Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Câu chuyện xúc động của một chị dâu, em chồng ở Bangladesh

THẢM KỊCH SẬP NHÀ XƯỞNG BANGLADESH:

Một tuần lễ sau khi xảy ra tai nạn sập nhà xưởng thảm khốc nhất trong lịch sử Bangladesh, nhà chức trách ngày 1-5-2013 đã tổ chức an táng tập thể theo nghi thức Hồi giáo cho 34 nạn nhân không có người nhận vì bị thương tổn nặng tới mức không nhận diện được.

130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-05

Bà chị dâu Farida đưa cho các quan chức tại cuộc mai táng tập thể xem hình cô em chồng Fahima. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Khi quỳ bên cạnh thi thể quấn trong tấm vải lanh trắng của một nạn nhân nữ và quan sát chiếc váy mà chính mình mua cho cô em chồng, chị Farida bật khóc nức nở. Chị gọi điện thoại cho chồng để nói ra những lời mà chị hằng cầu nguyện trong cả tuần lễ tìm kiếm: “Em đã tìm thấy cô ấy. Em đã tìm thấy cô ấy.”

Chỉ ít phút trước đó, Farida đã chặn những người công nhân mai táng lại không cho họ đưa thi thể mà mình nghi ngờ xuống huyệt mộ đào sẵn. Vừa khóc, vừa dùng hết sức mình, chị len lỏi qua đám đông những người đứng coi và kiên trì yêu cầu các quan chức phụ trách cho chị được kiểm tra lần cuối hàng chục thi thể đang phân hủy và bốc mùi nặng để tìm coi có cô em chồng yêu thương của mình không. Rồi chị hét lên với các quan chức ở đó: “A, đây là Fahima của tôi.” Chị chỉ vào cái dấu vết riêng trên trán cô em chồng và chiếc váy salwar kameez màu đỏ mà chị mua tặng cô.

Fahima hồi năm ngoái đã thoát chết trong vụ cháy xưởng máy thảm khốc nhất trong lịch sử ngành may mặc Bangladesh. Lần này thì cô không may mắn lần thứ hai.

 130501-bangladesh-building-collapse-bodies-mass-burial-07-farida-fahima

Chị Farida đã quỵ xuống khóc nức nở khi tìm được xác cô em chồng ngay trước khi nạn nhân bị đưa xuống mộ như một người vô thừa nhận. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Cách đây 2 năm, Fahima, hồi đó mới 16 tuổi, rời gia đình tại một làng duyên hải gần Vịnh Bengal đi tìm việc làm. Farida nhớ lại: “Con bé kiên cường lắm. Nó không muốn là gánh nặng cho gia đình và anh em mình.” Fahima thường tâm sự với chị dâu: Liệu các ông anh có thể nuôi cả gia đình được bao lâu bằng công việc lao động từng ngày của mình? Cô muốn sống cuộc sống của riêng mình, không là gánh nặng và không phụ thuộc vào ai. “Em sẽ lấy chồng bằng tiền mà mình kiếm được, chứ không phải là tiền của các anh.” Giống như nhiều cô gái khác từ các gia đình nghèo khổ, Fahima bắt đầu làm việc quần quật, làm thêm giờ trong các xưởng may, gửi khoản tiền mà mình có thể dành dụm về nhà phụ giúp cha mẹ già.

Năm ngoái, Fahima làm tại xưởng may Tazreen, nhưng sau đó nghỉ việc vì tranh cãi chuyện trả lương. Ba ngày sau khi cô nghỉ, xưởng may này bị hỏa hoạn làm chết 112 công nhân. Có hơn 50 công nhân bị cháy tới mức không còn nhận diện được phải chôn với những con số ngay tại nghĩa trang mà hôm nay Fahima suýt phải chịu chung số phận nếu như bà chị dâu không kịp nhận ra.

Tối 1-5, Fahima đã được chị dâu Farida đưa về nhà mình và được an táng bên cạnh ông bà mình. Bà chị dâu nói: “Tôi không còn ân hận nữa. Tôi hạnh phúc. Nó sẽ an nghỉ tại nhà mình. Nó sẽ sống với chúng tôi. Nó sẽ nhìn thấy chúng tôi từ mộ mình. Chúng tôi sẽ chăm sóc nó và nó sẽ chăm sóc chúng tôi.”

Tuần qua là một tuần kinh hoàng đối với hàng ngàn thân nhân của những nạn nhân bị mất tích trong tai nạn sập tòa nhà xưởng 8 tầng Rana Plaza mà tới tối 2-5-2013 đã xác nhận có 433 người chết. Nhiều dân làng nghèo khổ đã phải hớt ha hớt hãi từ các vùng nông thôn xa xôi lên thủ đô lần đầu tiên trong đời để tìm thông tin về những người thân mất tích. Những ngày đầu, họ hồi hộp với hy vọng người thân còn sống sót bên dưới đống đổ nát khổng lồ, nhưng càng về sau, họ lo sợ rằng mình phải trở về mà không có xác người thân đưa về nhà mai táng.

