Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thảm kịch Boston: Người hùng và những nạn nhân nghiệt ngã

 

Trong số những tấm ảnh của hãng thông tấn Mỹ AP chụp cảnh tượng vụ nổ bom kép tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) ngày 15-4-2013 có ảnh một chàng trai nạn nhân ngồi trên xe lăn đang được đẩy ra khỏi hiện trường. Mặt nạn nhân trắng bệt như người sắp chết tới nơi. Máu và khói đen bám trên mặt và quần áo.

Sau đó, một người đàn ông tên Jeff Bauman lên Facebook cho biết nạn nhân đó là con trai 27 tuổi Jeff Bauman Jr. của mình. Tai Trung tâm Y khoa Boston, anh đã bị cắt cụt phần dưới đầu gối của cả hai chân vì bị bom cắt nát bấy cả xương (có thể thấy trên một tấm ảnh khác đã được che mặt nạn nhân). Chàng trai xấu số còn phải chịu giải phẫu vì tràn dịch trong ổ bụng.

Lúc xảy ra vụ nổ, Bauman Jr. đang đứng gần mức đến cổ vũ cho bạn gái của mình tham gia chạy đua. Cô gái may mắn không hề hấn gì. Ông bố Jeff Bauman chua chát nói rằng con trai ông đã có mặt không đúng chỗ và không đúng lúc (in the wrong place at the wrong time).

Trong số 3 nạn nhân bị thiệt mạng cho tới nay có cậu bé 8 tuổi Martin Richard nhà ở tại Boston. Cả gia đình 5 người của Martin đã mua kem ăn sau đó đứng lại bên lề đường cổ vũ cho những người bạn của gia đình đang chạy về đích. Quả bom thứ hai đã gây tang tóc cho gia đình 5 người này. Người mẹ Denise Richard, một quản thủ thư viện của trường mà hai đứa con nhỏ của chị học, bị thương nặng nơi đầu, và con gái Jane Richard, 6 tuổi, bị cắt mất một chân. Ông bố Bill Richard, 42 tuổi, Phó giám đốc Công ty thử nghiệm môi trường EST Associates, và vợ cũng là vận động viên chạy đua, nhưng không hiểu sao không tham gia cuộc đua marathon này mà chỉ đưa gia đình đi cổ vũ. Hai vợ chồng là những người tình nguyện và thành viên ban quản trị cộng đồng rất được cư dân địa phương yêu mến. Bill và con trai lớn Henry, 12 tuổi, bị thương nhẹ với những viên bi sắt ghim vào chân. Rachel Moo, cô giáo cũ của Martin đã đưa lên Facebook tấm ảnh làm nhói đau bất cứ ai còn có chút lương tâm con người. Đó là ảnh chụp cậu bé cười nhe hàm răng sún đứng trong lớp học khoe tấm biểu ngữ mà mình vừa thực hiện, ghi câu: “Đừng làm tổn thương thêm người ta. Hòa bình.” (No more hurting people. Peace.) Ảnh chụp hồi năm ngoái khi Martin học lớp 2 tại trường Neighborhood House Charter School. Nghiệt ngã là không lâu sau đó, cậu học sinh lớp 3 Martin đã không chỉ bị tổn thương mà còn bị cướp mất mạng sống bởi những người lớn mất trí. Trong số 17 nạn nhân bị thương trong tình trạng nguy kịch có 1 cậu bé 10 tuổi và 1 cô bé 9 tuổi.

Martin Richard.

Gia đình Richard.

Hai nạn nhân tử vong còn lại là cô gái 29 tuổi Krystle Campbell, sống tại thành phố Medford (bang Massachusetts) và một nữ nghiên cứu sinh sau đại học Lingzi Lu 23 tuổi (người China) của trường Đại học Boston. Trong cái ngày định mệnh đó, Campbell cùng bạn tới gần mức đến để cổ vũ. Campbell chết, còn người bạn bị thương. Campbell được bạn bè nhận xét là một người có tấm lòng vàng và hết lòng vì gia đình mình. Cô là quản lý của một nhà hàng tại Arlington (bang Massachusetts) thuộc hệ thống nhà hàng Jimmy’s Steer House và đã chuyển tới nhà bà mình sống để chăm sóc bà suốt 2 năm nay. Khi hay tin xảy ra thảm kịch, cha mẹ Campbell đã tới bệnh viện và được các bác sĩ thông báo là con họ sống sót còn bạn của cô thì đã tử vong. Tới chừng được phép vào thăm nạn nhân, hai ông bà mới biết là bi kịch ngược lại.

