Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Tản mạn trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

(Cập nhật: 17:15, 19-4-2013)

Chắc chắn rất đông người Việt luôn nhớ tới câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

Và ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi vào ngày thứ Sáu 19-4-2013. Đây là ngày quốc giỗ trọng đại nhất của người Việt khi toàn dân Việt, tất cả người Việt cùng giỗ Tổ của Tổ quốc mình. Quốc tổ Hùng Vương gắn liền với Tổ quốc Việt Nam, sinh ra đất nước Việt Nam. Trước thời Hùng Vương, người Việt vẫn sinh sống ngay trên khu vực sau này là nước Văn Lang, nhưng với thân phận khác và là con dân một nước khác.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày quốc giỗ không chỉ của toàn dân Việt mà là của tất cả người Việt dù đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, mang bất cứ quốc tịch gì – kể cả những người không chôn nhau cắt rún trên quê hương Việt nhưng vẫn chảy trong người dòng máu có nguồn gốc Việt hay có ông bà tổ tiên là người Việt.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là dịp tốt nhất để mọi người Việt suy niệm về hai chữ Tổ quốc thiêng liêng, về một đất nước Việt Nam thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ dựng và giữ nước.

Lạc Long Quân và Âu Cơ gắn với niềm tự hào người Việt là con Rồng, cháu Tiên và truyền thuyết 100 con nhắc nhớ chúng ta phải biết đoàn kết yêu thương nhau vì các dân tộc trên đất nước Việt là đồng bào của nhau, cùng trong một bào thai 100 quả trứng của mẹ Âu Cơ. Có lẽ sẽ có người thắc mắc vì sao hiện nay Việt Nam chỉ có 54 dân tộc, làm sao đủ số 50 con theo cha Lạc Lông Quân là dòng Rồng nên xuống biển, 50 con theo mẹ Âu Cơ là dòng Tiên nên lên núi. Nếu như chuyện 100 con là có thiệt thì chuyện còn 54 dân tộc cũng không có gì khó hiểu, vì thực tế trong lịch sử loài người đã có biết bao dân tộc bị diệt vong. Nhưng bất luận thế nào, rõ ràng trên hành tinh này, danh từ “đồng bào” (cùng bào thai) có lẽ chỉ dành cho người Việt.

Lịch sử chép rằng: Lạc Long Quân (sống khoảng thế kỷ 29 trước Công nguyên) tên thật Sùng Lãm là con của Kinh Dương Vương – vua nước Xích Quỷ, và Long Nữ. Ông là cháu năm đời của vua Thần Nông. Còn Âu Cơ là con gái vua Đế Lai.

Ai là quốc tổ của người Việt?

Có người sẽ thắc mắc: quốc tổ của người Việt là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân hay vua Hùng Vương? Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), thời đại Hồng Bàng tính từ Kinh Dương Vương (tên húy là Lộc Tục) tới cuối đời vua Hùng Vương thứ 18. Lạc Long Quân là đời thứ 2. Vua Hùng Vương đầu tiên là con trai trưởng của Lạc Long Quân. Trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái (sách biên chép những truyền thuyết, chuyện kỳ lạ ở nước Việt) do một danh sĩ (tương truyền là Trần Thế Pháp) biên soạn cuối đời Trần (khoảng thế kỷ 14) thì con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ được phong làm vua với tên gọi là Hùng Vương. Người con này nằm trong số 50 người con theo mẹ lên núi mới là người lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở nơi nay là Bạch Hạc (Phú Thọ). Ông là vì vua đầu tiên trong đời thứ ba của dòng họ Hồng Bàng và trị vì từ năm 2524 – 2253 TCN. Hai đời Hồng Bàng đầu tiên vẫn trị vì ở nước Xích Quỷ (phía nam sông Dương Tử có biên giới phía nam giáp nước Hồ Tôn – tức Chiêm Thành sau này, với nơi đóng đô đầu tên tương truyền ở khu vực nay là tỉnh Hà Tĩnh). Xích Quỷ là giang sơn của các bộ tộc Bách Việt (người Việt cổ).

