Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nào, mời làm quen với nền tảng Intel Core thế hệ thứ 4 Haswell


 Buổi trò chuyện tay ba giữa hai anh Mai Sean Cang, Tổng giám đốc, và anh Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị, của Công ty Intel Việt Nam với tôi tại văn phòng Intel Viêt Nam trên Tầng 5 tòa nhà Metropolitan (Q.1, TP.HCM) sáng 18-4-2013 theo kế hoạch gói gọn trong 1 giờ, nhưng cuối cùng đã dài tới gần 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi phải ngắt ngang cuộc trò chuyện vì đã tới trưa chớ vẫn còn nuối lắm, bằng chứng là ra tới cửa mà vẫn chưa dứt chuyện. Ba anh em có chuyện gì mà “tám” với nhau dữ thần ôn vậy?

Chuyện hot của giới công nghệ mà. Đó là về nền tảng vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 4 dựa trên vi kiến trúc mới Haswell.

Anh Mai Sean Cang (bìa phải), anh Phạm An Dương (giữa) và Phạm Hồng Phước trong buổi trò chuyện về gia đình CPU Intel Core thế hệ thứ 4 (Haswell) tại văn phòng Intel Việt Nam sáng 18-4-2013.  (Ảnh: PHẠM NỮ HỒNG QUYÊN)

Trả lời câu hỏi chào sân của tôi là thế hệ CPU Haswell này có gì đột phá so với Core thế hệ thứ 3 Ivy Bridge chính thức ra đời hồi tháng 4-2012, hai anh Cang và Dương đã xa luân chiến cho biết:

– Haswell đánh dấu bước tiến lớn nhất trong lịch sử của Intel về thời lượng pin của hệ thống. Nó mạnh hơn, tiên tiến hơn nhưng lại ít hao điện năng hơn. Ông Paul Otellni, CEO của Intel, nói rằng: công nghệ Haswell cấp độ silicon (silicon-level Haswell technology) của Intel là “sự cải thiện thời lượng pin từ thế hệ này sang thế hệ khác lớn nhất trong lịch sử Intel” (the single largest generation-to-generation battery life improvement in Intel history).

– Đây là bộ vi xử lý đầu tiên được Intel thiết kế riêng cho dòng máy ultrabook (build for ultrabook).

– Đây cũng là hệ thống trên chip SoC hoàn thiện đầu tiên của Intel. Ở dòng CPU điện năng thấp dành cho ultrabook (mã đuôi Y), tất cả các bộ điều khiển I/O ở trên chip cầu Nam (southbridge) của chipset giờ đây đã được đóng gói vào một chip CPU duy nhất. Intel Core thế hệ 1 và 2 là hệ thống 3 chip. Thế hệ 3 là hệ thống 2 chip. Thế hệ 4 chỉ còn 1 chip. Tất tần tật mọi thứ, kể cả GPU, đã được tích hợp vào một die silicon.

– Thời gian xài pin cho ultrabook lên tới 9 giờ.

– Công suất tiêu thụ điện của CPU Haswell cho laptop chỉ còn 15W. Năm 2014 sẽ còn 4,5W với công nghệ sản xuất 14nm.

Với nền tảng Haswell, tiêu chuẩn ultrabook sẽ được cải thiện theo hướng tạo thêm tiện dụng cho người dùng. Theo anh Cang, thời gian khởi động lại (thức dậy) của ultrabook hiện nay được quy định là 7 giây sẽ chỉ còn 3 giây trong thế hệ mới. Thời lượng pin cũng phải tối thiểu 9 giờ. Anh Dương nói rằng: Với nền tảng Haswell, Intel sẽ chỉ cấp chứng nhận đạt chuẩn ultrabook cho thiết bị nào có màn hình cảm ứng. Trong số hơn 200 thiết kế ultrabook Haswell hiện có tới nay, số thiết bị dạng màn hình và bàn phím rời ngày càng nhiều hơn. Khi cần di động, người dùng chỉ việc gỡ màn hình đem theo thành một tablet. Đây là dạng hybrid laptop (nửa laptop, nửa tablet).

Ngoài ra, tại triển lãm CES 2013, Intel cũng cho biết chuẩn ultrabook Haswell phải hỗ trợ công nghệ hiển thị không dây Intel Wierless Display (WIDI) cho phép thiết bị có thể kết nối với các màn hình hỗ trợ WIDI (hoặc tích hợp sẵn, hoặc qua một box rời) để trình chiếu nội dung video Full HD 1080p và âm thanh 5.1.

Anh Cang cho biết: Haswell là một bước đột phá về công nghệ chip xử lý của Intel. Nó giải quyết được bài toán hóc búa là đưa chip CPU xưa nay nằm ở phần đế bàn phím (có thể tản nhiệt dễ dàng hơn) lên nằm phía sau tấm panel của màn hình. Và chính nhờ sự đột phá cho ra đời những con chip SoC mỏng, ít hao pin và ít nóng sẽ giúp các nhà sản xuất rộng tay thiết kế nhiều thiết bị với những form factor đa dạng hơn.

Công nghệ tiết kiệm điện năng ở mức độ phần cứng của Intel trong kiến trúc Haswell kết hợp với công nghệ tiết kiệm điện năng ở mức độ hệ điều hành của Microsoft trong hệ điều hành sắp tới Windows Blue sẽ cho ra những hệ thống được tối ưu hóa về điện năng.

Từ ultrabook nền tảng Intel Core thế hệ thứ 3 (Ivy Bridge), Intel đã đưa ra công nghệ kết nối liên tục Smart Connect cho phép thiết bị đã được tắt màn hình vào tình trạng ngủ (asleep) nhưng vẫn còn kết nối với mạng để cập nhật e-mail, tin tức, nội dung từ mạng xã hội, các bộ nâng cấp phần mềm và firmware phần cứng,… theo hình thức Push Update để khi người dùng mở thiết bị ra sử dụng, mọi thứ đều được cập nhật mới (up-to-date). Ở Haswell, tính năng này được cải thiện. Đặc biệt Windows Blue và Haswell kết hợp lại với nhau trong công nghệ “connected standby” được cải thiện cho thời gian chờ tới 10 ngày.

CPU Haswell là bộ vi xử lý của dân chơi máy tính, game thủ chuyên nghiệp và dân ép xung overclocker. Ở dòng có mã là K và X, CPU Core thế hệ thứ 4 được mở khóa (unlocked) tất tần tật các xung nhịp nhân xử lý, nhân đồ họa, bộ nhớ,… Core ratio lên tới 80, graphics ratio lên tới 60, unlocked turbo limits, current limit override, bộ nhớ DDR với các 266MHz Step tới 2667MHz và 200MHz step tới 2600MHz. Anh Dương cho biết, trên máy chạy Haswell, Intel sẽ cung cấp một phần mềm Control Panel có giao diện rất trực quan, cho phép người dùng điều chỉnh các thông số, ép xung ngay từ trong Windows.

Ở thiết bị desktop, CPU Intel Core thế hệ thứ 4 sử dụng Socket LGA1150 hoàn toàn mới với chipset Intel 8-Series. Bộ nhớ vẫn hỗ trợ ở mức DDR3-1600 theo chế độ Dual-Channel. Có lẽ tới thế hệ Haswell 14nm (Intel Core thế hệ thứ 5), hệ thống mới hỗ trợ bộ nhớ mới DDR4 mạnh mẽ nhưng ít hao điện hơn.

Socket LGA1150 trên motherboard MSI dùng chipset Intel Z87 Express cho CPU Haswell.

Anh Cang cho biết Intel Việt Nam vừa được tập huấn về lộ trình sản phẩm tương lai của Intel. Không còn là 1 CPU cho tất cả mà Intel thiết kế các dạng CPU theo nhu cầu người dùng và mô hình sử dụng.

Anh Dương cho biết trước đây Intel phân khúc thị trường theo sản phẩm với 3 nhóm: desktop, laptop và server. Nay Intel chia sản phẩm theo mô hình sử dụng. Bây giờ cũng đã có CPU cho smartphone, tablet. Intel chuyển sang thiết kế CPU theo đặt hàng của các hãng. Thí dụ cũng là tablet, nhưng sẽ có nhiều loại tablet theo kích thước màn hình, chủng loại khác nhau.

Với CPU Haswell, người tiêu dùng sẽ được nghe tới nhiều mã hiệu đuôi hơn, cũng như lần đầu được biết đến. Như M (Mobile processor), Q (Quad-core), U (Ultra-low power), X (Extreme), Y (Extreme-low power), H (High performance GPU).

Anh Cang khoe một mẫu ultrabook mới dành cho doanh nghiệp (trước đây ultrabook chỉ dành cho người tiêu dùng đầu cuối). Anh Dương cho biết hiện nay Intel đã có được 49 mẫu thiết kế ultrabook vPro cho business. Chiếc Lenovo ThinkPad X1 Carbon Touch mới nhìn thôi mà đã “thấy ghét” rồi. Nó siêu mỏng (331 x 226 x 20,85 mm) và nhẹ (1,55kg); màn hình cảm ứng 14 inch HD+ (1600 x 900) (300 nit) wide, 10-finger touch screen; ổ cứng SSD 128GB hay 256GB; bộ nhớ DDR3-1333 tới 8GB; thời lượng pin tới 8,2 giờ. Máy chạy hệ điều hành Windows 8 64-bit hay Windows 8 Pro 64-bit với công nghệ quản lý từ xa Intel vPro. Anh Cang đã biểu diễn sự “lợi hại” của công nghệ kết nối liên tục Intel Smart Connect với chiếc ultrabook vPro này: bật màn hình lên, nhấn một cái là hệ thống lập tức “thức dậy” và trong lúc “ngủ”, nó vẫn cập nhật các thông tin trên mạng và nhận các e-mail gửi tới.

Chúng tôi đang cầm trên tay những con CPU Haswell đầu tiên vừa về tới Việt Nam. (Ảnh: PHẠM NỮ HỒNG QUYÊN)

Haswell là phase Tock mới trong lộ trình Tick Tock của Intel. Nó vẫn sử dụng công nghệ sản xuất 22nm như Ivy Bridge (Core thế hệ thứ 3), chỉ thay bằng vi kiến trúc mới. Vì thế, người ta kỳ vọng nhất là tới phase Tick mới khi vi kiến trúc Haswell được ứng dụng trên công nghệ sản xuất mới 14nm. Theo lộ trình đó sẽ là nền tảng Intel Core thế hệ thứ 5 (tên mã Broadwell) sẽ có vào năm 2014.

Thay đổi ấn tượng nhất trong đóng gói Haswell là di chuyển mớ tụ điều áp VRM (voltage regulator module) từ motherboard vào die CPU. Nhiều người lo ngại rằng việc Intel ôm đồm luôn thiết kế VRM vào die CPU sẽ làm hạn chế khả năng overclocking tương tự như khi tích hợp clock generator vào die làm hạn chế khả năng overclocking trong thế hệ Sandy Bridge. Nhưng giới overclocker nói rằng lần này sẽ không có gì cản trở họ ép xung.

Các phần cấu trúc chính của vi kiến trúc Haswell khá giống như của Ivy Bridge.

Trong nhân có các core; các cache L1, L2, L3; Ring bus; bộ xử lý đồ họa GPU, bộ điều khiển bộ nhớ, các bộ điều khiển DMI, PCI-Express, display. Riêng dòng CPU dạng SoC với chip đồ họa tích hợp tên mã GT3e có thêm một “thành viên” đặc biệt mới là IC eDRAM (embedded DRAM, tức DRAM nhúng) nằm ngay trên die của CPU.

Haswell cũng là một bước cải thiện mới về sức mạnh của đồ họa tích hợp mà theo lời anh Dương, mạnh gấp 13 lần so với thế hệ Core đầu tiên.

Cái mới trong cấu trúc đồ họa tích hợp của Haswell là có một IC on-die gọi là eDRAM có chức năng như một level cache bổ sung để boost sức mạnh của chip xử lý đồ họa khi cung cấp thêm băng thông và giảm thời gian chờ so với bộ nhớ DDR3 thông thường. Có thể gọi đây là dạng bộ nhớ L4 Cache. Kích thước của eDRAM đủ lớn để giữ các frame buffer (có thể từ 64MB tới 128MB) và được nối với SoC qua một bus 512-bit. Intel có lợi thế là đã phát triển được công nghệ NAND Flash siêu nhỏ 20nm lý tưởng cho eDRAM. Xin lưu ý là chip eDRAM chỉ có trong dòng đồ họa tích hợp mạnh nhất, tên mã là GT3e (có thể có tên thương mại là Intel HD Graphics 5200). GT3e cũng chỉ có trong dòng CPU Haswell Core i7 có đóng gói BGA (soldered-on, hàn luôn lên board, không dùng socket) dành cho laptop và all-in-one. Theo Hardware.info, GPU Intel GT3e là phiên bản GT3 có thêm eDRAM. Nó có sức mạnh tương đương GPU NVIDIA GeForce GT 650M và nhanh gấp đôi Intel HD Graphics 4000 hiện nay. Chẳng cần phải phân tích sâu xa về kỹ thuật, chỉ nội có một bộ nhớ video riêng nằm ngay bên cạnh GPU trên chung một die rõ ràng sẽ giúp tăng tốc độ xử lý lên nhanh hơn là dùng bộ nhớ nằm trên motherbard. Nhưng có lẽ đồ họa tích hợp GT3e không thích hợp cho thiết bị ultrabook, đặc biệt là loại có thiết kế màn hình có thể tháo rời, vì có thêm eDRAM thì chip SoC sẽ hao điện hơn và nóng hơn.  

Con chip lớn bên phải là die của CPU Haswell Core i7 với đồ họa tích hợp GT3e. Chip hình vuông ở giữa là nhân xử lý với các core, GPU và các bộ điều khiển. Con chip nằm ngay bên cạnh là eDRAM.

Ở thế hệ CPU Haswell, Intel đã phát triển dòng chip đồ họa tích hợp mới GT3, tiên tiến và mạnh mẽ hơn GT2 (HD Graphics 4000) trong thế hệ Ivy Bridge. Như vậy, gia đình các CPU Intel Core Haswell sẽ được trang bị nhiều loại nhân đồ họa tích hợp. Đó là GT3e (có thể tên thương mại là HD Graphics 5200) với 40 nhân xử lý và bộ nhớ cache on-package (eDRAM), GT3 (HD Graphics 5100/5000) với 40 nhân xử lý và có các tốc độ khác nhau và GT2 thế hệ mới (HD Graphics 4200/4400/4600) với  20 nhân xử lý và có các tốc độ khác nhau. Trong khi HD Graphics 5100/5000 được tích hợp trong các CPU Core i7, Core i5 và Core i3 thì HD Graphics 5200 mạnh nhất sẽ chỉ có trong các CPU Core i7 quad-core (Core i7-4950HQ, Core i7-4850HQ) dành cho các laptop mạnh nhất, hay Core i7-4770R cho các ứng dụng nhúng.

Trong thời gian đầu, ở phân khúc desktop, Intel sẽ chỉ đưa ra các CPU Haswell 4 nhân với 4 hay 8 luồng có TDP 45W, 65W và 84W. Sau đó, mới có CPU 2 nhân với TDP chỉ 35W.

Theo Intel Việt Nam, nền tảng Haswell sẽ được Intel chính thức công bố vào ngày 3-6-2013. Nó sẽ được ra mắt ở Việt Nam giữa tháng 6-2013.

Intel kỳ vọng gì ở Haswell? Anh Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, cho biết: Intel muốn đa dạng hóa thiết bị cho nhu cầu đa dạng của người dùng. Sẽ có những form factor mới và thiết kế đa dạng hơn. Ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng có khả năng sử dụng ultrabook vì giá sẽ mềm hơn.

Anh Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị Intel Việt Nam, bổ sung: Đến nền tảng Haswell thì Intel có lợi thế là thị trường đã sẵn sàng cả về phần cứng thiết bị lẫn phần mềm ứng dụng. Giờ đây mua ultrabook, người dùng sẽ có thêm các tính năng như màn hình touch, nhận diện giọng nói và nhận diện cử chỉ (gesture) qua camera trên máy. Người tiêu dùng sẽ được hưởng thụ nhiều hơn. Với Haswell, người dùng sẽ có bộ vi xử lý mạnh hơn, tiên tiến hơn, có hiệu suất và hiệu năng cao hơn nhưng vẫn có giá tương tự như thế hệ Ivy Bridge.

Cũng tại Triển lãm CES 2013, Intel cho biết sẽ phối hợp với các đối tác OEM để kéo giá ultrabook từ khoảng 999 USD hiện nay xuống còn 599 USD và thấp hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-4-2013)