Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

Nelson Mandela, một nhân vật huyền thoại của châu Phi truyền cảm hứng cho cả thế giới

nelson-mandela-day-2013

 

Mừng sinh nhật thứ 95 bình thường đã là một chuyện hiếm trên thế giới. Với một người từng trải qua 27 năm trong nhà tù của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi như ông Nelson Mandela, đây quả là một kỳ tích. Mặc dù vẫn còn nằm trong bệnh viện, nhưng nhà lãnh đạo da đen này đã đón sinh nhật thứ 95 của mình (18-7-1918/2013) với tin tốt lành là bệnh trạng đang khả quan hơn.

Mặc dù vẫn còn nằm trong bệnh viện, nhưng nhà lãnh đạo da đen Mandela đã đón sinh nhật thứ 95 của mình (18-7-1918/2013) với tin tốt lành là bệnh trạng đang khả quan hơn.

Ông Mandela được đưa vào bệnh viện ở Pretoria hôm 8-6 do nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Đã có lúc người ta nghĩ tới việc chuẩn bị cho lễ tang ông. Hiện ông vẫn trong tình trạng nguy hiểm nhưng với điều kiện ổn định. Ngày 17-7, cô con gái út là bà Zindzi Mandela cho biết cha mình đã có một “tiến bộ đầy ấn tượng”, ông đã có thể giao tiếp và xem tivi với headphone. “Ông phản ứng rất tốt với đôi mắt mình, ông gật đầu và đôi khi nhấc bàn tay mình lên như muốn bắt tay bạn.” Bà nói với đài truyền hình UK Sky TV rằng: “Tôi cứ nghĩ rằng ông sẽ sớm trở về nhà bất cứ lúc nào.”

South Africa Mandela

Ông Nelson Mandela trong bệnh viện tháng 6-2013.

Sinh nhật 95 tuổi của ông Mandela được cả thế giới ăn mừng, đặc biệt là châu Phi. Còn ở đất nước Nam Phi của ông, người dân đã cổ vũ nhau tham gia 67 phút hành động từ thiện để ghi dấu 67 năm hoạt động vì cộng đồng của ông.

Là một thành viên thuộc hoàng tộc của bộ tộc Thembu, ông Mandela học luật và trong thời gian ở Johannesburg đã tham gia hoạt động chống thực dân. Khi làm luật sư, ông đã nhiều lần bị bắt vì các hoạt động nổi loạn chống chủ nghĩa apartheid. Năm 1962, ông bị bắt lần nữa, với các tội danh xách động công nhân bãi công và ra khỏi đất nước không có giấy tờ, bị tòa xử án 5 năm khổ sai. Tới năm 1964, Mandela lại phải ra tòa và bị buộc tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính quyền, lãnh án tù chung thân. Cả một cuộc vận động quốc tế đã diễn ra để kêu gọi chính quyền Nam Phi trả tự do cho ông Mandela. Ngày 11-2-1990, ông đã được trả tự do giữa làn sóng xung đột chính trị đang leo thang ở Nam Phi sau hơn 27 năm ngồi tù. Khi trở thành Chủ tịch đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), ông đã lãnh đạo quá trình đàm phán với Tổng thống da trắng F.W. de Klerk để xóa bỏ chủ nghĩa apartheid. Mặc dù chủ nghĩa apartheid đã chính thức bị thủ tiêu vào năm 1990 khi những đạo luật cuối cùng cùa chủ nghĩa này bị bãi bỏ, nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ thật sự cáo chung sau cuộc tổng tuyển cử đa chủng tộc ở Nam Phi năm 1994. Ông Mandela đã trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi hồi năm 1994 và đảm nhận chức vụ này một nhiệm kỳ tới năm 1999. Ông là nguyên thủ Nam Phi đầu tiên được bầu trong một cuộc bầu cử đa sắc tộc và dân chủ. Ông là Chủ tịch ANC từ 1991 tới 1997 và Tổng thư ký Phong trào Các nước Không liên kết (NAM) từ 1998 tới 1999.

Nếu như mục sư Martin Luther King, Jr. (1929 – 1968) là người có công thủ tiêu chế độ nô lệ của người da đen ở Hoa Kỳ, luật sư Mandela được người da đen châu Phi ghi ơn là người đã xóa sổ được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà biết bao thế hệ người da đen châu Phi phải hứng chịu ngay trên đất tổ của mình. Người Nam Phi kính trọng gọi ông là Tata (Cha) và ông thường được mô tả như một “người cha của dân tộc”. Với thành tích chống thực dân và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông Mandela đã nhận được hơn 250 giải thưởng của thế giới, trong đó có giải Nobel Hoà bình năm 1993, Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ và Huân chương Lenin của Liên Xô.

Liên Hiệp Quốc cũng đã tuyên bố ngày sinh nhật của huyền thoại châu Phi này là Ngày Quốc tế Nelson Mandela hay đơn giản là Ngày Mandela (Mandela Day). Sau sự thành công của lễ mừng sinh nhật thứ 90 của ông Mandela tại Công viên Hyde ở Luân Đôn (Anh) hồi tháng 6-2008, người ta đã quyết định lấy ngày sinh nhật của ông hàng năm làm một ngày quốc tế cổ vũ và truyền cảm hứng cho mọi người hành động để giúp thay đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Vì ông Mandela đã cống hiến cho nhân loại 67 năm sống vì mọi người, mỗi người sẽ hưởng hứng Ngày Mandela bằng cách dành ra 67 phút trong cuộc đời mình để thực hiện các hoạt động từ thiện hay phục vụ công đồng địa phương mình. Khẩu hiệu hành động là “Hãy hành động; hào hứng thay đổi, làm cho mỗi ngày đều là Ngày Mandela”.

Nhân sinh nhật thứ 95 của ông Mandela, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thúc giục mọi người vinh danh ông “thông qua các hành động cá nhân và tập thể phục vụ cộng đồng”. Ông nói: “Trong suốt cuộc đời của chúng ta, bằng việc noi gương ông ấy, chúng ta có thể vinh danh người đã cho dân tộc mình và cả thế giới thấy con đường đi tới công lý, bình đẳng và tự do.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-7-2013)