Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Châu Phi và nỗi lo sản xuất nông nghiệp


Từ lâu rồi, châu Phi bị coi là châu lục nghèo khổ nhất thế giới. Tình trạng lạc hậu, nghèo đói, triền miên thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị, chiến tranh,… luôn hành hạ Lục địa Đen với hơn 1 tỷ dân.

Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của châu Phi là nạn đói. Sản xuất lương thực ở châu lục này luôn ẩn chứa nhiều bất trắc do thiên tai, đặc biệt là hạn hán kéo dài, cũng như bởi những cuộc chiến tranh hầu như chưa bao giờ dứt, kết hợp với trình độ sản xuất lạc hậu.

Theo một tường trình của CBS News hồi tháng 7-2011, vùng Sừng châu Phi (The Horn of Africa) có khoảng 40% trong tổng số dân hơn 160 triệu người đang sống ở những khu vực cực kỳ thiếu hụt lương thực. Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) ước tính rằng có 11,5 triệu người ở các nước Somalia, Ethiopia, Kenya, Djibouti và Uganda cần phải được viện trợ khẩn cấp lương thực và thuốc men chữa bệnh. Có tổng cộng 11 triệu người ở đây bị lâm vào cảnh hạn hán và thiếu lương thực.

Rõ ràng trong những năm gần đây, các nước châu Phi đã đạt được những thành quả đầy hứa hẹn trong nông nghiệp. Đó là nhờ các chương trình trợ giúp quốc tế. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới của tổ chức ONE Campaign – một tổ chức quốc tế giúp chống lại tình trạng cực nghèo và các dịch bệnh có thể phòng ngừa được – chương trình phát triển nông nghiệp của châu Phi đang bị mất cân đối khoảng 4,4 tỷ USD. Khoản thiếu hụt này cộng thêm vào số quỹ nông nghiệp 11 tỷ USD mà các nước giàu thuộc nhóm G8 đã hứa nhưng chưa giải ngân.

Năm 2013 được các chuyên gia coi là năm quan trọng cho nông nghiệp ở châu Phi vì đây là thời điểm các thỏa thuận tài trợ quốc tế và nội địa hết hạn. Báo cáo của ONE viết: “Các nhà lãnh đạo châu Phi có cơ hội để thực hiện cácmục tiêu của mình giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi tình trạng cực nghèo và đói, cũng như ngăn ngừa nạn suy dinh dưỡng mạn tính bằng việc đáp ứng các cam kết này.”

Chuyên gia Edward Carr của trường Đại học South Carolina (Mỹ) nói chung là ủng hộ báo cáo của ONE, nhưng ông ghi chú thêm vấn đề của nông nghiệp ở châu Phi có thể là về các thị trường hơn là sản xuất. “Không có sự thảo luận nào về tỷ lệ thất thoát quy mô lớn từ giữa cổng nông trại tới thị trường ở khu vực này. Đây có thật sự là sự thiếu hụt sản lượng hay thiếu hụt trên thị trường?”

Vào cuối tuần này, các người đứng đầu các nhà nước Malawi, Senegal, Cape Verde, và Sierra Leone được mời thăm 2 ngày tới Nhà Trắng (Hoa Kỳ). Đây là những nước trong số 6 nước châu Phi thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp tốt nhất và có mối quan hệ chặt chẽ với các sáng kiến nông nghiệp Mỹ như Feed the Future (Nuôi dưỡng Tương lai) và Millennium Challenge Corporation (MCC, Tập đoàn Thách thức Thiên niên kỷ). Người ta dự đoán chính phủ của Tổng thống Barack Obama có thể sẽ bổ sung Malawi và Senegal vào Liên minh mới cho An ninh Lương thực và Dinh dưỡng (NAFSN), một động thái cho thấy Mỹ cam kết hơn nữa cho công cuộc phát triển nông nghiệp ở hai nước này.

