Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Các học sinh trung học Việt Nam thi tài tại cuộc thi khoa học quốc tế Intel ISEF 2013

130514-phphuoc-intel-isef-phoenix-center-02_resize

Năm nay Việt Nam cử một lực lượng hùng hậu nhất. kể từ năm 2009 khi tham dự vòng chung kết Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật ứng dụng Quốc tế Intel ISEF (International Science and Engineering Fair) ở Hoa Kỳ.

Đoàn Việt Nam tới ISEF 2013 tại Phoenix (Arizona) năm nay gồm 4 đội (3 đội của Hà Nội và 1 đội của TP.HCM) và 1 cá nhân (Hà Nội) mang theo 5 đề tài để tranh đua với các học sinh khác đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-043_resize

Các đề tài dự thi năm nay của ta gồm:

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-100-1024

– Xử lý nước thải phòng thí nghiệm bằng cách dùng vôi và mạt cưa của nhóm 3 học sinh lớp 10 Nguyễn Hoàng Hiệp, Phạm Hữu Đạt, Phạm Quốc Hoàng thuộc trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội).

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-094-1024

– Sản xuất Isoflavone Aglycone từ đậu nành của học sinh lớp 11 Nguyễn Thảo Anh thuộc trường THPT Chu Văn An.

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-077-1024

– Lọc vi khuẩn trong nước bằng lớp màng quả trứng của nhóm 3 học sinh Đỗ Thùy Linh, Hoàng Trọng Nam Anh, Vũ Mai Hương trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-026-1024

– Xua đuổi côn trùng bằng tinh dầu và nhựa cây chổi xể (Baeckea frutescens L) của 2 học sinh lớp 11 Nguyễn Thanh Đức, Trần Việt Hoàng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-086-1024

– Hệ thống trồng rau, nuôi cá tự động tại gia đình của nhóm 3 học sinh Trần Ngọc Châu, Nguyễn Phương Duy, Trương Nhựt Cường trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
Tất cả 5 đề tài này đều đã giành được thứ hạng cao trong cuộc thi cấp quốc gia VISEF 2013, trong đó cả hai đề tài của trường THPT Chu Văn An đều đoạt giải nhất.

CUỘC THI KHOA HỌC TIỀN ĐẠI HỌC LỚN NHẤT THẾ GIỚI

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-003_resize

Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật ứng dụng Quốc tế ISEF ra đời từ năm 1950, do tổ chức Dịch vụ Khoa học (nay là Hội Khoa học và Công chúng – SSP) tổ chức. Từ năm 1997, cuộc thi tài này được Công ty Intel tài trợ và trở thành Intel ISEF. Ngày nay, đây là cuộc thi khoa học tiền đại học quốc tế lớn nhất thế giới, có hơn 70 nước và vùng lãnh thổ tham dự.

Hồi ban đầu, người ta dùng cụm từ “cuộc thi Nobel trẻ” để chỉ tầm vóc và ý nghĩa của ISEF, nhưng sau này do đụng chạm tới bản quyền, cái ngoại hiệu “Nobel trẻ” không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên, ban giám khảo của Intel ISEF bao gồm nhiều người đoạt giải Nobel, những nhà khoa học đầu ngành lừng lẫy,… Tại Intel ISEF 2013, ngày 14-5 đã diễn ra cuộc thảo luận khoa học và kỹ thuật với 4 người đoạt giải Nobel y – sinh học, hóa học và vật lý (J. Michael Bishop, H. Robert Horvitz, Sir Harold Kroto và Douglas Osheroff) trực tiếp trả lời các thắc mắc của các thí sinh. Năm ngoài có tới 8 vị đoạt giải Nobel (J. Michael Bishop, Martin Chalfie, Dudley Herschbach, H. Robert Horvitz, John Mather, Douglas Osheroff, Carl Wieman, và Ada Yonath) tham gia sự kiện này.

