Thịt chuột hô biến thành… thịt cừu ở Trung Quốc
Cảnh sát Trung Quốc vừa phá vỡ một đường dây tội phạm chuyên làm giả thịt chuột và những động vật nhỏ khác thành thịt cừu. Chúng có doanh số tới hơn 1 triệu USD.
Trong thông báo đưa lên website của mình ngày 2-5-2013, Bộ Công an Trung Quốc cho biết nhà chức trách từ cuối tháng 1-2013 tới nay đã bắt được 904 nghi phạm can tội sản xuất và bán thịt giả hay thịt bị hư thối. Hơn 1.700 xưởng chế biến và cửa hàng bán loại thực phẩm kinh hoàng này cũng đã bị đóng cửa.
Một nghi phạm họ Wei đã sử dụng các chất phụ gia để tạo mùi vị thịt cừu và bán thịt chuột, chồn và cáo giả thịt cừu ra các chợ ở Shanghai và Jiangsu.
Có 63 nghi phạm bị bắt thuộc một đường dây có doanh thu hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) từ năm 2009 tới nay.
Trong chiến dịch toàn quốc truy quét các xưởng thực phẩm phi pháp, trong 3 tháng qua, cảnh sát đã tịch thu đưọc hơn 20.000 tấn các sản phẩm thịt giả hay kém chất lượng.
Hãng tin Anh Reuters (3-5) nói rằng an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường là những vấn đề kinh niên ở Trung Quốc. Nhưng chớ có hiểu lầm là dân xứ này đã trở nên quen thuộc với chúng. Đặc biệt là nỗi lo sợ về những trường hợp thực phẩm giả hay bị nhiễm độc thường lan ra rất nhanh.
Hồi tháng 4-2013, nhiều người tiêu dùng đã mất cảm giác ngon miệng đối với thịt gia cầm khi bùng phát dịch cúm gia cầm chết người H7N9 còn ác liệt hơn dòng H5N1 trước đây. Số lượng gia cầm bán được giảm tới 80% ở miền đông Trung Quốc, nơi dịch cúm gia cầm hoành hành dữ nhất, mặc dù các chuyên gia khẳng định rằng thịt gà được nấu chín hoàn toàn an toàn.
Theo nhà chức trách, kể từ khi những cái chết đầu tiên được báo cáo hồi tháng 3-2013 tới nay, Trung Quốc có 108 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9, trong đó có 22 người chết.
Tình trạng heo chết bí ẩn hàng loạt cũng làm dân chúng ngán cả thịt heo. Hồi tháng 3-2013, người ta phát hiện một cảnh tượng kinh hoàng khi có hơn 16.000 xác heo chết rữa đang trôi lềnh bềnh trên sông Huangpu ở Shanghai – đây lại là một trong các nguồn nước chính của thành phố này. Người ta nghi ngờ đây là những con heo chết dịch cúm lây từ gia cầm qua. Nhưng theo một số nguồn tin, các con heo này không bị nhiễm bệnh. Chúng bị các trang trại nuôi heo thải ra do đàn heo nuôi quá nhiều trong khi lượng tiêu thụ lại ít đi. Chỉ có điều, các chủ trại heo lại chọn cái cách xử lý là giết heo rồi quẳng xuống sông cho… trôi theo dòng đời!
Cảnh sát đã tịch thu hơn 15 tấn thịt heo bị nhiễm độc ở tỉnh Anhui. Nhưng từ giữa năm 2012 tới nay, có tới 60 tấn thịt heo bị nhiễm độc đã được bán ra tại hai tỉnh Anhui và Fujian.
Tòa án tối cao cho biết 2.088 người đã bị khởi tố từ năm 2010-2012 trong 1.533 vụ án an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là số vụ án loại này đang tăng vọt. Năm 2012 có 861 vụ, so với chỉ 80 vụ trong năm 2010.
Khi hay tin thịt chuột được chế biến thành thịt cừu, nhiều người muốn… trào ngược bao tử. Trên mạng xã hội Sina Weibo, thiên hạ la chói lọi. Một người viết: “Chuột hả? Kinh tởm quá. Mọi thứ chúng ta ăn đều là thuốc độc hết rồi.”
Tân Thủ tướng Li Keqiang (Lý Khắc Cường) hôm 17-3-2013 hứa rằng sẽ dùng “quả đấm sắt” (iron fist) để cải thiện an toàn tiêu dùng bằng cách siết chặt các quy định chất lượng thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cũng trong tháng 3-2013, Trung Quốc đã nâng cấp cục an toàn thực phẩm lên cấp bộ để rộng tay và mạnh tay hơn trong cuộc chiến an toàn thực phẩm mà ngay tới người Trung Quốc bây giờ cũng phải la làng.
Hỗng lẽ bây giờ người ta chỉ còn có nước ăn chay bởi thịt cá thứ gì cũng bị nhiễm độc. Nhưng nước tương, tàu hũ làm bằng đậu nành và trái cây, rau củ cũng bị ô nhiễm đâu kém. Uống nước cầm hơi chăng? Cũng hỗng an toàn vì nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Hít không khí mà sống ư? Không khí còn bị ô nhiễm ác hơn kia! Giàng ơi làm người sao càng ngày càng thêm khó! Mà cay nghiệt ở chỗ chính con người làm khó cho con người rồi đi kêu… Giàng ơi!
Sẵn vụ chuột, xin nói thêm một vụ đau lòng và đáng cẩu đầu trảm có liên quan tới chuột. Hãng tin Mỹ AP (2-5) cho biết: hai cháu gái tuổi nhà trẻ ở hạt Pingshan (tỉnh Hebei) đã chết sau khi ăn yogurt. Cảnh sát điều tra và bắt được hai thủ phạm. Chủ mưu là nữ hiệu trưởng một nhà trẻ đối thủ. Bà ta khai rằng hôm 24-4 đã bơm thuốc chuột vào hũ yogurt rồi sai một người đàn ông đem bỏ nó trên con đường phía trước nhà trẻ đối thủ cùng với mấy cuốn sách giáo khoa. Khi tới nhà trẻ đón cháu, bà của hai đứa trẻ nhìn thấy sách và yogurt tưởng của ai đánh rơi nên lấy đem về nhà. Cạnh tranh kiểu này thiệt là theo…. “kiểu China”!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 4-5-2013)
+ PHOTO: (Nguồn ảnh từ Internet. Thanks.)
Một đàn vịt thả rông tại hạt Changzhou (tỉnh Shandong) ngày 24-4-2013. (REUTERS/Stringer)
Gà chết hàng loạt tại một trại gia cầm ở ngoại ô Shanghai ngày 16-4-2013. (REUTERS/Aly Song/Files)
Nhân viên một xưởng xử lý đang quay những con heo chết nhưng không bị nhiễm bệnh tại Guangzhou (tỉnh Guangdong) ngày 16-4-2013. (REUTERS/Stringer/Files)
Một cháu bé ở Bắc Kinh nhiễm virus H7N9 vừa được cứu sống.
Một cháu bé ở Bắc Kinh nhiễm virus H7N9 vừa được cứu sống.
Chủng ngừa vaccine H9 tại một trại gia cầm ở hạt Changfeng (tỉnh Anhui) ngày 14-4-2013. (REUTERS/Stringer)