Trong khi đó, bộ Đại Việt Sử Lược có từ thế kỷ 13 thì ghi rằng nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác vào khoảng thế kỷ 7 TCN (cùng thời với vua Chu Trang Vương của Trung Hoa). Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại nơi nay là Phong Châu (Phú Thọ).

Thiệt là rối khi mọi chuyện xảy ra cách nay gần 5.000 năm và không có chính sử ghi chép lại, chủ yếu dựa theo truyền thuyết truyền tụng tam sao thất bổn.

Dựa theo Đại Việt Sử ký Toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến nay, ta có thể hệ thống lại như vầy. Nước Việt Nam bắt đầu từ thời Kinh Dương Vương (khoảng năm 2879 TCN) tới nay gần 5.000 năm. Thời đại Hồng Bàng bao gồm 3 thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương trải dài 2.622 năm từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) tới cuối thời Hùng Vương (năm 258 TCN). Quốc hiệu Văn Lang khởi từ đời con trai trưởng của Lạc Long Quân lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương tới cuối thời Hùng Vương (bắt đầu từ năm 2524 TCN tới năm 258 TCN sau khi bị Thục Phán An Dương Vương chiếm, tổng cộng 2.266 năm). Vậy nếu như ta xác định có 18 đời vua Hùng Vương thì họ Hồng Bàng gồm tới 20 đời vua. Tính truyền thuyết lộ rõ khi bình quân mỗi vị vua trong họ Hồng Bàng trị vì tới 131 năm.

Vào năm 258 TCN, Thục Phán (tức An Dương Vương) chiếm nhà nước Văn Lang và năm sau thì lập nên vương quốc Âu Lạc (ở khu vực nay là miền Bắc). Sức mạnh vô song của An Dương Vương nằm trong cây nỏ thần mà thần Kim Quy tặng cho – tương truyền bắn tên ra như mưa (có lẽ giống như đại liên 6 nòng trên máy bay gunship của Mỹ hay dàn tên lửa Kachiusa của Nga). An Dương Vương rồi đã bị trả giá bằng bi kịch tình sử gián điệp nằm vùng Trọng Thủy – Mỵ Châu. “Tay gián điệp” Trọng Thủy – con trai của Triệu Đà – vua nước Nam Việt đã kết hôn với công chúa Mỵ Châu của An Dương Vương. Sau khi tìm cách phá hoại được lẫy nỏ thần, Trọng Thủy về nước và được cử đem quân đi đánh quê vợ mình vào năm 208 TCN. Trong khi ngồi sau lưng ngựa chạy trốn cùng phụ vương, do quá ngây thơ tin lời phu quân “gián điệp nằm vùng”, Mỵ Châu đã bứt lông của chiếc áo lông ngỗng rắc xuống đường làm dấu cho phu quân tìm mình. Hậu quả là quân Triệu Đà truy đuổi được đã tiêu diệt An Dương Vương. Trước đó, khi chạy ra tới biển bị cùng đường, nhà vua kêu cứu thần Kim Quy và được thần “chỉ mặt gọi tên” kẻ nối giáo cho giặc, nhà vua đã chém chết con gái cưng của mình. Nghe đồn trước khi chịu chết dưới tay cha mình, công chúa Mỵ Châu khấn rằng: “Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này.” Loài trai biển đã nuốt máu oan tình của Mỵ Châu để tạo thành những hạt minh châu. Sau đó Triệu Đà hợp nhất Âu Lạc với các lãnh thổ tại miền cực nam Trung Quốc thành vương quốc Nam Việt.

Các vua Hùng Vương họ gì?

