Bóng ma thất nghiệp đang ám ảnh châu Âu
Có tới 6 triệu người bị thất nghiệp ở Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tấn công châu lục này hồi năm 2008. Trong báo cáo mới được công bố ngày 8-4-2013, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ riêng 6 tháng qua đã có 1 triệu việc làm bị mất trong các nền kinh tế châu Âu.
Tình hình này cho thấy châu Âu vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Nó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân châu Âu mà còn kéo theo sự giảm sút trong giao dịch thương mại với các nước vốn coi châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu chính – như nhiều nước châu Á và châu Phi.
Tỷ lệ lao động ở EU gồm 27 nước thành viên vào năm 2012 chỉ đạt 57,6%, giảm 1,6% so với năm 2008.
Chỉ có 5 nước Áo, Đức, Hungary, Luxembourg và Malta là có dấu hiệu hồi phục trong thị trường lao động vào năm 2010 với mức tăng cao hơn thời trước khủng hoảng. Còn các nước Cyprus, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có tỷ lệ lao động giảm tới hơn 3%.
Theo báo cáo về thị trường lao động ở EU của ILO, vào tháng 2-2013, số người thất nghiệp chính thức ở châu Âu là 26,3 triệu người, tăng hơn 10,2 triệu người so với năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở EU đã lên tới 10,9%, riêng ở khu vực đồng Euro gồm 17 nước ở mức cao tới 12%. Ở một số nước bị khủng hoảng kinh tế nặng nhất, tỷ lệ thất nghiệp vọt tới hơn 20%.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng vọt ở châu Âu
Lực lượng lao động trẻ và không có tay nghề bị ảnh hưởng nặng nhất. Trên khắp châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 23,5%, trong đó tới 58% ở Hy Lạp và 55% ở Tây Ban Nha. Ngày càng có thêm nhiều công ty chuyển sang áp dụng hình thức lao động bán thời gian và ký hợp đồng lao động tạm thời.
Các chuyên gia của ILO nhận định: Tình hình hiện nay đòi hỏi các nước EU phải có một chiến lược thân thiện với việc làm. Cho tới nay, nhiều người vẫn còn nhấn mạnh tới yêu cầu giảm thâm thủng ngân sách và khôi phục sức cạnh tranh bên ngoài thông qua biện pháp “giảm giá trị bên trong”. Hậu quả là người lao động trong nưóc bị hy sinh. Đành rằng các mục tiêu về tài chính và tính cạnh tranh là quan trọng, nhưng không thể giải quyết chúng bằng các biện pháp như thắt lưng buộc bụng quá đáng và cải tổ cấu trúc mà không tính tới các nguồn gốc gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Theo giới chuyên gia, EU cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn để giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống trong khu vực tài chính và để mở khóa tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ khuyến cáo rằng: khi mà ngày càng có thêm nhiều nước châu Âu phải đối mặt với sức ép giảm lương và lao động, sức tiêu dùng nội địa và nguồn lực đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới nguy cơ cho giao dịch thương mại bên trong EU.
Sự hồi phục kinh tế của châu Âu và Mỹ luôn là tiền đề để kéo các nền kinh tế của các nước đang phát triển lên.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 11-4-2013)