Từ mờ sáng mỗi ngày, ông Jahid Sheik, 40 tuổi, tiếp tục công việc tìm kiếm cô con gái 18 tuổi Amena Khatun làm trong xưởng may ở tầng 2 của tòa nhà. Ông chỉ nghỉ vào lúc nửa đêm. Người cha này đã từ vùng tây nam của Bangladesh tới thành phố Savar ngay trong ngày xảy ra tai nạn 24-4-2013. Ông đã tìm khắp các bệnh viện có nạn nhân sống sót điều trị, cũng như mọi nơi tập trung xác các nạn nhân tìm được. Ông than: “Tôi nghèo lắm, lại thất học. Chẳng có quan chức nào giúp tôi hết.”

Trong cuộc mai táng tập thể ngày 1-5 tại Jurain, ông Jahid chen lấn lại gần những chiếc xe tải chở xác nạn nhân, chăm chú quan sát từng nạn nhân được khiêng ra khỏi xe. Các nạn nhân không chôn bằng quan tài mà chỉ quấn kín người trong những tấm vải lanh trắng mà sau đó dính đầy bùn đất. Trước khi tới nghĩa trang, ông đã cầu xin Thánh Allah cho mình tìm được Amena. Mỗi khi có một chuyến xe tải tới, ông lại hồi hộp nuôi hy vọng. Và rồi “lại không có gì”, ông nói. Người cha mất con tâm sự: “Tôi sẽ nhớ cho tới chết tiếng con gái gọi cha là “Baba”. Tôi không bao giờ quên tiếng gọi đó. Con gái tôi rất yêu tôi.”

Cho tới tối 2-5, cảnh sát cho biết vẫn còn 149 nạn nhân trong danh sách mất tích. Có những tin đồn rằng số người mất tích thật sự lên tới cả ngàn người và nhà chức trách đã giấu bớt xác nạn nhân để giảm số lượng người chết hòng tránh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ngày 2-5, Trung tướng Chowdhury Hassan Suhrawardy đang chỉ huy công việc cứu hộ đã kêu gọi báo chí: “Chớ có tin những tin đồn như vậy”.

Theo truyền thống của người Bangladesh, xác người chết được quàn tại nhà cho người thân và bạn bè tới viếng. Với gia đình Hồi giáo, các giáo sĩ sẽ tới đọc những lời trích từ kinh Koran và thắp nhang. Trong buổi cầu nguyện an táng, một thân nhân thay mặt cho người quá cố xin mọi người tha thứ và xác được chôn ngay trong ngày chết.

Tất nhiên trong cuộc mai táng tập thể tại Jurain này, mặc dù có hàng trăm người cầu kinh, nhưng các nạn nhân vô thừa nhận và đang phân hủy này không được hưởng đầy đủ các nghi thức.

Ở một đất nước thường xuyên bị quăng quật bởi những thiên tai, thảm họa; giữa một xã hội phân hóa giàu nghèo và giai cấp nặng nề; bên cạnh những ông chủ và những người giàu chỉ biết trục lợi bản thân là chính, người dân Bangladesh vẫn còn có thể sinh tồn nhờ không thiếu những tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Trong vụ tai nạn sập nhà xưởng thảm khốc này, bên cạnh hàng ngàn người tình nguyện tham gia tìm cứu nạn nhân tại hiện trường, có nhiều cá nhân và tổ chức nhân đạo tham gia đỡ đần cho những gia đình nạn nhân.

Mohd Rezaul Karim, một người làm từ thiện, và nhóm Hope ’87 của ông đã giúp một số gia đình tìm kiếm người thân mất tích, cung cấp cho họ chỗ ở, thức ăn và phương tiện đi lại, in các tờ thông báo và phóng to ảnh nạn nhân để dán lên các bảng tìm người. Khi may mắn tìm được người chết, nhóm của ông lại giúp gia đình đưa xác về tận nhà để an táng theo đúng nghi thức Hồi giáo. Ông nói rằng: “Họ chẳng biết đi đâu hay làm gì.” Nhiều thân nhân từ quê lên phải ngủ ngoài đường. Chính Karim là người giúp Farida lo cho eô em chồng xấu số. Suốt nhiều giờ sau khi đám đông và các quan chức tham gia cuộc mai táng tập thể đã ra về và các ngôi mộ đã được lấp xong, Karim vẫn ngồi cùng Farida bên cạnh xác của cô em chồng, đợi các quan chức hữu trách tới xác nhận nạn nhân. Ông nói rằng công việc cứu hộ của nhà nước không được tổ chức tốt nhất, vì thế những người như ông phải tham gia để giúp giảm nhẹ nỗi đau cho những gia đình mất người thân.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-5-2013)