Thứ Bảy ngày 07 tháng 9 năm 2024

Viagra giờ cũng leo lên mạng

130507-buy-online-viagra 

Bởi vì cái viên thuốc nho nhỏ hình dạng na ná viên kim cương màu xanh Viagra giờ nổi tiếng tới mức hễ nói tới nó là người ta biết mua để làm gì, nên lâu nay cánh đàn ông thường ngại ngùng khi trực tiếp đi mua gặp nhân viên hiệu thuốc. Mua Viagra thì chủ yếu chỉ có 1 trong 2 trường hợp: hoặc là loại ăn chơi trác táng, hoặc là người “yếu bản lĩnh đàn ông”. Cái nào cũng thiệt là nhạy cảm và tế nhị.

Giờ đây, cái gút mắt này đã được giải quyết khi theo hãng tin Mỹ AP (7-5-2013) cho biết: hãng Pfizer Inc. đã lần đầu tiên trong ngành công nghiệp dược phẩm bắt đầu bán trực tuyến Viagra trên website viagra.com của mình.

Tất nhiên người mua vẫn cần phải có toa bác sĩ, nhưng họ không còn phải đưa cái mặt mình ra trước bàn dân thiên hạ nữa. Chưa hết, mặc dù giá thuốc vẫn tới 25 USD một viên, nhưng Pfizer đang khuyến mại tặng 3 viên cho đơn hàng đầu tiên và giảm 30% cho đơn hàng thứ hai.

Trước đây, Pfizer không bán Viagra trực tiếp cho người bệnh. Họ bán cho các đại lý bán sỉ rồi nơi đó phân phối tới các tiệm thuốc, bệnh viện và phòng khám bác sĩ. Bây giờ, nhà sản xuất thuốc lớn thứ 2 thế giới đã phải thay đổi cung cách bán hàng. Một phần do tình hình kinh tế thị trường khó khăn, nhưng cái chính là hãng chịu không xiết với hàng nhái, hàng giả. Các trang web bán dược phẩm trái phép xuất hiện như nấm sau mưa. Chúng chào bán các loại Viagra hàng nhái, hàng giả với giá có khi rẻ tới 95% so với giá chính hãng mà lại chẳng cần đơn thuốc.

Các nhà sản xuất thuốc lớn khác có vẻ sẽ quan sát bước tiên phong của Pfizer. Nếu mọi sự tốt đẹp, họ có thể sẽ bắt đầu bán trên mạng các loại thuốc “nhạy cảm” như giảm béo, mọc tóc, ngừa thai,…

Nhưng cho dù các nhà sản xuất có chào bán thuốc trên Internet, các cửa hàng thuốc vẫn phải tồn tại. Luật ở Mỹ cấm các hãng dược bán các loại thuốc kê toa cho bệnh nhân riêng rẽ. Vì thế, Pfizer vẫn phải sử dụng hệ thống cửa hàng thuốc toàn quốc CVS Caremark Corp. để thực hiện các đơn đặt hàng trên website.

Bất kể ra sao, sự chuyển hướng kinh doanh trực tuyến của Pfizer còn được coi là một sự thức thời.

Trong những năm gần đây, người Mỹ ngày càng thịnh với mua sắm trên mạng. Nhiều người vẫn mua những loại thuốc kê đơn trên mạng. Nó thật sự thực tế đối với những người không có bảo hiểm, họ có thể trả giá và tìm nơi bán có giá tốt nhất, đồng thời giữ cho việc mua hàng của mình được riêng tư.

Tuy nhiên, một khi mua bán trên mạng là người ta phải chấp nhận những nguy cơ từ môi trường mạng, chủ yếu là nạn lừa đảo. Kết quả một cuộc nghiên cứu hồi tháng 1-2013 của Hiệp hội Quốc gia các Ủy ban Dược (NABP) của Mỹ cho thấy: trong số 10.275 website dược được kiểm tra, chỉ có 257 cái là hợp pháp. Tiêu chuẩn để đánh giá một website hợp pháp là yêu cầu người mua phải có toa bác sĩ, có văn phòng ở Mỹ, chỉ bán các loại thuốc được cơ quan FDA phê chuẩn và có hệ thống giao dịch online an toàn để bảo đảm cho khách hàng không bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân.

Trước nay Pfizer vẫn là một trong những nhà sản xuất dược phẩm chiến đấu quyết liệt nhất với nạn làm hàng giả, hàng nhái. Theo ước tính, các loại Viagra và hàng chục loại dược phẩm khác của Pfizer bị làm giả hàng năm làm công ty thiệt hại hàng tỷ USD. Viagra là một trong những con gà đẻ trứng vàng của Pfizer với doanh số toàn cầu hồi năm ngoái tới 2 tỷ USD. Và đây cũng là loại thuốc bị làm giả nhiều nhất ở Mỹ. Hồi năm 2011, Pfizer đã thử mua “Viagra” từ 22 cửa hàng thuốc trên Internet về thử nghiệm thì thấy có tới 77% là hàng giả. Hầu hết chỉ có một nửa hay thấp hơn liều lượng hoạt chất.

viagra-fake-left-and-real-right

Viagra giả (bên trai) và Viagra thật (bên phải)

Bây giờ, cuộc chiến chống thuốc giả còn gay go hơn. Các cửa hàng thuốc online phi pháp thoải mái khoác cho các viên thuốc “Viagra” có giá chỉ 1-3 USD/viên cái nhãn mác là những loại “Viagra generic” – tức loại tương tự.

Theo luật quốc tế, các loại dược phẩm tương tự (generic drug) chỉ có thể được bán hợp pháp ở một nước sau khi bản quyền hay quyền độc quyền để bán một loại thuốc nào đó của nhà sản xuất thuốc hết hiệu lực. Trong trường hợp của Viagra, hãng Pfizer có độc quyền bán Viagra ở Mỹ cho tới năm 2020 và nhiều năm ở những nước khác. Vì thế về nguyên tắc là không thể có những loại “Viagra generic”.

Bên cạnh hàng nhái, hàng giả, Pfizer gần đây cũng bị cạnh tranh gay gắt từ các hãng khác có những chế phẩm có thể chẳng mạnh bằng Viagra nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của rộng rãi người dùng, và đặc biệt là giá rẻ hơn. Thí dụ như những sản phẩm của Eli Lilly và Co.’s Cialis.

viagra

Có lẽ Pfizer đang bắt đầu lãnh những cú hồi mã thương cho cái giá thuốc cao ngất trời xanh của Viagra. Hãng này biện hộ là các nhà sản xuất thuốc chính hãng phải chi cả tỷ USD cho quá trình thử nghiệm trước khi một loại thuốc mới được phê chuẩn. Nhưng phải chăng hãng này cũng đã “trục lợi” từ cái “nỗi đau không thể nói ra” của giới đàn ông nhờ tìm được thần dược “bản lĩnh đàn ông”?

Theo hãng dữ liệu sức khỏe IMS Health, thị phần của Viagra trong cái thị trường thuốc “ông uống bà khen” toàn cầu trị giá tới 5 tỷ USD một năm đã giảm từ 46% hồi năm 2007 xuống còn 37% trong năm ngoái. Judson Clark, nhà phân tích của Edward Jones, dự báo rằng doanh số bán ra của Viagra sẽ giảm khoảng 5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới – một điều bất thường đối với một loại thuốc đang trong thời hoàng kim của nó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-5-2013)

Ảnh ở đầu bài: Trang web của Pfizer bắt đầu bán online Viagra. (Nguồn các ảnh: Internet. Thanks.)