài trợ. Nhưng điều đáng tiếc, đáng buồn và đáng lo nhất là sau những ồn ào lúc mới khánh thành, con đường gốm sứ Hà Nội cũng nhanh chóng bị chìm vào dĩ vãng cùng với kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Có những chỗ, bức tranh bị xử sự như một khúc đê bình thường, thậm chí người ta vô tư “xả nước” vào nó khi có nhu cầu. Không ít nơi màu sắc cũ kĩ, bị bong tróc, nứt nẻ. Khi hình thành con đường nghệ thuật này, người ta chọn vị trí đắc địa là dọc theo con đường mà du khách đi từ sân bay quốc tế Nội Bài vào thủ đô. Bây giờ, cái lợi thế đó lại trở thành nhược điểm khi những chỗ xuống cấp của bức tranh gốm sứ cứ lồ lộ ra trước mắt bá tánh năm châu bốn biển.

Đường Âu Cơ nằm trên mặt một đoạn đê hữu của sông Hồng chạy qua nội thành Hà Nội. Từ nội thành ra sân bay Nội Bài, bên tay phải là “khu ngoài đê” giáp với sông Hồng, bên tay trái là “khu trong đê”. Bên lề đường phía sông Hồng, người ta còn dựng một vách ngăn bằng bê tông mà cứ cách vài trăm mét lại có một cầu thang cho người ta lên xuống. Còn ở mé trong đê thỉnh thoảng lại có một ngôi nhà có treo biển “điếm canh đê”.

Trên đường Âu Cơ, du khách ra vào Hà Nội đi ngang qua Chợ hoa Quảng An (số 236, Âu Cơ) thuộc quận Tây Hồ. Đây là một chợ hoa lớn và bên trong có cả một siêu thị hoa.

Cầu Thăng Long nằm trên quốc lộ Nam Thăng Long bắc qua sông Hồng có chiều dài 3.115m (tính theo tầng cầu dành cho xe ôtô) và 5.503m (tính theo cầu đường sắt), rộng 21 mét với kết cấu bêtông – giàn thép, gồm 2 tầng: tầng trên cho xe ôtô, tầng dưới cho xe thô sơ và xe lửa. Cây cầu này có một lịch sử phức tạp. Ban đầu (từ 1972), nó được Trung Quốc viện trợ với các chuyên gia nước này giám sát thi công theo thiết kế giống cầu Trường Giang (Trung Quốc). Năm 1977, các chuyên gia Trung Quốc đột ngột bỏ về nước, có lẽ để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía bắc của Việt Nam năm 1979. Từ 1978, cầu Thăng Long được Liên Xô tiếp tục viện trợ và thi công. Nó chính thức hoàn thành vào năm 1985. Ở chân cầu phía Hà Nội có dựng một tượng đài ghi dấu công trình của tình hữu nghị Việt – Xô.

Khách vào ra Hà Nội sẽ nhìn thấy khu biệt thự bỏ hoang “lừng danh năm châu bốn biển” vì nằm bên cạnh trục đường Thăng Long – Nội Bài dẫn từ sân bay Nội Bài về Hà Nội. Dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế này xây nhiều năm nay, nhưng rồi bỏ hoang phế với vô số ngôi nhà chỉ mới có phần thô. Nó lồ lộ bày ra trước mắt du khách. Hỗng lẽ Hà Nội dư nhà tới mức bỏ hoang cả một cụm biệt thự? Chớ hề, rất đông người Hà Nội vẫn đang phải chen chúc trong những chung cư xuống cấp, dưới những mái nhà cấp 4 ọp ẹp trong những cái nghách chỉ một người lách đi.  

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-3-2013)

VIDEO CLIP:

Khám phá ngõ ngách Hà Nội.