Chương trình Phát triển Nông nghiệp châu Phi Toàn diện (CAADP) do các nhà lãnh đạo châu Phi thiết lập tại Maputo (Mozambique) hồi tháng 7-2003 đã đặt ra mục tiêu là các nước dành 10% ngân sách quốc gia cho phát triển nông nghiệp. Kể từ đó, 24 nước châu Phi đã ký thỏa thuận này và phát triển các kế hoạch nông nghiệp quốc gia của mình. Tuy nhiên, theo báo cáo của ONE, trong số 19 nước mà tổ chức này tiếp cận, chỉ có 4 nước đạt được mục tiêu dành 10% ngân sách cho nông nghiệp. Nhưng được cái là bất chấp việc phần lớn các nước không đạt được mục tiêu đầu tư, tình hình phát triển nông nghiệp ở châu Phi trong những năm gần đây có những dấu hiệu tiến bộ. Có 8 trong số 19 nước đó đang trên đà giảm một nửa số người cực nghèo vào năm 2015, thỏa mãn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 1a. Có 13 trong 15 nước có số liệu đầy đủ sẽ đạt được mục tiêu thứ nhì của CAADP là tăng trưởng nông nghiệp hàng năm đạt từ 6% trở lên.

Thu hoạch rau xanh ở Ethiopia.

Ethiopia là một trong những nước được đánh giá cao trong nỗ lực phát triển nông nghiệp. Đất nước Đông Phi này đã chi bình quân 15% ngân sách quốc gia cho nông nghiệp trong thập niên 2000 và chi tới 19,7% trong năm 2011. Ngân sách này được đầu tư vào các chương trình giảm nguy cơ do thiên tai và các chương trình an ninh lương thực ở đất nước vốn thường xảy ra hạn hán này. Nạn đói hàng loạt ở Ethiopia từ năm 1983 tới 1985 đã giết chết khoảng 400.000 người và đã làm nảy sinh những chiến dịch hỗ trợ quy mô lớn trong và ngoài nước. Do đặc điểm của chu kỳ hạn hán và tình trạng mất an ninh lương thực tiếp diễn, nước này đã khởi động Chương trình An toàn Sản xuất (PMSP) hồi năm 2005 để chuyển đổi từ cứu trợ lương thực khẩn cấp thành bảo vệ xã hội dựa trên tiền mặt. PNSP đã cung cấp lương thực cho nhu cầu của 7,8 triệu người Ethiopia, cải tạo khoảng 40.000 hecta đất và tiến hành xây dựng các cơ sở hạ tầng trong 4 năm đầu tiên của dự án. Ngân hàng Thế giới (WB) đã tỏ ra lạc quan về những tiến bộ ban đầu của dự án. Nhưng cũng đã có những nghi vấn về tính thực tế của các số liệu cung cấp cho bên ngoài. Đó là lý do mà tổ chức ONE đang kêu gọi chính phủ Ethiopia có một mức độ minh bạch cao hơn.

Các nước châu Phi cũng đang cần phải nâng cao năng lực của các tác nhân phi nhà nước như các tổ chức công dân và khu vực tư nhân để chúng có thể tham gia tốt hơn vào các chương trình phát triển nông nghiệp. Các nông dân nữ cũng cần được tập trung quan tâm hơn. Hiện nay phụ nữ chiếm tới 50% lực lượng lao động nông nghiệp ở vùng châu Phi Hạ Sahara, nhưng họ không được hưởng các quyền lợi và chính sách như nam giới. Phụ nữ cũng chỉ làm chủ có 1% đất đai.

Những trẻ em này đang được chăm sóc trong chương trình dinh dưỡng ở châu Phi.

Chế độ dinh dưỡng cũng đang cần được quan tâm hơn trong các chương trình nông nghiệp ở châu Phi. Mục tiêu là người dân không chỉ được ăn no mà còn phải là ăn đủ chất dinh dưỡng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-3-2013)