Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

Ngày Myanmar có nhật báo tư nhân

Ngày 1-4-2013 là Ngày Cá tháng Tư (April Fool’s Day) – ngày nói láo toàn cầu ở đâu đó, chuyện này ở Myanmar thì thiệt 100%. Báo in đang bị co rút lại vì kinh tế khó khăn và bị báo điện tử giành thị phần ở hầu khắp thế giới, còn ở Myanmar, làng báo đang xôn xao mở rộng.

Ngày thứ Hai 1-4-2013, những tờ nhật báo tư nhân đã bắt đầu xuất hiện trên các sạp báo ở Myanmar lần đầu tiên trong vòng gần 50 năm nay.

Không khí dân chủ và những quyền tự do mới được luật pháp thừa nhận đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí mà từ năm 1964 tới nay là độc quyền của nhà nước dưới luật lệ của giới quân sự cầm quyền.

4 tờ báo tiếng Myanmar đầu tiên do tư nhân xuất bản là The Voice, The Golden Fresh Land, The Union và The Standard Time Daily đã nhanh chóng ra đời sau khi các luật lệ mới có hiệu lực, chính thức xóa sổ nửa thế kỷ độc quyền của báo chí nhà nước ở Myanmar – một đất nước Đông Nam Á từng nổi tiếng thế giới là bảo thủ và phi dân chủ, từng tự cách ly mình và từng bị quốc tế cô lập, cấm vận.

Biên tập viên Aung Soe của nhật báo The Voice Daily (chuyển từ tuần báo The Voice lên) cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị 6 tháng để trở thành một tờ nhật báo. Chúng tôi muốn tham gia trong cái mốc lịch sử này.”

Thông tin phản hồi từ các sạp báo tại thành phố Yangon lớn nhất nước (cựu thủ đô từ trước tháng 3-2006) cho biết ngay từ sáng sớm 1-4, bạn đọc đã háo hức chờ đón những tờ báo tư nhân mới ra lò. Phyu Phyu, một chủ sạp báo, nói: “Tờ The Voice đã được bán sạch nhanh chóng, cho dù trước đó tôi đã cẩn thận đặt mua số lượng gấp đôi các tờ nhật báo khác. Nhân dân háo hức được đọc các nhật báo tư nhân lần đầu tiên.”

Sau khi lên cầm quyền vào năm 2011, chính quyền mới được cho là theo hướng dân chủ ở Myanmar đã bắt đầu nới lỏng dần những vòng kim cô đối với lĩnh vực báo chí mà giới cầm quyền quân sự trước đó đã siết cứng từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Thời đó, chỉ cần ám chỉ tới phong trào dân chủ và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi thôi là nhà báo có thể bị tống vào tù. Còn bây giờ thì nữ thủ lĩnh dân chủ đoạt Giải Nobel Hòa bình này thậm chí không còn bị quản thúc tại gia mà còn là một thành viên Quốc hội, xuất hiện đều đặn trên báo chí.

Chế độ kiểm duyệt báo chí trước khi xuất bản đã bị bãi bỏ từ tháng 8-2012. Và dựa theo luật mới, hiện có tổng cộng 16 tuần báo được phép trở thành nhật báo, trong đó có tờ của bà Suu Kyi. Bây giờ ở Myanmar, chuyện nhật báo được xuất bản không còn là vấn đề phép tắc nữa, mà nằm ở khả năng của từng tòa soạn và sự đáp ứng của ngành in và phát hành.

Tất nhiên, trong số các tờ báo tư nhân vẫn có những tờ thân thiết, gần gũi với đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền, thậm chí do đảng cầm quyền lập ra như tờ The Union Daily. Giờ đây, họ cạnh tranh bằng chất lượng thông tin và cách xử lý thông tin. Và điều thú vị là đảng cầm quyền USDP ra báo dưới hình thức tư nhân. Đảng thân quân đội này hiện đang nắm đa số ở Quốc hội và được hậu thuẫn bởi nhiều nhà tài phiệt. Chủ biên Win Tin nói rằng mình sẽ cạnh tranh bằng nguồn lực tài chính dồi dào và đội ngũ làm báo giàu kinh nghiệm. Trong 10 ngày đầu tiên, báo sẽ được phát miễn phí. Ông cũng nói thẳng: nếu muốn tuyên truyền thì đảng USDP sẽ có cơ quan ngôn luận riêng, còn The Union Daily chỉ là một tờ báo của đảng này.

Những người Myanmar dưới 50 tuổi giờ đây mới biết mặt mũi một tờ báo tư nhân vuông tròn ra sao. Nhưng họ cũng chẳng bị sốc, vì loại hình thông tin của giới làm báo tư nhân lâu nay đã  phổ cập trên Internet, trên các mạng xã hội. Có khác chăng là ở cái hình thức in ra trên giấy.