Vua Hùng Vương họ gì? Đó là một câu hỏi thú vị. Hình như thời đó còn thuộc chế độ mẫu hệ, cho dù đã có nam quyền, nên lấy họ mẹ hoặc chẳng quan tâm gì chuyện họ. Ta xét thấy cha con thường không cùng một họ. Đế Minh, cháu ba đời của vua Thần Nông, có con trai lớn là Đế Nghi (sau này cai quản phương Bắc) và con trai thứ là Lộc Tục (sau này hùng cứ phương Nam với tên hiệu Kinh Dương Vương). Lộc Tục sinh ra Sùng Lãm có hiệu là Lạc Long Quân. Con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ (không rõ tên húy là gì) sau khi cùng 49 người em khác theo mẹ lên núi trong một cuộc “ly hôn có yếu tố chia con” đầu tiên được ghi nhận của người Việt đã được phong làm vua lấy tên hiệu là Hùng Vương, mở ra thời nhà Hùng của nước Văn Lang. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư gom cả ba triều đại Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương vào dòng họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị). Hồi đó, chưa có truyền thống cha là họ gì lên ngôi được gọi là vua họ ấy và các đời vua sau cũng mang cùng họ. Chỉ từ thời nhà Triệu (207-111 TCN), từ Triệu Đà trở đi, các nhà vua mới có tên húy cùng họ Triệu (Triệu Đà, Triệu Hồ – Triệu Mạt, Triệu Anh Tề,…).

Ngay ở bên Trung Hoa cổ đại cũng vậy. Nhà Hạ, nhà Đường, nhà Chu… chỉ là tên hiệu. Thí dụ với nhà Chu của dòng họ Cơ như Chu Vũ Vương (1046 – 1043 TCN) có tên húy là Cơ Phát, Chu Thành Vương (1042 -1021 TCN) tên là Cơ Tụng,…

Như vậy, Hùng Vương có lẽ là vua của nhà Hùng. Cách gọi các đời vua Hùng Vương kèm theo thứ tự (Hùng Vương thứ ba, Hùng Vương thứ 18) có lẽ là của đời sau thôi. Mỗi đời vua Hùng thật ra đều có tên hiệu riêng bắt đầu bằng chữ Hùng như Hùng Lân Vương, Hùng Việp Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Huy Vương,… và cuối cùng là Hùng Duệ Vương.

Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần, một ông anh của tôi, trong cuốn “Thế thứ các triều vua Việt Nam” (1995) đã hồ nghi: Hùng Vương là tên gọi một chức danh. Trong đó, thành tố Hùng có thể là phiên âm Hán Việt của một từ Việt cổ để chỉ người thủ lĩnh; còn thành tố Vương được người đời sau thêm vào để chỉ người đứng đầu một nước.

Vua Hùng họ gì, đó vẫn còn là một Top Secret của lịch sử. Nhưng tôi có thể chắc cú một điều, các vua Hùng hỗng phải họ Phạm của tại hạ. Mà theo thiển ý của tôi, ta không nên xác định vua Hùng họ gì, bởi người Việt ta có rất nhiều họ, sẽ gây ra mất đoàn kết nội bộ, cũng như dẫn tới tình trạng cậy thế ỷ quyền,. dựa hơi dòng họ kiểu COCC.

Do thời Hồng Bàng trong chính sử và dã sử kéo dài tới hơn 2.600 năm và chỉ có 18-20 đời vua được ghi nhận (có nguồn thì tính luôn Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân vào số 18 vua Hùng, có nguồn lại ghi là 18 đời vua Hùng tính từ con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ), các nhà nghiên cứu sử học có hai giả thiết:

1. Thời dòng họ Hồng Bàng nói chung và thời nhà Hùng Vương nói riêng có rất nhiều đời vua, mà con số 18 được đưa ra chỉ là một con số ước lệ, biểu tượng cho một ý niệm thiêng liêng nào đó (thí dụ 18 là bội số của số 9 – con số thiêng của người Việt).

2. Nước Văn Lang của các vua Hùng thực tế chỉ tồn tại khoảng 300 năm, tan rã vào khoảng năm 208 TCN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.” Gạt bỏ mọi chính kiến, đó là một lời hiệu triệu yêu nước của một trong các lãnh tụ người Việt. Giữ nước, đó là tâm niệm và ý chí của bất cứ con dân nước Việt nào biết yêu nước Việt của mình. Bảo vệ tổ quốc – giang sơn đất nước là một mệnh lệnh của trái tim và cả khối óc. Sứ mạng đó không phải của riêng một ai và cũng chẳng một mình ai có thể làm được. Đó là sứ mạng của cả một dân tộc.

