Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Tamerlan đã làm gì trong nửa năm về Nga?

Trong một cố gắng giải mã những bí ẩn đằng sau vụ đánh bom kép tại cuộc chạy đua Boston Marathon ngày 15-4-2013, hãng tin Mỹ AP đã cất công tới tận thành phố Makhachkala thuộc tỉnh bán tự trị Dagestan (Nga) để thu thập thêm thông tin từ những người thân của hai anh em nghi phạm Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, và Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Đây là những người trẻ nước ngoài được xã hội Mỹ cưu mang, đùm bọc nhưng lại xoay sang thù hận người Mỹ.

Patimat Suleimanova, bà cô (hay dì) của hai nghi phạm, kể: Trong chuyến về thăm nhà 6 tháng (từ tháng 1-2012), Tamerlan thường xuyên tới nhà thờ Hồi giáo và dành thời gian đọc kinh Quran. Hắn trông có vẻ là người Mỹ hơn là người Chechen và “đã không thích hợp với đời sống Hồi giáo” ở vùng Caucasus (Nga) – bà cô nói với phóng viên AP như vậy.

Bà cô Patimat Suleimanova đang trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP tại thành phố Makhachkala thuộc tỉnh bán tự trị Dagestan (Nga). Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Tamerlan đã bị bắn chết trong cuộc đấu súng khốc liệt với cảnh sát trên đường đào tẩu tại Watertown (khu ngoại ô của thành phố Boston) khuya 18-4-2013. Gã em Dzhokhar bị bắt sống tối 19-4 trong tình trạng bị thương rất nặng. Mãi tới tối 21-4, hắn mới tỉnh lại và trả lời thẩm vấn của nhân viên điều tra bằng cách viết ra (hắn bị thương ở đầu, cổ, họng và chân, không nói được). Ngày 22-4, hai quan chức Mỹ cho biết những gì Dzhokhar khai ban đầu cho thấy động cơ của hai anh em là về tôn giáo chứ không có liên hệ tới bất cứ tổ chức khủng bố Hồi giáo nào.

Cơ quan điều tra Mỹ đang tập trung làm rõ những gì Tamerlan đã làm trong 6 tháng về sống ở hai tỉnh Hồi giáo Dagestan và Chechnya của Nga. Họ muốn tìm xem hắn có bị biến thành kẻ quá khích bởi những phiến quân Hồi giáo ở vùng phức tạp này vốn đang chống lại Nga suốt nhiều năm nay.

Theo một thông báo do Trung tâm Văn hóa của Hội Hồi giáo Boston (ISBCC) công bố ngày 22-4, sau khi từ Nga trở lại Mỹ, Tamerlan trở nên nổi đình đám tại một thánh đường Hồi giáo ở Boston. Hắn từng giận dữ cắt ngang 2 bài thuyết giáo có nội dung kêu gọi người Hồi giáo ăn mừng những ngày lễ lớn của Mỹ như Ngày Độc lập 4-7 và những nhân vật nổi tiếng của Mỹ như Mục sư Martin Luther King Jr. Có lần các thành viên giáo đoàn đã la mắng hắn, kêu hắn ra khỏi thánh đường.

Anzor Tsarnaev

Gia đình Tsarnaev di dân sang Mỹ từ năm 2001, nhưng hiện nay cha mẹ đã trở về sống ở Nga. Người cha Anzor Tsarnaev nói mình hy vọng sẽ sang Mỹ trong tuần này để tìm kiếm “công lý và sự thật”. Ông nói với hãng tin Mỹ: “Tôi muốn một công lý bình thường. Tôi có nhiều câu hỏi cho cảnh sát Mỹ. Các bạn biết đó, tôi là một luật sư. Tôi muốn làm rõ nhiều điều… Tôi muốn công lý và sự thật.”

Theo bà cô Suleimanova, trong thời gian ở Nga, hàng ngày Tamerlan đều lên Skype nói chuyện với cô vợ người Mỹ của mình. Cô này là người Mỹ rặt, có cha là bác sĩ cấp cứu và mẹ là y tá (lúc nào quởn, tôi sẽ kể chuyện đôi vợ chồng Tamerlan hén). Cô vợ mới cải sang đạo Hồi theo chồng. Có nhiều lần, cô nàng đã hướng dẫn chồng cách quan sát các nghi thức tôn giáo cho thật chính xác. Tamerlan đang dự định đưa vợ về Dagestan.