Đối với nhà báo lão làng 81 tuổi Khin Maung Lay, đây là lần sinh ra thứ hai của mình, Hiện ông là chủ biên của Golden Fresh Land, một trong 4 tờ nhật báo chính thức xuất bản từ ngày 1-4-2013. “Chúng tôi đã chờ đợi ngày này suốt nửa thế kỷ.” Lão nhà báo cho biết 80.000 bản của số đầu tiên đã bán hết sạch ngay trong buổi sáng 1-4-2013. “Nó cho thấy người dân nóng lòng chờ đợi báo tư nhân ra sao. Sáng nay, tôi đã khóc khi nhìn thấy cảnh này.”

Ông Maung Lay thuộc thế hệ người Myanmar từng được đọc các tờ nhật báo bằng tiếng Miến Điện (Burmese), Anh, Ấn và Hoa xuất bản trong thời dân chủ nghị viện (parliamentary democracy) sau khi Myanmar (lúc đó gọi là Burma, Miến Điện) giành được độc lập từ thực dân Anh hồi năm 1948. Ông là một phóng viên cao cấp của nhật báo tiếng Miến Mogyo cho tới khi tờ báo phải đóng cửa trước sức ép của chính quyền quân sự năm 1964.

Tất cả 4 tờ nhật báo tư nhân đầu tiên đều bằng tiếng Myanmar, được bán với giá tứ 150 kyat (20 xu Mỹ) tới 200 kyat (25 xu Mỹ).

Cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường báo chí mới ở Myanmar sẽ tới khi các nhóm truyền thông lớn tham chiến. Nyein Nyein Naing, Thư ký tòa soạn của tuần báo The 7-Day News, cho biết: “Chúng tôi cần thêm thời gian để chuẩn bị. Quả là một thách thức cho các phóng viên để chuyển từ báo tuần sang báo ngày.”

Nhóm truyền thống Eleven nổi tiếng cũng đang chuẩn bị để có thề xuất bản tờ nhật báo The Daily Eleven vào ngày 3-5, Ngày Tự do Báo chí. Tiến sĩ Than Htut Aung, CEO của nhóm Eleven, cho biết: đó là ngày mang tính biểu tượng.

Trong tình hình này, hết còn được độc quyền, các báo nhà nước cũng phải tự cứu lấy mình. Báo tiếng Anh của nhà nước New Light of Myanmar hiện đang tìm kiếm liên doanh đầu tư để cải tổ báo.

Xin lưu ý, ngày 1-4-2013 chỉ là ngày Myanmar có nhật báo tư nhân. Còn các tuần báo, tạp chí tư nhân trước đó đã được nhà cầm quyền mới cho phép xuất bản rồi.

Chính quyền mới ở Myanmar dường như hiểu ra rằng trong thời đại này, họ chẳng sợ gì báo chí tư nhân hết. Mọi thứ đều phải hoạt động theo hiến pháp và các luật định, ai làm gì sai phạm cứ chiếu theo luật mà xử lý. Không cấm tự do báo chí, nhưng cũng không ai có quyền lợi dụng tự do báo chí. Ngay cả Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản,… cũng vậy thôi. Mà suy cho cùng, báo in dù gì cũng đâu có sức mạnh lan tỏa bằng các loại hình báo điện tử. Vào cái thời không thể nào chống lại được xu thế thông tin điện tử của thời đại, báo giấy dù sao vẫn dễ kiểm soát hơn. Trong khi đó, dù có được nhà nước công nhận hay không, các loại hình “báo chí nhân dân” vẫn mặc nhiên tồn tại. Còn khi được nhà chức trách cho phép đàng hoàng, chúng sẽ phải đi vào nền nếp, chịu sự chi phối của luật pháp để tồn tại dưới ánh mặt trời. Ai vi phạm luật định cứ chiếu theo luật định mà xử! Minh bạch, nhẹ nhàng và thoải mái cho tất cả!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-4-2013)

Các phóng viên tại tòa soạn báo tư nhân The Voice Daily ngày 31-3-2013 ráo riết chuẩn bị cho số báo đầu tiên ngày 1-4-2013. (AP Photo/Khin Maung Win).

Những người bán lẻ báo đang chờ xe buýt sau khi nhận những tờ báo mới phát hành từ đại lý phát hành tại Yangon sáng 1-4-2013.(AP Photo/Gemunu Amarasinghe).

Bán báo dạo ở Yangon ngày 1-4-2013. (AP Photo/Gemunu Amarasinghe)

Công nhân nhà in ngày 26-3-2013 đang xem bản in của tuần báo The 7-Day News.

Kyaw Min Swe, Chủ biên nhật báo The Voice Daily, và tờ báo số đầu tiên ngày 1-4-2013.

Một đại lý phân phối báo tại Yangon sáng 1-4-2013. (AP Photo/Gemunu Amarasinghe)

Hình ảnh này cho thấy sự giao hòa giữa nữ thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi và giới quân sự Myanmar. Ngồi kế bên bà là Trung tướng Zaw Win, Thứ trưởng Bộ các vấn đề biên giới. Hai người đang dự lễ kỷ niệm lần thứ 68 Ngày Các lực lượng vũ trang Myanmar tại thủ đô Naypyitaw ngày 27-3-2013. (REUTERS/Nyein Chan Naing/Pool (MYANMAR – Tags: POLITICS MILITARY ANNIVERSARY)