Trở lại Saigon
Sau khi rời sân bay Dallas Fort Worth (Texas, Mỹ) lúc 13g25 ngày 4-6-2013, tôi cỡi chiếc Boeing B777-200 của hãng hàng không American Arlines (Flight AA61) về sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản). Máy bay bay theo hướng tây bắc lên bang Washington giáp Canada rồi bay dọc theo duyên hải British Columbia (Canada) qua Vịnh Alaska rồi cặp theo duyên hải Siberia (Nga) sau đó mới băng qua Biển Bering sang Nhật Bản. Thời gian bay mất 12 giờ 40 phút, tới Tolyo lúc 16g05 ngày 5-6. Đợi chuyển tiếp tới 18g20 (tức 16g20 ở VN), tôi leo lên chiếc Boeing B767-300 của hãng Japan Airlines (Flight 759) đi thêm 5 giờ 26 phút tới Tân Sơn Nhất lúc 21g56. Vậy là từ Mỹ về Việt Nam qua ngã Tokyo mất 18 giờ 06 phút ngồi trên máy bay.
Ngồi trên máy bay lâu như vậy, từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy người ta đầu tiên cần phải có một “bộ bàn tọa” hoặc là có “số má” (mỡ màng) để luôn có càm giác được ngồi trên miếng nệm cao su, chớ cái kiểu “ba rọi” như tôi thì thiệt là… rêm! Chặng đường từ Mỹ sang Nhật dài thăm thẳm trời mây tới mức không dám nhìn đồng hồ, ngủ hoài mà chưa thấy tới. Anh bạn đồng hành người Mỹ ngồi ghế bên tôi thiệt là tài: lên máy bay là ngủ thẳng một lèo qua tới Nhật không ăn, không uống gì ráo. Anh ta thì an phận, chỉ tội nghiệp thân tôi chuyến này không tìm được ghế ngay lối đi, bị anh Mỹ mê ngủ chắn bên ngoài, thiệt là khó khăn khi muốn đi tới đi lui cho nó đỡ bó cẳng và… nhẹ bụng! Bởi biết hoàn cảnh của mình, tôi hạn chế uống nước tới mức thấp nhất. Nhờ người ngồi bên ngoài đứng dậy cho mình chen ra đã ngại huống chi người đó lại cứ ngủ triền miên như chưa từng được ngủ.
Có trải nghiệm rồi mới thấy thương và bái phục các đồng bào của mình sinh sống ở Mỹ mỗi khi họ về thăm quê nhà. Điều này cũng dễ hiểu vì sao mỗi người họ thường cộ về tới 4-5 thùng hành lý. Mỗi lần về một lần khó. Hôm qua tôi thấy một đôi vợ chồng Việt kiều chở tới 11 kiện hành lý. Mỗi người được 2 kiện miễn phí, số trội thêm phải trả cước 100 USD cho một thùng – tiêu chuẩn là 50 pound (23kg) một thùng. Vì sao hàng lý nhiều? Mỗi chuyến về Việt Nam thường được bà con chuẩn bị trước cả năm trời hay lâu hơn. Bên cạnh việc book sẵn vé máy bay (càng sớm càng rẻ), họ còn canh me những đợt siêu thị sale hàng hóa (có khi tới 70% hoặc hơn) để mua hàng tích trữ dần. Tới thăm nhà nào, tôi cũng thấy đồ sale chất đầy cả góc kho. Gì chớ cái vụ này thì người Việt mình ở Mỹ là bậc thầy. Họ thường mua được hàng hóa với giá cực rẻ khi kết hợp các coupon giảm giá in trên các tập booklet quảng cáo, phiếu mua hàng (các siêu thị thường gởi tặng các member – khách hàng thường xuyên có đăng ký – những phiếu mua hàng có khi tới 10-20 USD) với các đợt siêu giảm giá theo mùa hay nhân các lễ hội. Tích trữ suốt 1-2 năm thì tất nhiên khi về thăm nhà phải đi với… nhiều thùng!
Bay được 45 phút thì các tiếp viên phục vụ nước uống và bánh snack. Nhiều người kêu cả lon nước ngọt hay bia. Mới ăn nhẹ chừng 10 phút thì tiếp viên lại bắt đầu đẩy xe dọn bữa trưa – bữa ăn chính trong suốt chuyến bay. Ai lỡ ních đầy bụng nước rồi, giờ dở khóc, dở cười.
Thời gian đầu ở Mỹ, chưa quen giờ giấc, tôi ngủ trong khi mọi người đi làm. Bây giờ mới trở lại Việt Nam, người ta đi làm trong khi tôi ngủ! Cái cảm giác trộn lẫn giữa triệu chứng jet-lag (mệt mỏi sau chuyến bay dài) với sự thay đổi nhịp thời gian sinh học làm người ta tưng tưng ngầy ngật khó chịu – ban đêm mệt đuối mà mắt cứ thao láo như người đang ở Mỹ giữa ban ngày. Trong tình trạng đó mà lái xe gắn máy thiệt là nguy hiểm vì đầu óc thiếu tỉnh táo mà tay lái lại quờ quạng sau nhiều ngày chỉ được người ta lái chở mình đi bằng xe hơi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 6-6-2013)
Chia tay thầy cô Mai Văn Nhãn tại sân bay Dallas Fort Worth.
Chia tay thầy cô và anh Nguyễn Văn Nghĩa – sư huynh đồng môn – bên trong sân bay sau khi check-in xong. Buổi chiều, anh Nghĩa cũng sẽ bay về nhà ở Massachusetts.
Bữa ăn nhẹ trên máy bay Dallas – Tokyo.
Bữa ăn chính trên máy bay Dallas – Tokyo.
Tại sân bay Narira (Tokyo) chiều 5-6-2013.