Chúng ta vốn có truyền thống ôn hòa, nhưng không bao giờ là kẻ nhu nhược. Dân tộc Việt yêu chuộng hòa bình, nhưng luôn sẵn sàng đối phó với bất cứ một cuộc chiến tranh xâm lược nào. Trong khi xử lý mọi việc một cách hòa bình theo đường ngoại giao và đối thoại, chúng ta vẫn cần phải cho thiên hạ thấy khí phách của một dân tộc anh hùng đã có gần 5.000 năm dựng nước và giữ nước. Cái thế của Việt Nam giờ đây mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta đã có vị thế nhất định trên trường quốc tế, có thể tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng thế giới có lương tri, và trên tất cả là chúng ta có một sức mạnh dân tộc của cả một đất nước Việt Nam thống nhất.

Giữ nước trong thời đại ngày nay không phải chỉ bằng sức mạnh cơ bắp mà cần hơn hết là trì khôn ngoan của cái đầu. Mà người Việt mình vốn thông minh và luôn yêu chuộng hòa bình.

Đền tưởng niệm các vua Hùng trong công viên Tao Đàn (Saigon) Tết Quý Tị 2013. (Ảnh: PHP)

Đỉnh cao của tinh thần đoàn kết một lòng (mà theo ngôn ngữ hiện đại là “đồng thuận xã hội”) của toàn dân Việt khi đất nước đứng trước nguy cơ bị ngoại xâm là Hội nghị Diên Hồng. Cuộc hội nghị phụ lão cả nước đã được Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284 trước thềm Điện Diên Hồng để hỏi ý dân nên “hòa” hay “chiến” khi quân Nguyên Mông từ phương bắc tràn sang xâm lưọc Việt Nam lần thứ 2.

Nào, ta hãy nghe lại những lời hào hùng của bài sử ca “Hội nghị Diên Hồng” (nhạc Lưu Hữu Phước, lời của Huỳnh Văn Tiễng – Mai Văn Bộ – Lưu Hữu Phước):

… “Thề chung một lòng: gìn non nước, yêu quê hương!

Giống anh hùng nêu cao chí lớn!

Giống anh hùng theo tiếng quốc hồn!

Đi phen này, lòng mong tâu lên long nhan:

Dòng Lạc Hồng xin thề liều thân! Liều thân!

(Hỏi) Trước nhục nước, nên hòa hay nên chiến?

(Đáp) Quyết chiến!

(Hỏi) Trước nhục nước, nên hòa hay nên chiến?

(Đáp) Quyết chiến!

Quyết chiến luôn

Cứu nước nhà

Nối chí bao hùng anh!

(Hỏi) Thế nước yếu, lấy gì lo chiến chinh?

(Đáp) Hy sinh!

(Hỏi) Thế nước yếu, lấy gì lo chiến chinh?

(Đáp) Hy sinh!

Thề liều thân

cho sông núi.

Muôn năm lừng uy!”

Tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Diên Hồng kể từ đó vẫn luôn đi theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt. Đoàn kết cả dân tộc và sẵn sàng hy sinh cả máu xương mình để bảo vệ Tổ quốc là hai trong các tố chất của người Việt Nam từ ngàn xưa cho tới ngày nay. Chúng ta không gây hấn, xâm chiếm ai, nhưng cũng không cho phép bất cứ ai lấn chiếm một tấc giang sơn đất nước nào mà Quốc tổ Hùng Vương đã dựng nên cho con dân mình.

Kể từ Vua Hùng Vương thứ nhất tới nay đã là 4.892 năm, nước Việt Nam là của người Việt Nam, chân lý “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đó đã “tiệt nhiên định phận tại thiên thư” như lời bài thơ Thần dưới thời vua Lê Đại Hành và danh tướng Lý Thường Kiệt mà vốn được nhiều nhà nghiên cứu coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-4-2013)

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Hội nghị Diên Hồng. Nhạc Lưu Hữu Phước, lời của Huỳnh Văn Tiễng – Mai Văn Bộ – Lưu Hữu Phước

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)

MỜI THAM KHẢO:

Tại sao giỗ tổ Hùng vương là ngày 10 tháng 3?