Cha mẹ Tamerlan khẳng định con mình dành nhiều thời gian để thăm họ hàng vốn rất đông đảo ở Dagestan và Chechnya. Người cha cho biết Tamerlan đã ở với ông tại Makhachkala (thủ phủ của Dagestan) và thường ngủ trễ.

Mấy tình tiết này lại có vẻ xung đột với những gì bà cô Suleimanova kể. Theo đó, bà không nhớ rõ ai trong cha mẹ của Tamerlan đang ở Nga khi con trai tới. Có một lý do để người cha tới hồi năm ngoái là muốn bảo đảm rằng con mình đã trở về Mỹ. Không rõ khi nào cha hay mẹ hắn tới. Riêng mẹ hắn, Zubeidat Tsarnaeva, thì hồi tháng 6-2012 còn bị bắt giữ ở Mỹ vì tội ăn cắp trong cửa hàng.

Zubeidat Tsarnaeva

Cha của Tamerlan nói rằng con mình về Nga để đổi passport mới. Theo hãng tin Interfax, một cán bộ của cơ quan xuất nhập cảnh liên bang ở Dagestan hôm 22-4 cho biết Tamerlan đã xin cấp passport mới hồi tháng 7-2012 nhưng tới nay vẫn chưa lấy. Hắn trở về Mỹ ngày 17-7-2012.

Người mẹ cho hãng tin AP biết rằng con trai bà rất vui khi gặp các thân nhân của mẹ mình. Nhưng hắn không bao giờ đi tới ngôi làng quê hương của mẹ nằm trong một vùng núi ở Dagestan, nơi là hang ổ của một khuynh hướng Hồi giáo cực kỳ bảo thủ (ultraconservative strain of Islam) gọi là Wahabbism. Học thuyết này được các giáo sĩ và thầy giáo từ Saudi Arabia tới truyền bá ở vùng Caucasus hồi thập niên 1990.

Mọi người trong gia đình Tamerlan khẳng định rằng trong thời gian ở Nga, hắn không hề gặp một phiến quân Hồi giáo nào và cũng không bị tác động bởi những kẻ cực đoan tôn giáo.

Nhà chức trách Mỹ thì cho biết: trong thời gian Tamerlan ở Dagestan, khu vực tỉnh này đã xảy ra nhiều biến cố có liên quan tới Hồi giáo quá khích. Hắn lại ở đó tới nửa năm. Người ta hy vọng rằng Mỹ sẽ nhờ phía Nga giúp đỡ để điều tra về khoảng thời gian đầy dấu hỏi đó. Có tin nói rằng đầu năm 2011, cơ quan an ninh Nga FSB từng báo cho FBI Mỹ biết rằng Tamerlan gần đây đã trở nên sùng đạo khác thường và hắn chuẩn bị rời Mỹ về Nga tham gia một tổ chức bí mật.

Mà thôi, đó là chuyện của các lực lượng chức trách của Sir Obama. “No table more” (không bàn nữa).

Theo hãng tin AP (23-4-2013), gia đình Tsarnaev muốn đem xác Tamerlan về chôn tại Nga. Báo Anh Daily Mail (21-4) dẫn lời bác sĩ David Schoenfeld tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston nói với hãng tin AP rằng khi được đưa vào bệnh viên, nghi phạm số 1 này bị các vết thương khắp từ đầu tới chân, nhưng chân tay vẫn còn nguyên vẹn (“from head to toe, every region of his body had injuries”). Cả bệnh viện đã đưọc huy động để cứu hắn trong khi mạch và tim hắn đã ngừng đập. Sau 15 phút cố gắng cứu chữa mà không thành công, bác sĩ tuyên bố hắn đã tử vong lúc 1g35 sáng 19-4. Cảnh sát trưởng Edward Deveau của Watertown kể rằng trong cuộc đấu súng 5-10 phút, hai bên bắn tới hơn 200 viên đạn. Trong phút quyết tử, Tamerlan vừa xông tới chỗ cảnh sát, vừa bắn cho tới khi hết đạn.

Còn tôi tới đây cũng xin hết chuyện.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 23-4-2013)

VIDEO CLIP: