Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Chuyện kể thương tâm của những người hùng Bangladesh

130430-bangladesh-building-collapse-07

Đất nước Nam Á Bangladesh đang trong mùa nắng nóng. Nhiệt độ giữa trưa có khi lên tới 39 độ C. Ở bên trong cái đống xà bần đổ nát của tòa nhà xưởng 8 tầng bị đổ sập sáng 24-4-2013 tại Savar, gần thủ đô Dhakar, hơi nóng càng hầm hập và ngột ngạt hơn.

Hơi nóng và bóng tôi bao trùm chung quanh Saiful Islam Nasar, 24 tuổi, một người cứu hộ tình nguyện đang chạy đua với thời gian để tìm cứu những nạn nhân bị kẹt lại bên dưới đống đổ nát khổng lồ. Anh khó thở. Dưới ánh sáng đèn flash không đủ rõ, anh trườn qua một mảng bêtông đổ và nhìn thấy một cô gái trẻ có cánh tay bị một cây cột bê tông đè. Trong ánh sáng chập choạng và bụi đất bám đầy, Nasar vẫn nhận ra vẻ xinh đẹp của cô gái. Nhưng cô đang sắp chết và cách duy nhất để đưa cô ra khỏi là phải cắt bỏ cánh tay đang bị kẹt đó. Không có cách nào khác vì không thể nào nhấc cây cột kia lên.

Nasar không phải là một nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản và cũng chẳng có thiết bị cần thiết. Anh là một kỹ sư cơ khí, mấy ngày trước đó, ngay khi nghe tin tòa nhà Rana Plaza bị đổ sập và có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân may mặc đang mắc kẹt, anh đã hộc tốc chạy từ quê nhà mình ở miền nam cách Dhakar hàng trăm cây số lên đây tham gia cứu hộ.

130430-bangladesh-building-collapse-02-nasar-volunteer

Anh chàng kỹ sư cơ khí 24 tuổi Saiful Islam Nasar ốm o và hốc hác sau 6 ngày tìm cứu các nạn nhân.

Bây giờ Nasar đang đối mặt với một trường hợp nan giải. Anh hiểu rõ ở Bangladesh nghèo khổ và lạc hậu này, những người phụ nữ tàn tật có thể bị đẩy ra khỏi nhà mình. Anh cẩn thận hỏi nạn nhân: “Chị ơi, chị có gia đình chưa?” Người phụ nữ trẻ đáp: “Có rồi.” Anh hỏi: “Nếu như tôi cắt cánh tay của chị, chồng chị có tiếp nhận chị trở lại không?” Nạn nhân trả lời: “Chồng tôi yêu tôi nhiều lắm.” Vậy là Nasar bắt đầu cắt cánh tay của nạn nhân để cứu chị khỏi chết trong đống đổ nát.

Nasar có mang theo một ống tiêm chứa thuốc giảm đau. Cha anh là một thầy thuốc làng đã dạy anh cách tiêm thuốc. Sau khi tiêm cho nạn nhân, anh dùng một con dao giải phẫu nhỏ để cắt cánh tay của chị. Nó dễ hơn là anh nghĩ vì cánh tay đã bị đè nát rồi.

Sau khi kể cho phóng viên hãng tin Mỹ AP câu chuyện thương tâm này và chỉ những vết máu trên áo quần mình, Nasar bật khóc ngon lành: “Không có sự lựa chọn nào khác.”

Nasar đã cùng 50 người đàn ông khác thuộc tổ chức tình nguyện nhỏ Sunte Ki Pao đo anh điều hành tới Savar cứu hộ. Bình thường ở quê nhà, họ giúp người ta trong các tai nạn giao thông, sơ cứu nạn nhân, bảo quản tư trang của nạn nhân và liên lạc với người thân của họ. Trong mùa lũ hàng năm, họ tham gia cứu hộ và chống lũ. Nhưng chưa bao giờ họ được tập huấn để cứu hộ trong một tai nạn công nghiệp lớn nhất nước như ở Savar này.

Trong 6 ngày qua, Nasar đã kéo được 6 người còn sống ra ngoài và đưa được hàng chục xác chết khỏi đống đổ nát. Anh cứ làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, khi nào kiệt sức thì tìm cách nghỉ và chợp mắt một lát. “Hình ảnh những người chết luôn trong đầu tôi”, Nasar nói. Chuyện ăn cũng trở nên khó khăn. “Tôi đã mất mùi vị. Tôi chỉ ngửi thấy mùi xác chết.”

Ngày 30-4, Nasar cho biết mình sẽ sớm quay về quê nhà để trấn an mẹ mình đang lo âu từng ngày. Và nhất là để đi tìm một việc làm mới. Anh đã phải từ chức ở nơi làm cũ để có thời gian tham gia cứu hộ. Nhưng anh nói đâu có gì phải bận tâm. Có chăng là anh sẽ luôn nghĩ tới người phụ nữ trẻ xinh đẹp mà anh đã phải cắt bỏ cánh tay để cứu. “Tôi cầu nguyện Thánh Allah cho cô ấy được cứu sống và có thể trở về với chồng mình.”

Sayed Shohel Harman, một người cứu hộ tình nguyện làm việc không lương cho sở cứu hỏa, kể mình tìm được một người đàn ông còn sống với cánh tay bị kẹt dưới một khối bêtông. Nạn nhân van nài Harman đưa cho mình con dao để anh tự cắt cánh tay giải thoát mình. Harman từ chối, nói để mình đi tìm người giúp. Nhưng các bác sĩ nói rằng họ quá nguy hiểm nếu đi vào bên trong để cứu nạn nhân. Họ kêu anh quay lại để tìm cách kéo nạn nhân ra. Khi Harman vào thì thấy nạn nhân đã tự cắt được cánh tay mình bằng con dao mà một người cứu hộ khác đưa. Nhờ cánh tay bị đè nát nên nạn nhân mới có thể cắt bỏ nó được. Thấy cảnh đó, Harman khiếp đảm quá, chỉ biết ngồi chết trân.

Bangladesh là một đất nước tang tóc. Hầu như năm nào nước này cũng chịu những thiên tai, thảm họa khủng khiếp: lũ lụt, chìm phà, hỏa hoạn, bão tố,… Người dân nước này oằn người vì nghèo khó, phải bán mạng mà kiếm sống. Có khoảng 3,6 triệu người làm trong ngành gia công may mặc xuất khẩu, nhưng lương chỉ khoảng 38 USD (800.000 đồng) một tháng, mà lại phải làm trong điều kiện lao động nguy hiểm.

Nhưng bên cạnh những quan chức tham nhũng nhan nhản và những người giàu chỉ biết trục lợi cho bản thân, Bangladesh vẫn luôn có nhiều người tốt sẵn sàng xả thân vì người khác trong những lúc thiên tai, hoạn nạn.

Trong cuộc tìm cứu các nạn nhân ở Rana Plaza, vô số người dân láng giềng, bạn đồng nghiệp của các nạn nhân, người thân và những nhân viên nhân đạo đã lăn xả vào công việc cứu hộ dù biết rõ mình dễ dàng mất mạng. Chỉ với những chiếc búa, lưỡi cưa và những bàn tay không, họ đã khoét những lỗ nhỏ trong đống đổ nát, cắt những mảng bêtông và những thanh sắt để tìm cách kéo nạn nhân ra. Không ít người tình nguyện đã gặp nạn hay bị kiệt sức phải được cấp cứu. Nhưng sau khi hồi phục, họ lại tiếp tục vào cứu người.

Hemaet Ali, một công nhân xây dựng 50 tuổi trở thành người cứu hộ tình nguyện, đã cho mọi người chung quanh biết mình có bỏ trong túi áo sơmi thẻ căn cước và địa chỉ nhà mình. “Nếu tôi chết ở bên trong đống đổ nát này, làm ơn chuyển xác tôi cho gia đình.”

Chính phủ đã cử tới đây khoảng 1.000 binh lính và nhân viên cứu hỏa. Nhưng chiếm đông nhất trong lực lượng cứu hộ vẫn là những người tình nguyện. Họ đã cứu sống được khoảng 2.500 người. Số thi thể nạn nhân tìm được tới cuối ngày 30-4 là 386 người. Chắc chắn vẫn còn những thi thể đang bị kẹt bên dưới.

Ngày 28-4, nhà chức trách yêu cầu ngừng công việc tìm cứu nạn nhân lại để có thể dùng máy móc phá dỡ đống bêtông tìm xác nạn nhân còn kẹt lại. Nhiều người tình nguyện vẫn xung phong đề nghị cho họ được tiếp tục tìm kiếm, vì biết đâu vẫn còn những người còn sống.

Ngày 29-4, sáu ngày sau khi xảy ra tai nạn, việc tìm kiếm người sống sót đã được thay bằng tìm xác nạn nhân và những cỗ máy hạng nặng bắt đầu hoạt động thay cho những người tìm cứu để nhấc những khối bêtông khổng lồ lên. Bây giờ không cần phải giượng nhẹ vì chắc chắn không còn nạn nhân nào có thể còn sống bên dưới đống đổ nát. Người thân của những công nhân còn mất tích đang hồi hộp khi từng tảng bêtông được di chuyển.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-5-2013)

+ PHOTO:

130430-bangladesh-building-collapse-01

Những người tình nguyện ngày 28-4-2013 đề nghị được tiếp tục tìm kiếm.  (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130430-bangladesh-building-collapse-06

130430-bangladesh-building-collapse-05

Một số người cứu hộ tình nguyện bị kiệt sức phải được cấp cứu. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130430-bangladesh-building-collapse-03

130430-bangladesh-building-collapse-04

Thêm một thi thể nạn nhân được tìm thấy ngày 28-4-2013.