Với tên gọi là “hội chợ khoa học”, Intel ISEF khác các cuộc thi KHKT quốc tế khác là có đề tài mở. Các thí sinh tiềm năng tự chọn đề tài nghiên cứu của mình và tất cả phải trên nguyên tắc dùng khoa học – kỹ thuật để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Chính nhờ đề tài mở mà nội dung cuộc tranh tài luôn phong phú và hấp dẫn vì tính khoa học ứng dụng và tính thực tiễn của các đề tài. Chính từ các phát kiến của các học sinh yêu khoa học này mà các nhà chuyên nghiệp có thể nối tiếp phát triển thành những sản phẩm có giá trị cao. Chẳng hạn như tại Intel ISEF 2012, giải thưởng cao nhất Gordon E. Moore Award trị giá 75.000 USD đã trao cho cậu học sinh 15 tuổi Jack Andraka ở bang Maryland với đề tài phương pháp mới phát hiện ung thư tuyến tụy chính xác tới hơn 90%, nhanh hơn 28 lần, rẻ hơn 28 lần và nhạy hơn 100 lần so với các phương pháp xét nghiệm hiện nay.

Cuộc thi Intel ISEF có 17 lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà các học sinh trung học có thể tham gia dưới hình thức cá nhân hay nhóm (không quá 3 người). Cuộc thi cấp toàn cầu tại Phoenix năm nay có hơn 1.500 học sinh từ lớp 9 tới lớp 12 của khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Giải thưởng cao nhất là Giải Gordon E. Moore trị giá 75.000 USD. Hai giải kế đó là 2 Giải thưởng Nhà khoa học trẻ của Quỹ Intel trị giá 50.000 USD/giải. Hàng trăm giải khác có giá trị bằng tiền, học bổng, thực tập sinh, chuyến dã ngoại thực địa khoa học. Tổng giá trị giải thưởng và phần thưởng của Intel ISEF 2013 tới hơn 3 triệu USD.

Sau khi được Intel giới thiệu tới Việt Nam vào năm 2006, ISEF đã nhanh chóng trở thành một hoạt động thi đua ứng dụng khoa học – kỹ thuật sôi động trong học sinh trung học khắp cả nước và hiện đang được Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì. Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu cử các cá nhân và nhóm tham dự vòng chung kết ISEF ở Hoa Kỳ. Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên có đội đoạt giải tại Intel ISEF.

VIỆT NAM TẠI INTEL ISEF 2013

Năm nay các bạn thí sinh Việt Nam có trình độ Anh ngữ tốt, giao tiếp và thuyết trình lưu loát, Thậm chí các bạn nói rằng giới thiệu về đề tài của mình bằng tiếng Anh còn dễ hơn là nói bằng tiếng Việt.

Đây là lần đầu tiên các bạn tới nước Mỹ và đều có cảm nhận là choáng ngợp với nền giáo dục ở đây. Các bạn học sinh đồng trang lứa ở đây tự tin hơn, được học chương trình thiết thực hơn, đề cao tính chủ động và làm việc nhóm (teamwork).

Khi được hỏi một câu đầy tế nhị là tự nhận xét về trình độ của mình với các bạn nước ngoài, các bạn thẳng thắn nói rằng một khi đã vượt qua được các kỳ thi sàng lọc và chọn lựa ở từng nước với các chuẩn mực quốc tế của Intel ISEF, mọi thí sinh tới vòng chung kết đều là những người có bản lĩnh và trình độ như nhau. Các bạn chỉ khác nhau ở đề tài mình tham dự. Bạn Trần Việt Hoàng (trường Nguyễn Huệ, Hà Nội) nói rằng: “Các bạn học sinh nước ngoài có thái độ cư xử với mọi người rất thân thiện và khi nói về đề tài của mình thì sôi nổi và vững vàng như một nhà khoa học thực thụ. Thật ra, vượt qua phút bỡ ngỡ ban đầu, bọn em cũng nhập cuộc nhanh chóng và cũng giống như các bạn.” Bạn Nguyễn Thanh Đức (cùng nhóm đề tài vời Việt Hoàng) khoe rằng mấy hôm nay các bạn kết thân được nhiều bạn mới, đặc biệt là những bạn có những đề tài mà mình quan tâm. Có điều thú vị là các bạn đã tìm kiếm và làm quen được với một số thí sinh người Việt ở Mỹ.

Các bạn học sinh Việt Nam mà tôi tiếp xúc đều nói rằng chuyến đi này quá lý thú. Nó giúp cho các bạn mở mang ra nhiều thứ về tri thức, cách học tập và cách theo đuổi đam mê khoa học. Trần Việt Hoàng thậm chí còn nói: “Chỉ cần loanh quanh trong khu vực Intel ISEF thôi cũng đã quá đủ, quá sướng rồi.”

Phải nói là các bạn học sinh Việt Nam đi dự Intel ISEF với tình cảnh con nhà nghèo. Giống như các nước khác, Intel chỉ tài trợ cho 1 đề tài, có nghĩa là các thí sinh còn lại phải tự túc. Theo đoàn cho biết: Được cái là chính quyền thành phố Hà Nội hỗ trợ các bạn theo nguyên tắc: Intel tài trợ thế nào, các bạn cũng được hưởng như vậy. Riêng chuyến đi Hollywood thì đoàn xin được tài trợ một phần, còn lại do gia đình đóng thêm. Cả đoàn gần 20 người chỉ có 4 phòng khách sạn. Ăn uống thì … mì gói là chủ yếu. Mãi tới ngày triển lãm cho công chúng 16-5, mỗi bạn được ban tổ chức cấp 1 phiếu ăn 15 USD – vậy là được nếm mùi fast-food của Mỹ. Nhiều bạn ngán nhưng không no. Trong khi đó, tôi thấy có những thí sinh nước ngoài tới bữa là rủ nhau ghé quán ăn, thậm chí nhà hàng.

Ngay cả chuyện học tập của các bạn cũng bị thiệt thòi. Các bạn phải mất 3-4 tháng dồn tâm sức cho cuộc thi này. Và thời gian các bạn ở Mỹ cũng là  lúc trường các bạn thi học kỳ 2. Mặc dù được đặc cách miễn thi, nhưng chắc chắn điểm số mà các bạn được cho sẽ không phản ánh đúng khả năng của các bạn. Nhiều bạn nói rằng năm nay cứ coi như vậy đi, nhưng chắc chắn năm học tới sẽ bị ảnh hưởng.

KHÔNG QUÁ TẦM NHƯNG VẪN KHÁ MỚI LẠ

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-021-1024

Các vị quan chức Bộ Giáo dục – Đào tạo thăm và động viên các thí sinh Việt Nam ngay tại khu triển lãm.

Trong đêm mưa phần thưởng đặc biệt của các nhà tài trợ được trao tối 16-5-2013, đoàn Việt Nam không có duyên một giải nào. Ngoài Mỹ gom gần hết giải, còn có 36 nước và vùng lãnh thổ khác có giải. Riêng khu vực Đông Nam Á có Singapore, Malaysia và Indonesia đoạt giải.

Chắc chắn Intel ISEF không phải quá tầm mà chỉ là khá mới với Việt Nam. Việc tổ chức vòng thi quốc gia giờ đã được tổ chức tốt vừa là một cuộc tranh tài, vừa hình thánh một phong trào nghiên cứu, khoa học. Nhưng khi đi thi chung kết ở Mỹ, có lẽ chúng ta còn nhiều điều để mà đầu tư. Do đặc thù của Intel ISEF, việc tố chức và các tiêu chí đều theo một chuẩn toàn cầu – để bảo đảm khớp với hệ thống chung kết quốc tế ở Mỹ.

Vấn đề còn lại là ta đầu tư cho việc chuẩn bị cho các thí sinh đi thi tài chung kết. Ban tổ chức cuộc thi trong nước nên tham khảo tất cả các đề tài đoạt giải của từng kỳ để tìm cho ra cái chìa khóa vàng – mẫu số chung của các đề tài đoạt giải. Mỗi cuộc tranh tài quốc tế đều có cái “gu” của nó. Tốt nhất là mỗi kỳ Intel ISEF, ta nên bỏ tiền cử một người chuyên nghiệp tới tìm hiểu kỹ lưỡng các đề tài của bạn, đặc biệt là các đề tài đoạt giải. Biết người biết ta thì mới có thế trăm trận trăm thắng được. Việc trang trí các booth của thí sinh cũng cần phải có sự góp sức tư vấn của các người chuyên nghiệp sao cho thu hút, không đơn điệu và lọt thỏm giữa cả ngàn booth khác. Ngay cả việc hướng dẫn đoàn đi thi, cần phải có một người chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm trận mạc, không nên mỗi năm một người khác nhau để hậu quả là cả đoàn năm nào cũng như mới đi thi lần đầu. Ngay cả trang phục của thí sinh, năm nay các em mặc âu phục trang trọng – nhưng nó vừa khiến các em bị bó cứng, vừa không gây ấn tượng với khách nước ngoài. Người Âu Mỹ mặc đồ vest trông vẫn thoải mái hơn người châu Á. Thí sinh một số nước mặc trang phục dân tộc của mình và chỉ cần như vậy đã thu hút nhiều khách ghé thăm. Giá như tại Intel ISEF, các bạn nữ mặc áo dài – thậm chí các bạn nam diện áo dài khăn đóng cũng sẽ tạo được ấn tượng và góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè năm châu. Cuối cùng, điều mà các nhà tổ chức và các thí sinh Intel ISEF mong đợi nhất là Bộ Giáo dục – Đào tạo sớm công nhận Intel ISEF được hưởng các quy chế như các kỳ thi quốc tế dành cho học sinh – thí dụ như các thí sinh đoạt giải chung kết sẽ được ưu đãi trong tuyển sinh đại học như là một sự động viên, một sự thưởng công xứng đáng cho tâm sức mà các học sinh bỏ ra làm rạng danh đất nưóc trong một cuộc tranh tài khoa học đỉnh cao quốc tế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Phoenix, Arizona, 17-5-2013)

 TIN CẬP NHẬT:

130517-phphuoc-intel-isef-phoenix-awards-215-1024 130517-phphuoc-intel-isef-phoenix-awards-216-1024

Đoàn Việt Nam năm nay dự Intel ISEF hùng hậu nhất kể từ khi tham dự từ năm 2009 với 4 đội và 1 cá nhân. Kết quả đã giành được 2 giải tư cho đề tài:

– Hệ thống trồng rau, nuôi cá tự động tại gia đình của nhóm 3 học sinh Trần Ngọc Châu, Nguyễn Phương Duy, Trương Nhựt Cường trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong bảng Kỹ thuật: Điện và cơ khi.

– Lọc vi khuẩn trong nước bằng lớp màng quả trứng của nhóm 3 học sinh Đỗ Thùy Linh, Hoàng Trọng Nam Anh, Vũ Mai Hương trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Cho dù là giải không lớn, nhưng điều đáng quý là đoàn Việt Nam đã 2 lần làm cho tên nước Việt Nam được xướng lên giữa một hội trường quốc tế và đã không trở về tay không. Công bằng mà nói, các thí sinh Việt Nam năm nay rất tuyệt cả về bản lĩnh và trình độ.

PHOTO: Các học sinh Việt Nam tại Intel ISEF 2013 ở Hoa Kỳ.

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-080_resize

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-028-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-027-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-025-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-024-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-023-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-022-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-102-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-101-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-099-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-097-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-095-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-084-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-080-1024

130516-phphuoc-intel-isef-phoenix-exhibits-078-1024