Krystle Campbell

Krystle Campbell

Từ vết thương của các nạn nhân, người ta cho rằng kẻ thủ ác đã nhét đầy đinh, những viên bi sắt và mảnh kim loại vào trong một nồi áp suất 1,6 gallon (6 lit) chứa chất nổ. Vì thế, sức sát thương thật khủng khiếp.

Cũng trong tấm ảnh chụp nạn nhân Jeff Bauman Jr. có một trong những người hùng của sự kiện bi thảm này. Đó là anh chàng Carlos Arredondo đội nón cao bồi. Anh là một trong những cổ động viên may mắn an lành và đã lập tức trở thành tình nguyện viên tiếp cứu những người bị thương chung quanh mình.

Carlos Arredondo (phải).

Người ta đã đặt ra một số giả thiết về kẻ thủ ác, phần đông nghiêng về những phần tử cực đoan Thánh chiến Hồi giáo (Islamist jihadist); kế đó là những phần tử dân quân cực hữu ở Mỹ (right-wing militia); hay một kẻ tội phạm mất trí nào đó gọi là “sói cô độc” (lone wolf),… Trên các mạng xã hội, nhiều người Hồi giáo cầu mong đây không phải là tội ác của một phần tử Hồi giáo nào mà sẽ khiến làm trầm trọng thêm hình ảnh của Hồi giáo trước cộng đồng quốc tế và làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa người Hồi giáo và thế giới còn lại.

Bất luận ra sao, vụ khủng bố này mang ý nghĩa đe dọa và thách thức toàn cầu. Nó được thực hiện trong một sự kiện có vận động viên và khán giả toàn thế giới tham dự và được quay phim truyền hình. Có thể nói, nó là một WTC 11-9 thứ hai. Chẳng ai ngây thơ và ấu trĩ tới mức chê bai nhà chức trách Mỹ bất lực, không đủ khả năng để ngăn chặn những thảm họa như thế này. Khi cái ác vẫn tồn tại, quái thú đội lốt người, và kẻ xấu muốn làm điều ác thì chỉ còn biết “trời kêu ai nấy dạ”. Vấn đề quy lại ở chỗ làm sao để cái ác không có chốn dung thân và không phát tán.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-4-2013)

 CẬP NHẬT:

+ 18-4-2013:

Có một số bạn trên Facebook nói rằng người ta có vẻ nhất bên trọng, nhất bên khinh. Trong khi cùng một thời gian bên Trung Đông xảy ra đánh bom tự sát giết chết hơn chục người mà báo chí chỉ đưa tin trong khi làm rùm beng lên vụ nổ bom giết chết 3 người ở Mỹ. Tôi không cho rằng có sự phân biệt đối xử đâu. Dù là da trắng, da đen hay da vàng, người Mỹ hay người châu Phi thì cũng đều là con người, đều có mạng sống đáng để được quý trọng. Chỉ có điều Mỹ được quan tâm hơn vì là một siêu cường và trước nay nổi tiếng là chốn an lành. Nói gì thì nói, thực tế là ở các nước kia, giết chóc là chuyện cơm bữa, tới mức riết rồi người ta đành chấp nhận như chuyện bình thường ngày nào cũng có. Vấn đề chính nằm ở chỗ thái độ của ta đối với mạng sống của con người. Tôi thấy dường như châu Á dễ rẻ rúng con người hơn châu Mỹ, châu Âu.

MỜI ĐỌC THÊM:

Cuộc đua marathon tang tóc ở Boston.